Về miền lim xanh
Nằm sừng sững ở địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang (Như Thanh) và Tân Bình (Như Xuân), cây lim xanh gần nghìn năm tuổi được đồng bào người dân tộc Thái xem là “báu vật” còn sót lại của rừng già, biểu thị cho sức sống mãnh liệt cũng như sự cố kết bền vững của cộng đồng dân cư.
Cây lim xanh nằm ngay bên đường tỉnh 520C.
Từ ngã ba xã Xuân Khang (Như Thanh), tôi dọc theo con đường tỉnh 520C đến địa phận thôn Đức Bình, xã Tân Bình (Như Xuân) để được mục thị cây lim xanh cổ thụ gần nghìn năm tuổi duy nhất còn sót lại. Trong ký ức của bà con người dân tộc Thái bản địa, nơi đây xưa kia là bạt ngàn những cánh rừng lim xanh cổ thụ, nhưng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, rừng lim cổ thụ nay chỉ còn sót lại 1 cây duy nhất.
Cây lim xanh trước mắt chúng tôi được công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2022. Bà con vẫn quen gọi là Thiết Lim. Cây có chiều cao chừng 50m, đường kính gần 2m. Tán cây không quá rộng nhưng thân cây cao và thẳng, đứng sừng sững như biểu tượng về sức sống mãnh liệt giữa núi rừng. Tiến sát vào gốc cây, có thể dễ dàng quan sát những vết sẹo lồi, lõm theo thời gian. Thậm chí, có những vết sẹo đã mục hóa phải bịt, chít bằng xi măng để bảo vệ trước mối mọt.
Phần thân cây vẫn còn dấu tích của 2 vết cưa cắt đã cũ theo thời gian, trong đó có một vết ăn khá sâu vào thân cây. Ông Nguyễn Tiến Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình lý giải: Thời điểm xảy ra tình trạng cây lim xanh bị cưa cắt là khoảng năm 1989, khi đó ông còn đương nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình. Ngay sau khi nhận được thông tin có một nhóm người dùng cưa tay định đốn hạ cây lim xanh cuối cùng này, ông đã trực tiếp cùng cán bộ xã, bà con trong làng ra ngăn cản, yêu cầu nhóm đối tượng không được đốn hạ. Sau vụ việc, UBND xã cũng giao nhiệm vụ cho dân làng thay nhau canh giữ bảo vệ cây lim một cách nghiêm ngặt.
Ông Nam cho biết, từ bao đời nay, bản sắc, tập quán của bà con dân tộc Thái chủ yếu sống dựa vào rừng, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi được bà con quan niệm là nơi trú ngụ của thần linh, của những linh hồn người đã khuất nên việc chặt hạ là điều rất kiêng kỵ và không được phép. Việc xâm phạm đến những cây lim cổ thụ chỉ có thể là “lâm tặc”, những người từ nơi khác đến.
Trong những năm tháng chiến tranh, rừng lim xanh đã được nông trường Như Xuân khai thác để phục vụ cho các nhiệm vụ của đất nước. Gỗ lim được sử dụng để thi công làm đường ray tàu hỏa; làm cán lựu đạn; báng súng... Tuy nhiên, những giai đoạn về sau, có những thời kỳ rừng lim xanh bị khai thác quá mức. Đó là việc trục lợi từ những chính sách mở cửa rừng của nhiều đối tượng, sự buông lỏng trong quản lý... Hệ quả, những cánh rừng lim xanh cổ thụ dần bị xóa sổ, hình thành những đồi đất trơ trọc.
Giai đoạn năm 2011-2013, Vườn quốc gia Bến En đã thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển loài lim xanh”, trong đó có nội dung là phục tráng và bảo tồn cây lim nghìn năm tuổi. Cũng giai đoạn này, Vườn quốc gia Bến En thực hiện việc khoanh vùng khoảng 1.000ha lim xanh tự nhiên và thực hiện trồng mới khoảng 5ha rừng lim (nguồn giống được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim tự nhiên trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài.
Đến năm 2022, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En tiếp tục làm hồ sơ và được công nhận cây lim xanh cổ thụ là cây di sản Việt Nam. Việc công nhận này có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ giúp lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm, mà còn là sự trân trọng trước một biểu tượng được bản làng bảo vệ. Hiện nay, cây lim cổ thụ đã được xây dựng hàng rào bảo vệ; phát dọn dây leo, bụi rậm; phun thuốc xử lý nấm, mục, diệt mối quanh gốc; phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc liền vết thương...
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ cây lim di sản, biểu tượng của bản, làng thì xã Tân Bình cũng đã thành lập 3 tổ bảo vệ rừng với 21 tổ viên để cùng tham gia quản lý, nhận giao khoán trồng mới diện tích rừng lim xanh hàng năm. Đến nay, cơ bản diện tích rừng lim xanh thuộc địa giới hành chính của xã do Vườn quốc gia Bến En quản lý đã được phủ xanh mướt không còn diện tích đất trống, đồi trọc.
Với bà Lê Thị Thu, Bí thư Chi bộ thôn Đức Bình, đồng thời cũng là tổ viên tổ bảo vệ rừng nơi đây không giấu được niềm vui khi nói về các chính sách giao khoán, trồng, bảo vệ rừng thời gian qua đã giúp cho Nhân dân thôn Đức Bình có thêm những nguồn kinh phí đầu tư các hạng mục an sinh, cũng như người dân có thêm nguồn thu nhập từ trồng, bảo vệ rừng.
Theo số liệu từ Vườn quốc gia Bến En, thì kể từ khi thành lập năm 1992, nhiệm vụ bảo tồn cũng như trồng mới diện tích rừng lim xanh luôn được chú trọng. Ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích hơn 10.500ha rừng có phân bố cây lim xanh tái sinh tự nhiên, thì từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chương trình hợp tác và tài trợ của các tổ chức quốc tế, Vườn quốc gia Bến En đã trồng mới được trên 300ha cây lim xanh. Trong giai đoạn 2023-2030 Vườn quốc gia Bến En sẽ tiếp tục phấn đấu trồng mới thêm 200ha.
Nhìn chung, diện tích những cánh rừng lim xanh được trồng mới, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với diện tích lim xanh trong rừng tự nhiên, công tác quản lý bảo vệ nghiêm ngặt nên không để xảy ra khai thác trái phép.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-10-13 07:30:00
Một tập thể anh hùng
Bản tin Tài chính ngày 13/10: Giá vàng trong tuần tới được dự báo như thế nào?
Dự báo thời tiết ngày 13/10: Thanh Hóa không mưa, trời dịu mát
Mường Lát ngày nắng lên
“Hồi sinh” cho cây mía nguyên liệu
Trên đất Bình Sơn
Thị xã Bỉm Sơn “về đích” nhiệm vụ chuyển đổi số trước thời hạn
Bản tin Tài chính ngày 12/10: Vàng tiếp đà tăng mạnh; Đồng USD ổn định
Dự báo thời tiết ngày 12/10: Thanh Hóa sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Thọ Xuân đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao