(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dù đã gần 70 năm trôi qua kể từ ngày lần đầu tiên Bác Hồ về thăm, nhưng với nhân dân Thanh Hóa, những lời Bác dạy, những câu chuyện về Bác vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mãi sáng ngời để người dân xứ Thanh học tập, noi gương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẹn nguyên niềm kính yêu với Bác

(VH&ĐS) Dù đã gần 70 năm trôi qua kể từ ngày lần đầu tiên Bác Hồ về thăm, nhưng với nhân dân Thanh Hóa, những lời Bác dạy, những câu chuyện về Bác vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mãi sáng ngời để người dân xứ Thanh học tập, noi gương.

Bất cứ là ai đã từng đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, từng chiêm ngưỡng pho tượng đá về Bác Hồ, hẳn sẽ không khỏi trào dâng niềm xúc động. 20 năm! Khoảng thời gian đánh dấu sự hiện diện của pho tượng đá bán thân Bác Hồ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Và với những cán bộ đã từng hoặc đang làm việc nơi đây, vẫn nhớ như in câu chuyện sưu tầm hiện vật độc bản tượng bán thân Bác Hồ.

Năm 1947, trong hàng nghìn người dân vinh dự được dự buổi nói chuyện của Bác tại di tích Rừng Thông, có một công dân vô danh, vốn là thợ đục đá. Chẳng biết ông có nghe rõ được điều Bác Hồ nói, nhưng hình ảnh về vị Cha già dân tộc đã in đậm trong tâm trí ông bắt đầu từ đó. Niềm kính yêu, ngưỡng mộ với Bác đã thôi thúc ông phải làm điều gì, để lưu giữ lại khoảnh khắc lịch sử này. Và ông đã tự tay lựa chọn khối đá lấy từ núi Nhồi, với đôi bàn tay của một người thợ đục khắc, pho tượng đá bán thân về Bác dần hình thành.

Không ai biết rõ con người đó đã tạo nên pho tượng Bác trong bao lâu, chỉ biết rằng, người thợ ấy đã tạc nên nó, bắt đầu từ lúc ông được gặp Bác. Pho tượng với những đường nét dù chưa thực tinh xảo, bởi ông vốn chẳng phải thợ điêu khắc, cũng chẳng phải nghệ sĩ, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của một người thợ, một công dân đối với Bác. Chắc chắn, pho tượng đó, ông đã làm bằng tất cả tài năng và tình yêu với Bác Hồ. Và tôi, xin phép được gọi ông là nghệ nhân, một nghệ nhân vô danh! Nhiều người không biết ông, và tôi cũng vậy. Nhưng tôi kính trọng ông, bởi tình cảm của ông đối với Bác, bởi tấm lòng của một người thợ và bởi cả tác phẩm nghệ thuật mà ông đã để lại cho đời.

Bức tượng đá bán thân độc bản về Bác Hồ tại Bảo tàng tỉnh do nghệ nhân vô danh làng Nhồi tạc nên.

Năm 1997, pho tượng đá bán thân của nghệ nhân làng Nhồi ngày đó được chính thức sưu tầm và đưa về Bảo tàng tỉnh tại phòng trưng bày “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác”. Pho tượng Bác, được chính con trai người nghệ nhân vô danh (thôn Cao Sơn, xã Đông Tân, nay là phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lưu giữ. Thông tin về nghệ nhân vô danh ấy không có nhiều và thực sự, không rõ ông còn sống hay đã mất. Nhưng những gì ông để lại, thì mãi còn, là kỷ vật vô giá về Bác.

Cùng với bức tượng đá bán thân về Bác của nghệ nhân đá làng Nhồi ngày ấy, thì ở mỗi nơi Bác đến, nhân dân Thanh Hóa đã xây dựng những công trình tưởng niệm để nhớ về Bác và giáo dục thế hệ trẻ.

Tại khuôn viên HTX cơ khí Thành Công (sau lày là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, rồi Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi - 20 Nguyễn Du, TP Thanh Hóa) là bức tượng Bác Hồ được dựng nên đầy thành kính, trang nghiêm, bên dưới là dòng chữ: “Nơi đây, ngày 11-12-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm HTX Cơ khí Thành Công - Lá cờ đầu ngành Thủ công nghiệp toàn quốc”.

