(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Đông Nam của huyện Thiệu Hóa, vùng đất Bái Giao (xã Thiệu Giao) có lịch sử lập dựng vào thời nhà Lý - cách ngày nay cả nghìn năm. Trong nhịp sống hiện đại, Bái Giao vẫn mang vẻ đẹp của làng quê Việt truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình... tạo nên cảnh quan bình yên và tươi đẹp.

Về thăm Bái Giao

Nằm ở phía Đông Nam của huyện Thiệu Hóa, vùng đất Bái Giao (xã Thiệu Giao) có lịch sử lập dựng vào thời nhà Lý - cách ngày nay cả nghìn năm. Trong nhịp sống hiện đại, Bái Giao vẫn mang vẻ đẹp của làng quê Việt truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình... tạo nên cảnh quan bình yên và tươi đẹp.

Về thăm Bái GiaoDi tích đình, đền, bia ký Bái Giao là trung tâm của không gian văn hóa làng.

Nhắc đến địa thế cùng truyền thống của đất và người Bái Giao, các thế hệ người làng đến nay vẫn tự hào nhắc nhớ và cũng để răn dạy cháu con: “Bái Giao đất chật người đông, thế đất sinh quy, trung đình tuấn mã, hậu thủy tụ mình rồng, tiền sóc sơn núi Chúa, bên tả bãi Bạc kề, bên hữu cồn Vàng tựa, trước làng có 3 cồn đất gọi là cồn Anh Hùng, sau làng có 7 cồn đất gọi là thất tinh. Theo truyền thuyết làng ở theo thế “tiền tam thai, hậu thất tinh”, có thành lũy bao quanh, cổng làng khép kín... Đất làng ruộng nước đồng chiêm, dân cư trồng khoai cấy lúa, nghề canh nông chân chất làm ăn, niềm tâm niệm nghĩa nhân đức độ. Đồng Bái Giao cao thấp gập ghềnh, độc canh cây lúa làm ra hạt thóc. Ở đây làng đã đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm, nhưng thế đất làng có nền văn hiến tương đối hoàn chỉnh. Cơ cấu điền địa có cống Học Trò, có cồn Sách, cồn Nghiên, ai có chí học hành cũng có võng đào, lọng tía”.

Đất làng lại có “núi Voi, cồn Cổ Ngựa, đồng Khẩu Súng, cây gạo lá cờ... Ai có công luyện rèn cũng trở thành võ tướng, có cồn Vàng, mã Bạc, ai cần cù lao động sớm tối, chăm chỉ làm ăn cũng trở nên giàu sang phú quý...”.

Theo tài liệu và lưu truyền dân gian ở Bái Giao, làng được lập dựng thời Lý với công lao khai ấp, lập làng của hai ông Sùng Nghiêm và Phước Long. Bởi “đất lành chim đậu”, chẳng mấy chốc người muôn phương đã về Bái Giao tụ cư, sinh cơ lập nghiệp, phát triển xóm làng trù phú. Trước thời Hậu Lê, Bái Giao được biết đến với tên gọi trang Bái Giao.

Trải qua thời gian, người Bái Giao cùng với nỗ lực mưu sinh đã không ngừng sáng tạo, vun đắp nên những giá trị vật chất và tinh thần mang đậm nét đẹp văn hóa của làng quê Việt truyền thống. Đó là hệ thống đình, đền, miếu, phủ, chùa chiền và lễ hội.

Về thăm Bái GiaoMột số văn bia cổ xưa hiện đang được lưu giữ tại Di tích đình, đền, bia ký Bái Giao.

Ở phía Đông Nam của làng có nghè Cả (còn gọi là nghè Bánh Gì). Căn cứ vào một số sắc phong và thần phả, người dân tin rằng nghè được khởi dựng vào thời Lê sơ, thờ nhị vị tôn thần là Đệ nhất thần Chiêu Phúc Quang đại vương và Đệ nhị thần Hiển Dực đại vương. Tương truyền, đây là hai vị thần đã có công phù trợ cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng giặc Minh.

Phía Đông Bắc của làng lại có cụm 3 nghè thờ các vị tôn thần đã có công “phù Lê, diệt Mạc”. Gần đó, lại có phủ Bà thờ Đỗ Thị Tôn thần. Tương truyền bà vốn họ Mạc, người xứ Lạng Giang xưa. Khi họ Mạc suy tàn, tổ tiên bà đã đổi họ, tìm về đất Bái Giao lập nghiệp. Bà giỏi nghề y dược, bốc thuốc chữa bệnh cứu người, tính tình hiền hòa lại một lòng hướng Phật nên được dân làng rất mực quý mến. Sau khi mất, bà được dân làng lập phủ thờ phụng - vẫn thường gọi là phủ Bà.

