(vhds.baothanhhoa.vn) - Cô lao ra khỏi phòng khám như ma đuổi. Chạy đến lúc đôi chân mỏi nhừ thì dừng lại trên một cây cầu. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, cô bám tay vào lan can, mắt nhìn chằm chằm xuống dòng nước đang chảy xiết. Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, mặt sông gầm gào dữ dội. Mây đen ùn ùn kéo đến, sấm đùng đoàng, bầu trời loằng ngoằng những vệt chớp. Có lẽ trời sắp mưa.

Về nhà với bố

Cô lao ra khỏi phòng khám như ma đuổi. Chạy đến lúc đôi chân mỏi nhừ thì dừng lại trên một cây cầu. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, cô bám tay vào lan can, mắt nhìn chằm chằm xuống dòng nước đang chảy xiết. Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, mặt sông gầm gào dữ dội. Mây đen ùn ùn kéo đến, sấm đùng đoàng, bầu trời loằng ngoằng những vệt chớp. Có lẽ trời sắp mưa.

Về nhà với bốMinh họa: Hà Hải

Đây là lần đầu, cô đứng giữa bầu trời giông tố mà không hề thấy sợ. Cô thở dài với ý nghĩ đúng là khi không sợ chết con người ta trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cũng như lúc ban chiều cô từng nhìn dòng xe vun vút chạy trước mắt mà mong rằng: “Giá mà có một chiếc ô tô vô tình đâm trúng mình”. Thế nhưng chúng cứ vô tư né tránh cô. Thì ra có lúc muốn chết cũng đâu có dễ. Cô tự cười nhạo chính mình vì cách đó thật buồn cười, nếu chẳng may cô chết vì cố tình gây tai nạn giao thông chẳng phải sẽ gây hệ lụy cho nhiều người sao. Nhưng nếu gieo mình vào dòng sông này thì cái chết có thể sẽ êm đềm mà lại chẳng ảnh hưởng đến ai.

Cô bỏ dép, đặt chân lên gờ chắn, nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, tự nhủ nếu có kiếp sau xin không khờ dại như kiếp này. Và nếu có kiếp sau xin được làm con gái ngoan ngoãn, giỏi giang của bố. Đôi chân cô chuẩn bị nhón lên khỏi lan can thì bỗng có tiếng hét rất to: “Cháu ơi, giữ ông ấy lại giúp với!”. Cô giật mình ngoảnh lại, trước mắt là một người đàn ông với vẻ mặt hoảng loạn, vừa chạy, vừa khóc. Phía sau, một người đàn bà đang vội vã đuổi theo, gào thét. Theo phản xạ cô chạy lại định giữ lấy người đàn ông.

Nhưng thật lạ, người đàn ông nhìn thấy cô thì mừng rỡ, khuôn mặt ngây ngô nở nụ cười hạnh phúc: “Con gái, con đây rồi, về nhà với bố đi con!”. Cô thoáng sợ hãi, người đàn bà vừa chạy tới nơi, thở hổn hển nói: “Cảm ơn cháu, nếu không có cháu thì bác không biết phải làm thế nào!”. Cô theo hai người về ngôi nhà nhỏ của họ ở phía chân cầu. Ngoài trời mưa bắt đầu rơi xối xả.

Người đàn bà thở dài, vẻ mặt phúc hậu hiện lên sự mệt mỏi. Bà đưa cho cô tách trà nóng ân cần bảo: “Cháu uống chút nước đi, ở lại đây lát ngớt mưa thì về”. Cô miễn cưỡng ngồi lại trong căn nhà nhỏ chật chội có bức tường đã rêu mốc, đồ đạc trong nhà cũng đơn sơ, cũ kỹ. Nhà gần mặt đường và có lẽ họ sống nhờ vào nghề bán nước vỉa hè. Mắt cô vô tình chạm phải tấm ảnh cũ chụp một gia đình hạnh phúc có bố mẹ và con gái. Cô cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc như thế, chỉ tiếc là không có lấy một tấm hình để làm kỷ niệm.

Giọng nói đượm buồn của người đàn bà xa lạ hòa vào tiếng mưa đều đều càng làm cho không khí trở nên nặng nề: “Năm ấy, con gái chúng tôi cũng trạc tuổi cháu bây giờ. Cái tuổi mới lớn đầy nông nổi, tính ông nhà tôi lại ưa sĩ diện. Hai bố con nói nhau một trận to lắm. Đêm hôm đó, con bé bỏ nhà đi không thấy về. Và cuối cùng xác của nó được tìm thấy trên bờ sông. Cũng vì chuyện này mà ông nhà tôi trở nên ngây ngô, điên dại, nhất là mỗi khi trái gió trở trời,...”. Người đàn bà vừa nói vừa lấy tay gạt vội nước mắt: “Con cái là động lực sống của cha mẹ đó cháu à, chỉ vì một chút nóng nảy mà cả đời này chúng tôi luôn sống trong dằn vặt”.