Có thể không nhiều người trẻ biết về điều đó, bởi lẽ HTX đã giải thể từ những năm 1980. Tuy nhiên, những năm 1960, thì HTX Cơ khí Thành Công là niềm tự hào của tỉnh Thanh. Với những thành tích đạt được, đơn vị đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm và tặng Cờ thi đua. Sau này, khi HTX Thành Công không còn, nhưng địa chỉ đó, nơi Bác Hồ về thăm thì vẫn được người dân Thanh Hóa nhắc nhớ nhau. Bức tượng Bác được dựng lên tại khuôn viên văn hóa bây giờ là niềm tự hào của không chỉ nhà trường mà đó còn là lời nhắc nhớ để thầy và trò Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu, nỗ lực học tập và làm theo lời Bác.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên tuyến phố Lê Hoàn vốn sầm uất là không gian thiêng liêng để người dân Thanh Hóa tưởng nhớ về Bác kính yêu. Nơi đây, lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá về Người, được trưng bày theo nội dung “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác”. Những hiện vật tưởng chừng im lặng mà lại mang trong mình bao câu chuyện về Bác. Đó là chiếc áo Bác mặc, lá thư Bác viết... Để mỗi lần đến, mỗi người dân đều có cảm tưởng đang được trò chuyện cùng Bác, được lắng nghe Bác nói chuyện... những câu chuyện tưởng giản dị mà vô cùng thiêng liêng về Người.

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu nhỏ tại Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu)

Tình cảm của người dân Thanh Hóa đối với Bác, thật khó để có thể đong đếm hết. Tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước những ký ức vẫn còn vẹn nguyên về Bác của một cán bộ HTX Thành Công khi được trực tiếp gặp Bác Hồ năm 1961. Và đó là câu chuyện của bác Đoàn Quý Khoáng (số nhà 283, đường Tống Duy Tân, TP Thanh Hóa). Hiện bác Khoáng vẫn giữ mọi kỷ niệm, hình ảnh về Bác Hồ trong ký ức như một báu vật, suốt 55 năm qua. Ngày ấy bác Khoáng là Phó Chủ nhiệm HTX Cơ khí Thành Công, khi được biết Bác Hồ sẽ ghé thăm HTX vào buổi chiều ngày 11/12/1961, tất cả cán bộ, nhân viên HTX đều nỗ lực chuẩn bị để buổi đón tiếp Bác Hồ được long trọng nhất. Nhưng, đến 11 giờ sáng, khi Bác Hồ về đến TP Thanh Hóa (TX Thanh Hóa lúc bấy giờ) thì Người đã quyết định đến thăm HTX Cơ khí Thành Công luôn.

Bác Đoàn Quý Khoáng kể lại cho con cháu nghe kỷ niệm được gặp Bác Hồ.

Bác Khoáng nhớ lại: Khi thấy Bác Hồ đến, mọi cán bộ HTX hết thảy đều ngỡ ngàng. Nhưng chỉ ít phút, sau khi đi thăm HTX, Bác đã nói với lãnh đạo HTX gọi tất cả cán bộ, công nhân tập trung để Người nói chuyện. Và kí ức như thước phim quay chậm nhưng vô cùng rõ ràng trong lời kể: "Bác Hồ nói “Các cô, các chú có cái tên đẹp lắm, HTX Thành Công. Đã Thành Công rồi thì phải Thành Công nữa, Thành Công mãi”. Và Người còn nói “các cô, các chú là HTX cơ khí, đã là cơ khí thì chỉ có sắt, thép, gang thôi. Do đó, sản phẩm làm ra phải tốt, nhiều, rẻ, không được xấu, hỏng”... Lời nói của Bác Hồ lúc ấy tuy giản dị, trìu mến nhưng cũng đầy nghiêm khắc, giáo dục rất cao".

Với mỗi người dân Thanh Hóa trước đây, bây giờ và mãi về sau, hình ảnh về Bác vẫn luôn là biểu tượng thiêng liêng, vô cùng cao cả. Mỗi lần Bác về thăm Thanh Hóa, ở mỗi nơi Bác đến người dân qua bao thế hệ vẫn kể lại cho cháu con những câu chuyện về Bác, dù 55 năm, 70 năm đi qua thì mọi thứ vẫn vậy, chẳng thể đổi thay. Hình ảnh, đạo đức, nhân cách của Người đi vào những câu chuyện kể, sẽ trở thành huyền thoại bất tử, bởi vì, trong trái tim mỗi người dân Thanh Hóa luôn có Bác! Vì vậy, trong 4 lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, với 24 di tích và địa điểm di tích Người ghé thăm thì giờ đây, tất cả đều được người dân Thanh Hóa giữ gìn, trân trọng.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]