Trong làng còn có khu Văn chỉ (Văn Thánh) và Võ chỉ. Văn chỉ khắc tên người đỗ đạt khoa cử trong làng (gọi là bia ký tiên hiền). Võ chỉ nằm ở phía Nam làng, khi xưa còn gọi là cồn Võ chỉ có ban thờ - thờ các võ tướng có công với nước, với dân. Bên cạnh đó, ở mỗi ngõ trong làng xưa kia đều có ban thờ Thần Nông. Khi xưa, nông nghiệp giữ vai trò trọng yếu, mỗi độ xuân về, dân làng lại sắm sửa lễ vật cúng tế cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...

Trong số các công trình kiến trúc cổ xưa ở Bái Giao thì đình Bái Giao là công trình kiến trúc nổi bật. Ngôi đình cổ to lớn, bề thế bậc nhất trong vùng. Người Bái Giao kể rằng, đình làng được khởi dựng khá sớm - vào khoảng thế kỷ XV. Tòa đại đình phía trước 5 gian rộng lớn, phía sau là hậu cung 3 gian nhỏ, mái đình cong vút, mềm mại mà vẫn uy nghiêm. Bên trong đình là hệ thống cột gỗ chắc chắn, cùng với đó là những mảng chạm khắc mềm mại, tinh xảo, đề tài đa dạng... Đình làng là biểu tượng - niềm tự hào của người Bái Giao. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX, trong lần thực dân Pháp về Bái Giao truy lùng danh sĩ Lê Khắc Tháo - một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, chúng đã nhẫn tâm đốt cháy đình làng. Sau đó không lâu, với sự đoàn kết, chung sức, người làng Bái Giao đã đóng góp kinh phí dựng lại đình. Đình làng Bái Giao bấy giờ mang vẻ đẹp kiến trúc thời Nguyễn.

Về thăm Bái GiaoBái Giao đang từng bước chuyển mình trở thành làng quê đáng sống.

Đáng tiếc, đi qua thời gian, chiến tranh và những thăng trầm lịch sử, nhiều công trình kiến trúc, văn hóa trên đất làng Bái Giao bị hư hỏng, mất mát. Những năm qua, đã có một số di tích trên đất làng Bái Giao được Nhân dân chung tay đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo lại.

Cùng với một số di tích phụ cận thì hiện nay, Di tích đình, đền, bia ký Bái Giao là trung tâm của không gian văn hóa làng. Di tích phối thờ Thành hoàng làng, các vị tôn thần, tiên hiền. Tại di tích hiện đang lưu giữ một số hiện vật, như: Bia đá tiên hiền triều; bia thần tử; bia Văn hội; nghê đá, cốn đá và một số sắc phong... Dẫn chúng tôi tham quan di tích, ông Nguyễn Đình Văn - người dân địa phương trông coi tại đây, cho biết: Vì nhiều nguyên do khiến một số di tích, đền, miếu không còn, sau này khi khôi phục lại, đình làng đã trở thành không gian văn hóa chung thờ Thành hoàng làng, các vị tôn thần, tiên hiền được triều đình sắc phong, dân làng tôn kính.

Song song với đời sống vật chất, người Bái Giao cũng đặc biệt quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh. Xưa kia, xuân thu nhị kỳ trong làng lại diễn ra lễ hội. Ngày nay, việc tổ chức lễ hội vẫn được duy trì, trong đó lễ hội vào tháng Giêng thu hút đông đảo người dân, con cháu xa gần về làng vui hội truyền thống. Ông Nguyễn Đình Văn, tự hào chia sẻ: “Ở làng chúng tôi, con cháu nhiều người đi làm ăn xa, ra Bắc, vào Nam, bôn ba khắp nơi. Nhưng cứ vào dịp lễ hội thì lại đông đúc. Ai cũng muốn ngày đó, được hòa mình vào không gian lễ hội linh thiêng. Dù đi xa muôn nơi nhưng cái chất quê - hồn làng trong mỗi người dân Bái Giao thì không dễ gì đánh mất”.

Cũng chính bởi niềm tự hào, tình yêu quê hương mà các thế hệ người Bái Giao sinh sống ở địa phương và xa quê vẫn luôn hướng về nguồn cội. Họ chung tay đóng góp kinh phí khôi phục, tôn tạo các di tích, công trình văn hóa, xây dựng làng quê khang trang, giàu mạnh... Bái Giao đang thực sự chuyển mình trên hành trình trở thành miền quê đáng sống.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong các sách Địa chí huyện Thiệu Hóa; Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Giao).

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]