(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên Quốc lộ 1A, trên núi Gai (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) có đền thờ Bà Triệu - vị nữ tướng anh hùng đã tạo nên “nốt thăng” hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Tinh thần, ý chí, khát vọng của vị vua Bà đến nay còn lưu danh sử xanh với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.

Về thăm núi Gai

Nằm bên Quốc lộ 1A, trên núi Gai (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) có đền thờ Bà Triệu - vị nữ tướng anh hùng đã tạo nên “nốt thăng” hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Tinh thần, ý chí, khát vọng của vị vua Bà đến nay còn lưu danh sử xanh với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.

Về thăm núi GaiKhu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là điểm đến của nhiều du khách.

Theo sử liệu, sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chính quyền phương Bắc tiếp tục đặt ách cai trị trên lãnh thổ nước ta. Chúng chia nước ta thành các quận để dễ bề quản lý. Nhưng vào cuối thời nhà Hán tình hình Bắc quốc ngày càng hỗn loạn, nhà cầm quyền tỏ rõ bất lực trong việc quản lý các địa phương. Và khi triều Đông Hán sụp đổ - hình thành thế “Tam Quốc”, nước ta bị nhà Ngô chiếm cứ. Dưới ách thống trị tàn ác của nhà Ngô, đời sống của người dân vô cùng bi thảm. Cùng với việc vơ vét của cải, chúng bắt dân ta đi lao dịch, cộng với thuế má nặng nề khiến cho lòng người càng thêm oán thán, phong trào đấu tranh chống giặc Ngô nổ ra khắp nơi. Nổi bật trong số đó là khởi nghĩa do nữ tướng Triệu Trinh Nương - tức Bà Triệu ở đất Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay) chỉ huy.

Nữ tướng Triệu Trinh Nương quê vùng núi Quan Yên (Quân Yên) có anh trai là Triệu Quốc Đạt. Từ nhỏ Triệu Trinh Nương đã nổi tiếng có sức khỏe hơn người, võ nghệ cao cường, dù dung mạo xinh đẹp nhưng lại không màng chuyện chồng con. Là nữ nhi nhưng luôn khát khao nuôi chí lớn. Chứng kiến sự tàn ác của giặc Ngô với người dân nước ta, Triệu Trinh Nương cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt âm thầm chiêu mộ lực lượng, đêm ngày luyện tập để tiến hành khởi nghĩa. Nghe danh hai anh em họ Triệu tập hợp lực lượng, trai tráng khắp nơi tìm về đầu quân, chẳng mấy chốc mà binh lực hùng hậu.

Khi cuộc khởi nghĩa đang diễn ra thì chủ tướng Triệu Quốc Đạt chẳng may qua đời, nữ tướng Triệu Trinh Nương được tướng sĩ dưới trướng tôn lên nắm quyền lãnh đạo. Từ đó về sau, sử sách và dân gian vẫn gọi cuộc khởi nghĩa do vị nữ tướng lãnh đạo là khởi nghĩa Bà Triệu.

Từ căn cứ núi Nưa, quân khởi nghĩa nhanh chóng tiến xuống, làm chủ cả vùng đồng bằng rộng lớn. Theo sử sách, ban đầu thấy cuộc khởi nghĩa do nữ tướng tưởng chừng “liễu yếu đào tơ” lãnh đạo, quân giặc tỏ ý xem thường. Nhưng đến khi xung trận, thấy Bà Triệu thân chinh đi đầu, chỉ huy quân sĩ, xông vào trận giặc như chốn không người thì kẻ địch hoảng hốt lo sợ. Chúng gọi Bà Triệu là “Lệ Hải Vương Bà” và truyền nhau: “Vung tay đánh cọp dễ/ Đối diện Bà Vương mới khó”.

Lại nói, mỗi lần xung trận, Bà Triệu thường mặc áo vàng ngồi trên đầu voi, oai phong lẫm liệt mà cực kỳ lộng lẫy. Vì thế mà quân lính thường gọi nữ thủ lĩnh là “Nhụy Kiều tướng quân”.

