Về “miền xa ngái”
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135, 30a, cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống của bà con đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang có nhiều khởi sắc. Hành trình đi đến mùa xuân của bản một lần nữa khẳng định: “Ý Đảng, lòng dân” hòa quyện đã dẫn lối cho Nhân dân hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhà văn hóa bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).
Bản Mùa Xuân được nhiều người gọi là “miền xa ngái”. Sở dĩ được gọi như thế, bởi con đường từ trung tâm xã Sơn Thủy về bản quá đỗi gian nan với những con dốc cao ngút. Từ trên cao nhìn xuống, bản dường như nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là những đỉnh núi cao ngút. Những ngôi nhà cũ kỹ, hiện rõ sự vất vả, khó khăn.
Do tập quán du canh, du cư, năm 1990, đồng bào Mông từ Mường Lát tìm đến vùng núi cao Sơn Thủy để lập làng, lập bản. Từ vài gia đình ban đầu, chỉ một thời gian ngắn hàng chục hộ gia đình đã quần tụ nơi đây đốt nương, làm rẫy. Để ổn định, chính quyền xã vận động bà con định cư và đặt tên bản là Mùa Xuân. "Lúc mới lập bản, bà con khổ lắm, trẻ con không được học hành, trình độ văn hóa thấp, nhiều hủ tục từ bao đời còn đeo đẳng khiến bản nhỏ lay lắt trong đói nghèo, lạc hậu” - ông Sung Văn Cấu, bí thư chi bộ, trưởng bản Mùa Xuân nhớ lại.
Năm 2001, Chi bộ bản Mùa Xuân được thành lập với 9 đảng viên, trong đó có ông Cấu. Trong vai trò là đảng viên, ông cùng với tập thể chi bộ đã có nhiều buổi tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Đồng thời, vận động người dân không di cư tự do, không phá rừng, đốt nương làm rẫy, không trồng cây thuốc phiện và tin lời kẻ xấu xúi giục. Cùng với đó, từng bước xây dựng đời sống văn hóa ở bản, thực hiện nếp sống mới trong cưới hỏi, tang ma, loại bỏ hủ tục, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn vốn là những “lực cản” đồng bào Mông thoát đói nghèo. Ông Cấu cho biết: “Nhờ có Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng, cuộc sống của đồng bào Mông bản Mùa Xuân đã thay đổi từng ngày. Bà con giờ đã biết trồng lúa nước 2 vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng, trồng rau sạch. Tình trạng đốt nương làm rẫy, các hủ tục hầu như không còn".
Năm 2020, cuộc sống có đổi thay nhưng đồng bào Mông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, hệ thống điện lưới quốc gia chưa có. Một số hộ dân có điều kiện thì ngăn nước suối, mua máy tua-bin về nhờ sức nước mà lấy điện thắp sáng. Đường đi lối lại trong bản chỉ là những con đường đất, trời nắng đã khó đi, mỗi khi mưa về trơn trượt dường như càng khó đi lại hơn. Bà con thường xuyên được cấp cây, con giống nhưng vì canh tác lạc hậu dẫn tới năng suất thấp.
Bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang đổi thay từng ngày.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2021, điện lưới quốc gia đã về đến bản Mùa Xuân. Sau đó, dự án làm đường giao thông vào bản cũng được triển khai. Dù chưa thông suốt nhưng xe ô tô đã lên được đến bản. Vươn theo cung đường “mơ ước” ấy, cuộc sống mới đang về với 116 hộ dân đồng bào Mông bản Mùa Xuân. “Có điện, có đường, đó là bước ngoặt lớn, là một cuộc cách mạng, mở ra hy vọng và tương lai mới cho bà con” - ông Cấu phấn khởi nói.
Từ hành trình di cư đến định cư ở miền đất mới với 100% hộ nghèo. Năm 2024, bản Mùa Xuân đã có gần 10 hộ dân thoát nghèo và không còn hộ đói. Cả bản hiện có 8ha lúa nước, 7ha ngô, 63ha vầu và có 241 con bò, 96 con trâu, 100 con lợn, gần 2.000 con gia cầm... Đồng bào Mông trong bản đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, có tài sản hàng trăm triệu đồng.
Điều đáng mừng trong công tác giáo dục, bản Mùa Xuân có 10 người đang học đại học và các hệ đào tạo ngoài đại học; 135 học sinh các cấp. Các hộ gia đình người Mông đã biết tầm quan trọng của cái chữ nên việc tới trường của con em rất thuận lợi.
Ông Ngân Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, chia sẻ: “Bản Mùa Xuân nay đã có lưới điện quốc gia, đường cũng đã dẫn lên bản. Địa phương đã và đang triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập. Đó là cách duy nhất để bà con dân bản vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng ngày càng no ấm".
Tin rằng, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là động lực giúp bà con bản Mùa Xuân mở ra hướng thoát nghèo, là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
- 2024-11-16 07:36:00
Bản tin Tài chính 16/11: Vàng nhẫn tăng trở lại; Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
- 2024-11-16 07:33:00
Những lớp học đặc biệt: “Người gieo mầm xanh” hy vọng
- 2024-11-15 14:54:00
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới
Thiệu Hóa: Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong XDNTM nâng cao
Tiêu dùng xanh trong giới trẻ
“Đuổi” nghèo ở bản Khoa
Lan toả các mô hình bảo vệ môi trường
Những lớp học đặc biệt: Nỗi đau khiếm thị
Bản tin Tài chính 15/11: Giá vàng nối dài đà giảm; áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ 20/11
Phát triển chăn nuôi, hướng thoát nghèo của người dân Quan Hóa
Giá khám chữa bệnh điều chỉnh thế nào khi mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng?
[REVIEW OCOP] Đậm đà chất biển, tinh tế vị quê hương