(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ thuở Mỵ Châu trốn chạy để lại dấu tích về Giếng Ngọc và đền thờ Mỵ Nương công chúa, đến Quang Trung trong chiến lược đánh quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) đã xây dựng ở đây phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, mảnh đất Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) luôn đóng vị trí quan trọng trên đường thiên lý Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Về nơi thành lập chi bộ cộng sản ở Hồ Thượng

Từ thuở Mỵ Châu trốn chạy để lại dấu tích về Giếng Ngọc và đền thờ Mỵ Nương công chúa, đến Quang Trung trong chiến lược đánh quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) đã xây dựng ở đây phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, mảnh đất Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) luôn đóng vị trí quan trọng trên đường thiên lý Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Về nơi thành lập chi bộ cộng sản ở Hồ Thượng

Sự kiện ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng kéo dài về đường lối, giai cấp lãnh đạo cách mạng và tác động sâu sắc, toàn diện, trực tiếp đến phong trào cách mạng ở tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) nói riêng.

Nằm ở vị trí cực Nam của xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” và cận kề xứ Nghệ “non xanh nước biếc”, Tĩnh Gia - Nghi Sơn được biết đến là vùng đất có vị trí chiến lược trọng yếu trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh yêu nước tiếp tục bùng nổ và diễn ra ở nhiều làng xã với những hình thức đấu tranh phong phú. Nổi bật nhất là sự ra đời của Phủ bộ Tân Việt Tĩnh Gia vào cuối năm 1928 tại nhà ông Nguyễn Trinh Thụ làng Cầu Đông, xã Triêu Dương (nay thuộc tổ dân phố Thống Nhất, phường Hải Ninh). Sau hội nghị, các đảng viên của phủ bộ Tân Việt Tĩnh Gia đã có nhiều nỗ lực xây dựng tổ chức, phát triển kinh tế - tài chính để tạo mối liên lạc, tổ chức đấu tranh chống sưu thuế, xóa bỏ hủ tục phong kiến và tổ chức các hội quần chúng.

Chính những thành viên này đã gieo mầm tư tưởng cộng sản, tư tưởng giải phóng dân tộc và chuẩn bị những nhân tố quan trọng đối với sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Tĩnh Gia.

Sau khi Đông Dương cộng sản liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập. Xứ ủy Trung Kỳ giao cho đồng chí Lê Tất Đắc nhiệm vụ vận động chuẩn bị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Tháng 8/1930, đồng chí Lê Tất Đắc về Thanh Hóa nối được liên lạc với đồng chí Ngô Đức Mậu đang hoạt động trong phủ bộ Tân Việt Tĩnh Gia, người trực tiếp phụ trách địa bàn Tĩnh Gia, Quảng Xương. Sau đó hai đồng chí tiếp tục liên lạc với các đảng viên Tân Việt để vận động thành lập các chi bộ cộng sản, tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh.

Tại Tĩnh Gia, đồng chí Ngô Đức Mậu đã nhanh chóng tiếp cận với một số đảng viên Tân Việt tiên tiến và thống nhất thành lập ban vận động thành lập Đảng gồm 3 người là Ngô Đức Mậu, Nguyễn Văn Giảng và Nguyễn Trinh Thụ. Sau khi tiến hành thăm dò một số đảng viên Tân Việt tiên tiến, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết, ban vận động quyết định tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản phủ Tĩnh Gia.

Ngày 6/12/1930, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Giảng, làng Hồ Thượng trước cổng phủ lỵ Tĩnh Gia (nay thuộc phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn), hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản phủ Tĩnh Gia được tiến hành. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Đức Mậu, Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Trinh Thụ, Lương Đình Đạm, Đỗ Khắc Toản, Lê Huy Tuần. Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Ngô Đức Mậu trình bày chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ về thành lập chi bộ cộng sản, tuyên bố kết nạp 5 đồng chí có mặt tại hội nghị vào Đảng Cộng sản. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Giảng làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời trên quê hương Tĩnh Gia đã mở ra bước ngoặt mới, từ đây phong trào cách mạng của Tĩnh Gia có Đảng trực tiếp lãnh đạo và tham gia một cách tự giác vào cuộc vận động cách mạng của cả nước.