Tại đất Bồ Điền (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc ngày nay) Bà Triệu cùng ba anh em họ Lý và tướng sĩ đã xây dựng căn cứ địa vững mạnh cho cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân lợi dụng địa thế thiên nhiên có núi bao quanh (núi Gai, núi Tùng) để xây đắp điểm đồn cứ nhằm đánh giặc và dễ bề quan sát.

Trước sức mạnh tấn công của nghĩa quân Bà Triệu, các thành ấp của giặc Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Sức mạnh cuộc khởi nghĩa khiến chính quyền cai trị lo lắng, hốt hoảng tìm cách ngăn chặn.

Về thăm núi GaiĐền Bà Triệu tọa lạc trên sườn núi Gai.

Chúng cử Lục Dận - một viên tướng khét tiếng mưu lược đem đội quân hùng mạnh tiến vào đất Cửu Chân trấn áp khởi nghĩa Bà Triệu. Theo sử liệu, chỉ trong khoảng nửa năm đối đầu giữa giặc Ngô với nghĩa quân Bà Triệu đã diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ, bất phân thắng bại.

Nhằm nhanh chóng dập tắt cuộc khởi nghĩa, một mặt giặc Ngô dùng tiền bạc, chức vị để mua chuộc một số tướng sĩ trong nghĩa quân Bà Triệu hòng gây chia rẽ, suy giảm nhuệ khí chiến đấu; mặt khác chúng dồn binh lực để tiến hành đàn áp. Chúng sử dụng thế mạnh thủy quân, chia hai đường tiến quân. Một đường từ Tạc Khẩu qua cửa Chính Đại, ngược sông Lèn vây phía Bắc; mũi thứ hai qua cửa Lạch Trường tiến vào từ phía Nam.

Trong một thời gian dài, tại căn cứ Bồ Điền diễn ra nhiều trận quyết chiến ác liệt. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng chênh lệch, lại bị giặc “cô lập”, không có sự hỗ trợ của phong trào ở các địa phương khác nên khởi nghĩa Bà Triệu dần bị yếu thế, không đủ sức chống đỡ. Không muốn rơi vào tay giặc, Bà Triệu đã lên đỉnh núi Tùng tuẫn tiết.

Với tấm lòng mến phục và khắc ghi công lao của Bà Triệu, tương truyền sau khi vị nữ tướng qua đời, người dân Phú Điền đã lập dựng đền thờ Bà ở sườn núi Gai (núi Gai cách núi Tùng nơi Bà Triệu tuẫn tiết chỉ một quãng ngắn). Tương truyền, ban đầu đền thờ được dựng lợp tranh tre nứa lá. Đến thời vua Lý Nam Đế đi đánh giặc ở phương Nam, qua đất Phú Điền đã vào đền thờ vị vua Bà cầu sự phù trợ. Trên đường thắng trận trở về, vua Lý đã sắc phong và cấp tiền cho dân làng Phú Điền xây dựng đền thờ Bà Triệu quy mô hơn... Về sau, trải qua các triều đại phong kiến trong lịch sử, Bà Triệu thêm nhiều lần được phong sắc tôn thần. Tại làng Phú Điền, Bà Triệu được dân làng tôn làm Thành hoàng, thờ ở đình làng.

Trải qua biến thiên thời gian, đền Bà Triệu trên sườn núi Gai đã được Nhà nước và các cấp, ngành quan tâm trùng tu, tôn tạo với các hạng mục công trình như: nghi (nghinh) môn ngoại; hồ sen; nghi môn nội; nhà tiền đường - trung đường - hậu cung... Tọa lạc trong không gian xanh mát của núi Gai, đền Bà Triệu uy nghiêm, trầm mặc.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích Bà Triệu, cho biết: “Với những dấu tích lịch sử, giá trị văn hóa, kiến trúc, tâm linh... Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu thu hút đông đảo du khách về tham quan, dâng hương, đặc biệt là trong dịp đầu xuân và lễ hội. Trong 3 tháng đầu năm 2024, khu di tích đón trên 2 vạn lượt khách. Dự kiến, thời gian tới tại di tích - trên núi Gai sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng các hạng mục như tượng Bà Triệu; khuôn viên; nhà truyền thống... nhằm đáp ứng tốt hơn việc tham quan, chiêm bái của du khách khi về đây”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tư liệu lưu giữ tại xã Triệu Lộc).

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]