Về thăm Piềng Khóe
Bản Piềng Khóe, xã Tam Lư (Quan Sơn) nay đã có đường giao thông thuận lợi; các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường đầy đủ; đời sống của bà con đã dần thay đổi.
Một góc bản Piềng Khóe.
Những ngôi nhà có số ở Piềng Khóe
Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh chúng tôi về thăm bản Piềng Khóe, xã Tam Lư. Đây là bản đã về đích NTM từ năm 2017. Hiện nay, những ngôi nhà ở Piềng Khóe đã được đánh số, gắn biển trang trọng, đẹp mắt.
Đến thăm gia đình ông Hà Văn Thoan, sinh năm 1959, là người có uy tín bản Piềng Khóe. Ông Thoan tự hào vì mình được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản đến nay đã hơn 11 năm. Thời gian qua, phát huy vai trò của người có uy tín, ông luôn gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn kịp thời phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển KT-XH đã đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, được tập huấn, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác để vận động Nhân dân cùng học tập, làm theo. Tích cực lao động sản xuất, hiện ông Thoan trồng gần 4 ha luồng, đào ao thả cá và tạo điều kiện để con đi lao động xuất khẩu, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Để giúp chúng tôi hiểu hơn về bản, Bí thư chi bộ, trưởng bản Piềng Khóe Vi Văn Toàn chia sẻ: Trước đây bản Piềng Khóe trồng rất nhiều cây quế. Theo tiếng Thái, cây quế được dịch ra là Khóe, Piềng là bằng phẳng. Piềng Khóe là nơi được trồng nhiều cây quế trên vùng đất bằng phẳng. Piềng Khóe chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bản có tổng diện tích tự nhiên là 814 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp gieo trồng hai vụ là 21,9 ha. Những ngày này, bà con trong bản đang tích cực xuống đồng để cấy lúa vụ Đông Xuân cho kịp thời gian trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Vụ Đông Xuân bản có 10 ha gieo cấy lúa.
Hiện nay, Piềng Khóe có 110 hộ, 517 nhân khẩu, trong đó bản còn 32 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo. Tổng số đảng viên trong chi bộ Piềng Khóe là 39. Thu nhập của bà con ở Piềng Khóe chủ yếu dựa vào trồng luồng, vầu, khai thác lâm sản phụ, chăn nuôi trâu, bò, dê, gà... Hiện nay, toàn bản có hơn 300 ha rừng luồng, vầu... riêng trong năm 2023, khai thác 450 tấn luồng. Tổng đàn trâu 11 con, bò 80 con, lợn 125 con, dê 87 con, gia cầm khoảng 2.450 con. Cùng với tích cực lao động, sản xuất tại địa phương, nhiều con em trong bản đã và đang làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh. Bản còn có 25 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Ngoài các hộ ông Hà Văn Tiệp, Hà Văn Chinh, Lữ Văn Hiện, Hà Văn Thoan..., tiêu biểu trong phát triển kinh tế còn có hộ gia đình ông Hà Văn Tý. Hiện nay, bên cạnh trồng luồng, gia đình ông Tý có 2 ao nuôi cá, hơn 50 con vịt và hơn 100 con gà. Thu nhập bình quân của gia đình ông ước đạt 60 triệu đồng/năm. Ông còn tích cực tuyên truyền gia đình, bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Chung tay gìn giữ bảo vệ khu vực biên giới
Bản Piềng Khóe về đích NTM từ năm 2017, chi ủy, ban quản lý bản và bà con Nhân dân tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí. Năm 2023, bản đã huy động Nhân dân đóng góp xây dựng được hơn 300m đường bê tông, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 48 triệu đồng và huy động gần 200 ngày công thực hiện... Bản cũng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, làm tốt chính sách đối với người có công; vận động các hộ gia đình xây dựng và hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà của Nhà nước. Năm 2023, có 10 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. An ninh trật tự, an toàn xã hội của bản được giữ vững. Bản cùng bộ đội biên phòng chung tay gìn giữ bảo vệ khu vực biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh, ban quản lý bản Piềng Khóe thăm gia đình ông Hà Văn Thoan, người có uy tín của bản.
“Hiện nay, chi ủy, ban quản lý bản, các đoàn thể tập trung xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động sát với thực tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động. Tích cực tuyên truyền và vận động Nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc phục tráng rừng luồng, vầu. Chỉ đạo có hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2024. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, duy trì các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Duy trì, giữ vững các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao. Tuyên truyền, vận động thêm 5 - 7 người đi xuất khẩu lao động trong năm 2024”, Bí thư chi bộ, trưởng bản Vi Văn Toàn, cho biết.
Đại úy Tống Thanh Hưng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Thanh, cho biết: Đồn Biên phòng Tam Thanh quản lý địa bàn 2 xã Tam Thanh, Tam Lư với tổng chiều dài đường biên giới 28,104 km bao gồm 10 mốc quốc giới. Tổng dân số 2 xã 7.521 nhân khẩu, với 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 97% dân số. Phía ngoại biên tiếp giáp với cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ (Hủa Phăn, Lào). Những năm qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương đến quần chúng Nhân dân 2 xã Tam Thanh, Tam Lư, trong đó có bà con Nhân dân bản Piềng Khóe. Bộ đội biên phòng đã tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương, chung tay XDNTM, phát triển KT-XH địa phương. Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường". Kêu gọi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trao quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ, trao con giống sinh sản như lợn đen bản địa, bò, vịt... cho bà con các bản thuộc 2 xã Tam Lư, Tam Thanh. Những người có uy tín địa phương cùng bộ đội biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực vùng biên.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-01-27 08:11:00
Về những vùng trồng đào nổi tiếng xứ Thanh
Nhộn nhịp vùng biển Ngư Lộc
Doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất nguyên liệu tự nhiên từ vỏ dứa
Ngọc Lặc: Tăng cường các giải pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi
Xuân mới trên những bản người Mông huyện Mường Lát
Đào rừng làm đẹp mùa xuân vùng biên
Mường Lát trong giá lạnh
Tìm việc làm trên mạng, người lao động có nguy cơ bị lừa đảo
Ý nghĩa chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” cho trẻ em huyện Ngọc Lặc
Sôi động thị trường hoa, cây cảnh tết