Người đàn ông đã ngủ thiếp đi sau khi uống thuốc an thần, nét mặt ông hiền lành, chỉ có điều cánh tay vắt ngang trán như vẫn đang băn khoăn, suy nghĩ điều gì đó. Cô lại nhớ đến dáng vẻ của bố. Bố cũng có thói quen vắt tay ngang trán khi ngủ. Mấy hôm trước, bố còn gọi điện bảo năm nay mưa nhiều nên lúa gặt về không phơi được sắp nảy mầm hết rồi, khi nào con gái nghỉ hè thì về quê phơi lúa giúp bố. Khổ thân bố, cuộc đời bố bao vất vả, lo toan.

Mẹ không may mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Bố một mình gà trống nuôi con, cuộc sống khắc nghiệt hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của bố. Bố không chỉ là bố, mà còn là mẹ và cũng là một người bạn của các con. Tuy gia cảnh nghèo khó, nhưng tình thương của bố đã giúp anh em cô khôn lớn mỗi ngày. Bố luôn dạy các con đói cho sạch rách cho thơm. Hai anh em cũng vì thương bố mà gắng bảo ban nhau học hành, ngoan ngoãn.

Hè năm lớp 11, anh trai lén đi làm xây dưới Hà Nội. Ngày người ta chở xác anh về do tai nạn ngã giàn giáo, bố đau đến chết đi sống lại. Bố luôn tự trách bản thân mình kém cỏi, nên để các con phải khổ theo. Từ đó, bố già đi nhiều, khuôn mặt hốc hác, mái tóc bạc trắng, đôi mắt bố buồn đến nao lòng. Đêm đêm, bố thường thức dậy hút thuốc, tiếng rít thuốc lào kèn kẹt, nghẹn ngào giữa đêm khuya tĩnh lặng.

Thương bố, cô tự dặn lòng phải cố gắng học cho thật giỏi, sau này kiếm được nhiều tiền về xây căn nhà mới và chăm sóc bố khi tuổi già. Đã có bao ước mơ khi cô cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của một trường đại học có tiếng ở thủ đô. Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của bố mà lòng cô thấy vô cùng hạnh phúc.

Cuộc sống sinh viên với bao điều bỡ ngỡ. Cô chợt nhận ra, nếu chỉ học kiến thức trên sách vở là chưa đủ, để có một tương lai tươi sáng hơn cần có kiến thức từ thực tiễn cuộc sống. Cô cũng muốn bản thân mình năng động hơn, hòa nhập với cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố này hơn nên đã xin vào làm bồi bàn ở một nhà hàng. Công việc ấy giúp cô có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt nơi phố thị. Và cũng tại nơi đó tình yêu đầu đời cũng bắt đầu chớm nở.

Người đàn ông là quản lý nhà hàng, ngoài 30 tuổi, vẻ ngoài chững chạc và phong độ. Anh luôn mỉm cười, chỉ bảo cô một cách tận tình nhờ thế mà cô dần quen với công việc. Người ấy, dần chiếm trọn trái tim của cô gái quê mùa trong sáng bằng những lời lẽ ngon ngọt cùng với bao hứa hẹn. Khi yêu cô cứ nghĩ mình cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại được bấy nhiêu.

Ấy vậy mà không phải thế, cô nhận ra mình là con ngốc khi vợ anh tới tận trường để đánh ghen. Cô xấu hổ không dám đi học và đau khổ tột cùng khi phát hiện mình đã mang thai. Với mỗi người mẹ mang thai là thiên chức và là niềm hạnh phúc. Nhưng khoảnh khắc cầm tờ giấy siêu âm thông báo kết quả trên tay, cô chỉ thấy bầu trời, mặt đất quanh mình tối sầm lại. Cô ước gì những điều mình vừa nhìn thấy, nghe thấy không phải là sự thật. Ước gì đó chỉ là một giấc mơ. Và cô nức nở khóc.

