(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái nắng gắt, oi bức của ngày hè, chúng tôi về thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân. Con đường vào thôn Tú Ạc vẫn còn nhiều khó khăn, một phần đã được đổ bê tông, còn phần nhiều là đường cấp phối, ổ gà, đường đất nhấp nhô, xói lở bởi những trận mưa.

Về thôn Tú Ạc

Trong cái nắng gắt, oi bức của ngày hè, chúng tôi về thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân. Con đường vào thôn Tú Ạc vẫn còn nhiều khó khăn, một phần đã được đổ bê tông, còn phần nhiều là đường cấp phối, ổ gà, đường đất nhấp nhô, xói lở bởi những trận mưa.

Về thôn Tú ẠcTú Ạc là thôn đặc biệt khó khăn của xã Xuân Chinh.

Trên chặng đường đi cùng chúng tôi về thôn Tú Ạc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, ông Cầm Bá Hưng chia sẻ: Toàn xã có 6 thôn, trong đó Tú Ạc là 1 trong 3 thôn đặc biệt khó khăn. Bà con Tú Ạc mong mỏi một con đường bê tông liên thôn, nhưng nguồn kinh phí địa phương có hạn, chỉ trông chờ ngân sách tỉnh, huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dừng chân trước ngôi nhà gỗ, lợp fibro xi măng, anh Cầm Bá Hưng giới thiệu với chúng tôi đây là gia đình bí thư chi bộ Vi Văn Trường. Ngôi nhà của bí thư Trường cũng là nơi diễn ra các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và hoạt động văn hóa, văn nghệ vào dịp lễ, tết của thôn Tú Ạc. Bởi hiện tại, thôn Tú Ạc vẫn chưa có nhà văn hóa, sắp tới thôn sẽ được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng nhà văn hóa.

Bí thư chi bộ Vi Văn Trường, sinh năm 1962 đã có thâm niên làm trưởng thôn, bí thư từ năm 2010 đến nay. Ông Vi Văn Trường cho biết: Thôn Tú Ạc là thôn đặc biệt khó khăn của xã Xuân Chinh, được sáp nhập giữa thôn Tú Tạo và thôn Cụt Ạc từ năm 2018. Toàn thôn có 186 hộ thì có đến 55 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo, với 99% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hiện nay, bà con Tú Ạc chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi, trồng keo, buôn bán nhỏ lẻ, một số người trẻ đi làm ăn xa ở các công ty, xuất khẩu lao động. Tú Ạc là thôn có diện tích trồng keo nhiều so với các thôn khác. Trong thôn chỉ có một số hộ khá như gia đình ông Cầm Bá Mằn, Lương Văn Nghiệp... làm nhiều ruộng, chăn nuôi và trồng keo.

Về thôn Tú ẠcLãnh đạo UBND xã Xuân Chinh thăm rừng keo của gia đình ông Vi Văn Trường, thôn Tú Ạc.

Nhìn về cánh rừng phía xa, bí thư chi bộ Vi Văn Trường cho biết: Trước đây khu vực rừng thôn Tú Tạo (nay là thôn Tú Ạc) giáp ranh với thôn Bàn Tạn, xã Xuân Lẹ là nơi diễn ra hoạt động khai thác vàng. Bà con trong các thôn Xuân Lẹ, Xuân Chinh cũng như các “đầu nậu”, người dân ở khu vực khác về khai thác vàng rầm rộ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Đến năm 2008-2009, tỉnh, huyện, địa phương quyết liệt xử lý, vì vậy hoạt động khai thác vàng đã không còn diễn ra. Bí thư Vi Văn Trường cũng một thời theo chân mọi người trong thôn vào rừng khai thác vàng, nhưng vàng không thấy đâu, chỉ có vất vả, hiểm nguy rình rập.

Đã có thâm niên gần 14 năm làm trưởng thôn và bí thư chi bộ, vì vậy ông Trường hiểu hơn về đời sống, khó khăn của bà con thôn Tú Ạc. Ông Trường cho biết: Xuất phát điểm của thôn Tú Ạc thấp nên để thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn, để nhiều hộ thoát nghèo là điều không dễ. Ngoài sự nỗ lực của mỗi người dân thì cần lắm sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia. Toàn thôn chỉ có 29,7ha lúa nước trồng 2 vụ. Nếu chia bình quân mỗi hộ, thì diện tích đất trồng lúa là thấp. Cùng với đó, thôn chưa có hệ thống kênh mương nội đồng, chưa có công trình chứa nước tưới tiêu cho đồng ruộng nên ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Để khắc phục, bà con tự tạo ra guồng nước, dùng dây dẫn nước từ suối vào đồng ruộng. Bà con cũng mong mỏi có con đường bê tông liên thôn để việc đi lại, giao thương cũng như việc đến trường của các cháu được thuận lợi.

Điều vui mừng với bà con thôn Tú Ạc là nhiều hộ trồng keo nhiều, những năm gần đây giá keo ổn định nên bà con có thu nhập từ khai thác, thu hoạch keo. Trung bình mỗi ha thu hoạch 50 - 60 tấn keo, bà con thu về khoảng 50 triệu/ha. Dẫn chúng tôi ra thăm cánh rừng trồng keo của gia đình, ông Trường phấn khởi chia sẻ: Gia đình ông trồng 2ha keo, hiện nay keo chuẩn bị cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch keo từ 5 đến 7 năm, với gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác thì keo là cây trồng đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay chi bộ, ban quản lý thôn Tú Ạc cũng khuyến khích, tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng keo trên diện tích đất rừng sản xuất của thôn, đồng thời bảo vệ diện tích đất rừng phòng hộ hơn 3.200ha để được hỗ trợ công bảo vệ, chăm sóc.

Về thôn Tú ẠcCon đường vào thôn Tú Ạc vẫn còn nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, ông Cầm Bá Hưng chia sẻ: Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Tú Ạc hôm nay so với những năm trước đã đổi khác hơn nhiều. Bà con trong thôn vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống như ném còn, nhảy sạp, cồng chiêng; vừa thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức ma chay, cưới hỏi. Ở thôn đã thành lập được đội văn nghệ, thể dục - thể thao để giao lưu trong và ngoài thôn. Để Tú Ạc đổi thay, đời sống bà con dần nâng lên thì cần hơn nữa sự nỗ lực của mỗi người dân và sự giúp đỡ, quan tâm của Đảng, Nhà nước từ các chương trình, chính sách gần, sát với đồng bào.

Hiện nay, xã Xuân Chinh có 666 hộ, trong đó có 227 hộ nghèo, 253 hộ cận nghèo; đạt 12/19 tiêu chí XDNTM. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 27 triệu đồng/năm 2023, phấn đấu đạt 32 triệu đồng/người năm 2024. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang thực hiện chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025. Xã tiếp tục tuyên truyền bà con Nhân dân thôn Tú Ạc nói riêng, toàn xã nói chung phát triển lâm nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai địa phương, tập trung phát triển rừng gỗ lớn. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội bằng hình thức xã hội hóa, đầu tư từ các chương trình mục tiêu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn cho việc giao thương hàng hóa thuận tiện; xây dựng các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất theo đúng thời vụ. Tận dụng hết lợi thế từ diện tích các loại đất, vườn, khe, suối, ao, hồ,... để chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và tận dụng quỹ đất rộng trồng cỏ, tranh thủ các chính sách hỗ trợ về chăn nuôi để tiếp tục phát triển chăn nuôi đàn gia súc có tầm vóc lớn, giá trị cao. Phấn đấu đến năm 2025, xã Xuân Chinh có 3/6 thôn đạt chuẩn NTM; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, có trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]