(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh năm 1953, tại xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gia đình nhà thơ Vũ Thị Khương đã vào sinh sống tại Hà Trung. Sau này thành lập thị xã Bỉm Sơn cả gia đình lại chuyển về đây. Từ đó, mảnh đất này gắn bó với những buồn thương và hy vọng của chị.

Vũ Thị Khương và nỗi khắc khoải đàn bà

Sinh năm 1953, tại xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gia đình nhà thơ Vũ Thị Khương đã vào sinh sống tại Hà Trung. Sau này thành lập thị xã Bỉm Sơn cả gia đình lại chuyển về đây. Từ đó, mảnh đất này gắn bó với những buồn thương và hy vọng của chị.

Vũ Thị Khương và nỗi khắc khoải đàn bàNhà thơ Vũ Thị Khương.

Tính đến nay, không kể các tập in chung, nhà thơ Vũ Thị Khương đã có 5 tập thơ in riêng, trong đó có 4 tập thơ: “Hoa trắng không tên”, “Thơ tình không gửi”, “Chỉ là cỏ”, “Giọt thời gian” và 1 tập ký - tản văn “Bến xưa”. Chia sẻ về đoạn đường văn chương của mình, chị nói: “Không bao giờ tôi nghĩ đến làm văn, viết thơ nhưng cuộc sống ép mình phải cầm bút”. Bài thơ đầu tiên in trên Báo Lao động có tiêu đề “Người làm đường có giấc ngủ trưa” năm 1976 như một mối tơ duyên khiến cả đời chị cứ dan díu với thơ ca.

Hoàn cảnh gia đình bị ảnh hưởng từ sự xáo trộn của hoàn cảnh xã hội, chị trải qua nhiều mất mát như kinh tế gia đình sa sút, những người anh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị phải đứng ra lo toan tứ bề. Điều đó cũng là nguyên nhân chính để sẵn sàng quên cái riêng tư, quen với sự chịu đựng.

Một lần ở hội nghị các nhà văn nữ Việt Nam, chị đã nói: Từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, những người phụ nữ làm văn chương mấy ai được hạnh phúc trọn vẹn. Nghiệp văn chương khó khăn chứ không dễ dàng gì. Mỗi người một kiểu trên hành trình đi đến cái nghiệp đó, nhưng chắc chắn không phải thích hay không thích mà được. Nó như cái vận, mà cụ Nguyễn Du đã từng nói: “Mỗi lời là một vận vào khó nghe”.

Chị tâm sự về nghề: “Nghề văn là nghề khó khăn cực nhọc ở chỗ người viết phải trải nghiệm, thấu hiểu tận cùng niềm vui và nỗi buồn của con người. Vì theo tôi, cái chính của nghề văn là phản ánh số phận con người, thơ của tôi luôn trăn trở về điều đó. Đó cũng chính là sự tồn tại của văn học”.

Vũ Thị Khương và nỗi khắc khoải đàn bà

Đọc thơ Vũ Thị Khương, cảm nhận rõ ở bên trong câu chuyện xã hội là những tâm tình rất cá nhân với những nỗi buồn riêng tư, những khắc khoải rất đàn bà. Gom tất cả những nỗi buồn ấy lại là nỗi buồn của Vũ Thị Khương và trải ra thì là nỗi buồn của tất cả mọi người. Thơ của chị nghiêng về thân phận bất hạnh của những người phụ nữ. Họ chỉ cần thoáng qua trong đời với một hình ảnh, một sắc thái, thậm chí một màu xanh cũng đủ là cái cớ để chị cầm bút viết.

Thân phận đàn bà dường như đời nào cũng nhiều nỗi niềm. Bài thơ “Viếng Bình Khương”:

“Bình Khương hỡi, sáu trăm năm trước

Tiếng kêu oan khiến đá cũng mềm lòng

Nếu sống đến giờ oan có được giải không

Những lõm đá xoáy nhìn tôi đau đáu”.

Hay bài “Ái phi”:

“Một vòm trời thăm thẳm cao xanh

Điện ngọc, sân rồng bây giờ là di tích

Chuyện cung đình mấy ai biết đến

Để xót cùng tỳ thiếp chốn thâm cung”.

Rồi bài “Với Tuyết Sơn”:

“Ngỡ mình giờ mới truân chuyên

Long đong lận đận nên duyên lỡ làng...

... Kiếp người trước, kiếp ta sau

Ngẫm câu định mệnh biết đâu mà ngờ

Ngàn lau bạc trắng ngẩn ngơ

Trúc xanh ghi lại câu thơ tự tình”.

Từ chuyện xưa vận vào thân phận mình, ấy là quá đa cảm. Nhưng thi sĩ là vậy, chính vì “nghĩ quá” mà thơ mới nhiều cảm xúc, mới khiến người đọc rung cảm.