Chắc hẳn ai cũng vậy, sẽ có lúc bế tắc ở ngã ba đường vì không biết nên chọn đi lối nào cho phải. Cho đến cuối cùng cũng phải chọn cho mình một lối để đi. Nếu bằng lí trí cô nên chọn bỏ cái thai rồi vượt qua dư luận để đi học tiếp. Nhưng cô không đủ can đảm để làm điều đó. Nếu giữ đứa bé lại, cô sẽ không thể đi học và biết làm gì để nuôi con. Hay là về với bố, nhưng nếu biết chuyện, bố sẽ thế nào. Cô không dám nghĩ đến cảm xúc của bố. Cô sợ, thực sự sợ cảm giác tuyệt vọng của bố hơn bất cứ thứ gì. Và cô sợ phải đối diện với sự thật. Chết là hết, giữa vô vàn bế tắc, có lẽ chết là lựa chọn giải thoát hoàn hảo.

- Nói chuyện từ nãy mà bác quên không hỏi, nhà cháu ở đâu thế? - Lời nói của người đàn bà cắt ngang dòng suy nghĩ đang ùn ứ trong đầu cô.

- Cháu, dân tỉnh lẻ, về Hà Nội học đại học bác à!

- Vậy cháu có trọ gần đây không để bác đưa cháu về.

- Cháu...! Chưa dứt lời cô đã òa khóc nức nở.

Người đàn bà ôm lấy cô vỗ về:

- Cháu có chuyện gì phải không?

Cô gật đầu trong tiếng nấc: - Ban nãy cháu định...!

Người đàn bà bất giác nhìn thẳng vào mặt cô, ánh mắt bà bàng hoàng:

- Sao thế cháu, dù có thế nào cũng không nên làm điều dại dột?

- Cháu không biết phải làm sao bác ơi, cháu thấy sợ lắm!

Rồi cô kể cho người đàn bà nghe câu chuyện của mình. Người đàn bà nghe xong thở dài, giọng buồn buồn:

“Người ta vẫn bảo trong cái rủi có cái may cháu ạ. Duyên trời đã giúp bác cháu mình gặp nhau. Bác khuyên cháu hãy bình tĩnh lại, suy nghĩ cho thấu đáo. Cháu đang có con, sẽ phần nào hiểu được nỗi lòng của người làm cha, làm mẹ. Giờ đứa con mới chỉ thành hình trong bụng mà cháu đã đau đớn khi nghĩ đến việc phải bỏ nó đi. Huống chi cha mẹ cháu sinh ra cháu, nuôi nấng cháu đến từng này. Cháu có nghĩ bố cháu sẽ thế nào khi biết con gái ông nhảy cầu tự tử. Đúng, chết là hết, là kết thúc nhưng là với người ra đi thôi. Còn với người ở lại, đó là một nỗi đau suốt đời không nguôi. Bác và bác trai là minh chứng rõ nhất cho nỗi đau ấy. Nghe bác đi, dù lựa chọn bỏ hay giữ lại đứa bé thì cháu cũng nên một lần đối diện, chấp nhận sự thật. Con đường tương lai vẫn đang ở phía trước, còn sống là còn hy vọng. Và nên nhớ rằng, nước mắt chảy xuôi, bố mẹ là người luôn yêu thương con cái vô điều kiện”.

Mưa ngớt, đêm đã khuya, sau cơn mưa mát mẻ, thành phố chìm sâu vào trong giấc ngủ êm đềm. Con đường về phòng trọ hun hút trong đêm. Suốt chặng đường dài, cô băn khoăn suy nghĩ, có lẽ ngày mai cô sẽ về quê, về để thú nhận lỗi lầm với bố, về để xin lỗi bố và mong bố tha thứ.

Vừa về đến phòng trọ cô đã nhận ra bóng lưng quen thuộc. Cổ họng cô nghẹn đắng muốn gọi bố mà không thể. Bố thở phào, sốt sắng hỏi: “Con có sao không, bố lo quá!”. Giọng cô như chực khóc: “Bố! sao bố lại ở đây?”. Bố lén lấy tay gạt nhẹ giọt nước trên khóe mắt, rồi bảo: “Lúc chiều tối, bố gọi cho con mãi mới thấy có người nghe máy. Họ nói con bỏ quên điện thoại ở phòng khám sản. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành nên bố vội bắt xe xuống đây. May quá, con không sao là tốt rồi!”.

- Bố, con xin lỗi! - Cô gục đầu vào vai bố nức nở khóc.

“Ừ, nín đi con, dù có chuyện gì xảy ra thì con vẫn mãi là con gái ngoan của bố. Con mà có chuyện gì thì bố không biết phải làm sao để sống. Nghỉ ngơi đi, rồi mai về nhà với bố con nhé!”.

Đồng hồ điểm những nhịp cuối cùng của ngày cũ, ngày mới đã đến. Đêm vẫn tối mịt mùng, nhưng sau cơn mưa bầu trời bỗng trở nên trong lành, yên bình hơn.

Truyện ngắn của Trần Tú (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]