Ngày 1/1/1931, cũng tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Giảng đã diễn ra sự kiện trọng đại: Đại biểu các cơ sở đảng trong tỉnh đã tiến hành hội nghị thành lập lại Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị đã bầu 5 đồng chí vào Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời. Chi bộ Tĩnh Gia được bầu 2 đồng chí, đồng chí Ngô Đức Mậu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Giảng là Tỉnh ủy viên. Hội nghị đã giao cho Chi bộ Tĩnh Gia một nhiệm vụ quan trọng in truyền đơn, may cờ đỏ búa liềm để chuẩn bị kỷ niệm ngày 1/5 trên địa bàn toàn tỉnh. Cán bộ và quần chúng cách mạng Tĩnh Gia đã hết lòng phục vụ và bảo vệ hội nghị. Tĩnh Gia vinh dự trở thành một trong những nơi ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh Khu di tích cơ sở cách mạng của Đảng bộ huyện Tĩnh Gia, ông Hồ Văn Phú, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Hồ Thượng (nay là khu phố Hồ Thượng), hiện đang trông coi, bảo vệ di tích, giới thiệu: Chỉ 6 năm trên mảnh đất xứ Thanh (1925-1931), đồng chí Ngô Đức Mậu - thầy đồ xứ Nghệ, đã không chỉ gieo con chữ, lòng yêu nước và “hạt giống đỏ” trên vùng đất này, người cộng sản kiên trung ấy còn “nhóm lửa đấu tranh” cách mạng, sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên huyện Tĩnh Gia - tiền thân của Đảng bộ thị xã Nghi Sơn và là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa năm 1931. Sau này, đồng chí đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001); được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Còn đồng chí Nguyễn Văn Giảng quê ở làng Châu Xuyên, thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), vốn là thư ký Chi sở rượu Nam Đồng Ích tại phủ Tĩnh Gia. Nơi làm việc đồng thời là nơi ở của gia đình đồng chí nằm ở trung tâm phủ lỵ Tĩnh Gia, giữa hang ổ của kẻ thù. Nhà đồng chí không chỉ là nơi chứng kiến sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên huyện Tĩnh Gia mà còn là trung tâm liên lạc, chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương và nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng thời gian này. Đây là minh chứng sống động và tuyệt vời về nghệ thuật tận dụng mọi khả năng, mọi vỏ bọc hợp pháp để hoạt động bí mật của những người cộng sản.

Về nơi thành lập chi bộ cộng sản ở Hồ ThượngÔng Hồ Văn Phú, nguyên bí thư chi bộ thôn Hồ Thượng (nay là khu phố Hồ Thượng) giới thiệu về di tích.

Những con người kiên trung ấy đã hy sinh cả tuổi trẻ, thanh xuân của mình để giành quyền được sống, được hòa bình cho Nhân dân, cho đất nước. Thời gian đi qua, nhưng mỗi lần kể lại câu chuyện về “Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”, ông Hồ Văn Phú không khỏi xúc động.

Cũng bởi những dấu ấn lịch sử mà khu di tích luôn là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động như trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên; tổ chức lễ kết nạp Đoàn cho các em học sinh Trường THCS Tân Dân, là nơi bà con Nhân dân những dịp lễ tết hay các sự kiện quan trọng của tỉnh, của đất nước đều đến tham quan, tìm hiểu... Từ đó góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, để có thêm nhiều động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống.

Trong không khí của Ngày thành lập Đảng, thắp nén hương thơm lên bàn thờ ở nơi trang trọng nhất của khu di tích, ông Lương Văn Hoan, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Nghi Sơn, cho biết: Từ một chi bộ với 5 đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ thị xã đã có gần 11.000 đảng viên sinh hoạt tại 59 đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân giành được những thành tựu to lớn, được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý. Hiện tại khu di tích đã nâng cấp ở giai đoạn 1 và đang hướng tới năm 2025 hoàn thành giai đoạn 2.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ huyện Tĩnh Gia 1930 - 2020, NXB Lao Động, Hà Nội và một số tài liệu khác do Ban Tuyên giáo Thị ủy Nghi Sơn cung cấp.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]