Đọc thơ Vũ Thị Khương buồn thì rất buồn nhưng không u uất, không nghiệt ngã với đời. Dẫu các nhân vật thường có thân phận ngang trái, đa đoan. Nhưng lấp lánh sau con chữ vẫn là sự hy vọng về một niềm vui, một sự xuất hiện. Đôi khi ảo tưởng “Có lẽ là chàng trai ấy... yêu tôi”, rồi sốt ruột “Đi chợ cầu duyên”: “Tìm ai giữa buổi chợ đông? Còi xe đã gọi mà lòng chưa yên”, để rồi có biết bao sự hẫng hụt, thất vọng.

Tôi nhớ hình ảnh: “Giàn lá xanh trước cửa nhà em/ Anh hữu ý hay vô tình đi ngang qua ngõ?/ Để giàn lá xôn xao khép mở/ Bức rèm xanh ý tứ mách hộ người” (Giàn lá xanh trước cửa nhà em). Cái sự chờ đợi ấy còn là tâm trạng của nhân vật “Em” trong rất nhiều bài thơ của chị. Không thể không nhắc tới bài thơ “Em chờ”. Theo chia sẻ của chị ban đầu chỉ là nhìn thấy hình ảnh cô bé ở cùng nhà tập thể đi ra đi vào chờ bạn trai mà chị nảy ra cái ý “Em chờ” và bài thơ ra đời:

“Chắc gì anh đến bây giờ. Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương. Chắc gì? Mà dạ cứ thương. Cứ thao thức nỗi vấn vương trong lòng. Đã yêu, yêu đến tận cùng. Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau? * Chắc gì? Đã chắc gì đâu! Hôm nay, cả những ngày sau Em chờ...”

Hẳn nhiều người đã từng nghĩ và đặt ra câu hỏi Vũ Thị Khương chờ ai? Chị cười nói: “Tôi cũng như rất nhiều phụ nữ khác, chờ những điều chưa có trong cuộc đời mình, chờ một hạnh phúc mong manh”.

Những người thân quen với nhà thơ Vũ Thị Khương biết về cuộc đời chị với đủ thứ bão giông, đủ nỗi buồn, trong đó buồn nhất là cuộc sống riêng tư. Tôi đùa vui, nếu được chia những cột mốc trong cuộc đời, thì những buồn đau đã qua, hậu vận của chị là những điều tốt đẹp. Chị từ tốn nói: “Tôi cũng thấy bình thường thôi”.

Cuộc đời công bằng, mất cái này thì được cái khác... Sau những tâm tình “Xin cho bớt nỗi âu lo/ Để trái tim cất lời thơ ru hời/ Mưa xuân giăng mắc đầy trời/ Bao nhiêu lộc biếc thành lời ru anh”. Xin là xin vậy thôi chứ chị thừa biết khi không còn âu lo thì thơ cũng chẳng còn cất lời và chính cuộc đời của chị cũng nhạt phai theo tháng năm. Không có cái tình riêng tư thì chị lại có tiếng à ơi ru cháu.

Trong ngôi nhà của chị ở phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn), cậu con trai đã lập gia đình và có cháu nhỏ. Tiếng cười cứ rộn ràng, chị tất bật với chuyện ăn học của đứa cháu. Cuộc sống bình dị ấy mà chị cứ ước ao mãi. Có lẽ vì thế mà chị có thêm nhiều bài thơ dành cho cháu: “Chị cỏ gà thức giấc/ Gáy vang cả góc vườn/ Đánh thức cô cỏ mật/ Dậy đi mà tỏa hương/ Đánh thức anh cỏ chỉ/ Dậy rửa mặt học bài/ Đánh thức khóm hoa nhài/ Dậy ướp chè pha nước” (Chị cỏ gà); “Với bao điều kỳ diệu/ Cuộc đời bé đổi thay/ Bắt đầu từ hôm nay/ Là học trò lớp Một” (Cháu vào lớp Một). Những câu thơ thật ngọt ngào nhưng cũng đầy tính triết lý. Từ một đứa trẻ đến những người trưởng thành thì đều phải bắt đầu từ lớp một.

Chị đề tặng tôi tập thơ “Giọt thời gian” xuất bản năm 2019 với 60 bài được tuyển chọn từ đời thơ của chị. Mỗi bài một phong vị riêng, nhưng vẫn là những sự day dứt rất đời, rất đàn bà. “Tôi đưa tay gõ cửa động người xưa/ Nghe hồi âm vọng từ im lặng đá/ Nghe lao xao từ âm thầm rêu phủ/ Từ âm thầm ngõ ngách hang sâu/ Từ hàng chục ngàn năm/ Từ hàng vạn đổi dời”. Để chị không khiến mình rơi vào trạng thái tiêu cực mà còn đã tự tìm được những niềm vui riêng.

Trong nỗi khắc khoải đàn bà, thơ Vũ Thị Khương không chỉ là cảm xúc của mình chị, đó còn là tiếng lòng của một nửa thế giới. Dẫu có buồn, dẫu có chênh chao thì vẫn mãi cứ chờ, cứ ngỡ: “Sóng dìu dặt ấp iu bờ cát/ Nếu anh ở bên hẳn là em sẽ hát”... Cái giả thiết đó dù không bao giờ trở thành hiện thực thì trong cuộc đời người đàn bà vẫn còn có những giá trị khác, là con, là cháu, là những cảm xúc riêng tư của chính bản thân mình.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]