Vui đón học sinh trở lại trường
Thầy, cô giáo yên tâm, phấn khởi hơn khi không còn tình trạng bỏ học sau tết là ghi nhận ở một số trường học tại 2 huyện miền núi Thường Xuân và Quan Sơn.
Cô, trò điểm trường Ché Lầu, Trường Mầm non Na Mèo (Quan Sơn).
Ổn định sĩ số
Bát Mọt là xã vùng biên duy nhất của huyện Thường Xuân, cách trung tâm huyện gần 60km. Học sinh trên địa bàn xã chủ yếu là dân tộc thiểu số.
Trường THCS Bát Mọt có 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 8 lớp với 262 học sinh (trong đó hơn 90% là học sinh dân tộc thiểu số).
Theo thầy giáo Lê Hồng Sâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bát Mọt, thì: "Song song với công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, vào những ngày cuối năm, nhà trường, các thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về nhà đón tết an toàn, không quên nhiệm vụ học tập và đến trường sau tết theo đúng lịch học. Trước đây, vẫn có hiện tượng học sinh không đến trường sau kỳ nghỉ tết do địa hình, khí hậu phức tạp... Tuy nhiên, một số năm trở lại đây, không còn tình trạng học sinh bỏ học sau tết".
Em Lương Thị Trâm, học sinh lớp 9A, Trường THCS Bát Mọt, cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, em đều hồi hộp khi được gặp lại thầy cô và các bạn. Nhà em ở bản Phống, cách xa trường. Để chuẩn bị cho ngày đầu tiên đến trường của năm mới, em dậy sớm, chuẩn bị quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và không quên đem theo một ít bánh kẹo đến lớp chung vui cùng các bạn".
Huyện Quan Sơn có 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống gồm bản Ché Lầu (xã Na Mèo), bản Mùa Xuân và Xía Nọi (xã Sơn Thủy). Con đường lên các bản đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, vì vậy thầy cô giáo các điểm trường mầm non, tiểu học tại 3 bản Mông cũng đỡ vất vả hơn.
Điểm trường mầm non Ché Lầu với 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Điểm trường có 35 học sinh được chia thành 2 lớp với 4 thầy cô giảng dạy, trong đó có lớp ghép 3 độ tuổi (3, 4, 5). Cô giáo Hà Thị Nhớ, giáo viên mầm non Trường Mầm non Na Mèo được phân công giảng dạy tại điểm trường mầm non Ché Lầu. Nhà cô Nhớ ở bản Xộp Huối (xã Na Mèo), cách điểm trường gần 1 giờ đi xe máy. "Cô cũng như trò, ai cũng đều háo hức cho buổi học đầu tiên. Rất mừng, những năm qua, điểm trường mầm non Ché Lầu luôn ổn định sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ tết".
Ổn định nền nếp
Điểm trường Tiểu học (TH) Ché Lầu (Trường TH Na Mèo) có 3 lớp học với tổng số 44 học sinh. Trong đó thầy giáo Hơ Văn Pó và Hơ Văn Súa là người con của đồng bào dân tộc Mông bản Ché Lầu. Thầy Pó dạy học sinh lớp 1, còn thầy Súa dạy học sinh lớp 5. Là những người con của bản nên hai thầy có điều kiện gần gũi, tuyên truyền, vận động bà con cho các em đến trường để học con chữ. Những năm qua, điểm trường TH Ché Lầu cũng không còn tình trạng học sinh nghỉ học sau tết.
Cô Vi Thị Tình trong giờ giảng cho các em học sinh Trường THCS Bát Mọt (Thường Xuân).
Năm học 2024 - 2025, Trường TH Na Mèo có tổng số 22 lớp, với 391 học sinh, trong đó có điểm trường chính tại trung tâm xã Na Mèo và 4 điểm trường tại các bản: Ché Lầu, Cha Khót, Xộp Huối, Sa Ná. Thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường TH Na Mèo, cho biết: "Nhà trường phân công cho các đồng chí trưởng các điểm trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo cụ thể lịch nghỉ tết đến phụ huynh và học sinh, thực hiện nghiêm túc việc trực và bảo vệ điểm trường học dịp nghỉ tết. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương để có phương án bảo vệ an ninh, trật tự, công tác phòng, chống hỏa hoạn,... bảo đảm an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Sau kỳ nghỉ tết, toàn trường vệ sinh trường lớp, tập trung duy trì có nền nếp các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng sống cho học sinh”.
Năm học 2024 - 2025, huyện Quan Sơn có hơn 10.700 học sinh ở các cấp. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, phòng đã phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trong đơn vị biết và thực hiện nghiêm túc các quy định về việc tổ chức Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng chí Lê Huy Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, cho biết: "Sau kỳ nghỉ tết, các đơn vị trường học khẩn trương giải quyết, xử lý công việc liên quan hoạt động của cơ quan, đơn vị; tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng sống cho học sinh; duy trì có nền nếp các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục; tổ chức phát động phong trào Tết Trồng cây - Xuân Ất Tỵ và trồng rừng năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong ngành giáo dục Thanh Hóa...”
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-02-11 15:45:00
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới trong sử dụng nền tảng giáo dục Khan Academy
-
2025-02-11 14:35:00
Ngừng dạy thêm nhưng không ngừng hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi
-
2025-02-08 07:53:00
Rõ hơn về hoạt động dạy thêm, học thêm
Năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu đạt 220 sinh viên trên 1 vạn dân
Trường Tiểu học Na Mèo: Điểm sáng giáo dục vùng biên
Học bổng Chính phủ Australia 2026: Đăng ký từ ngày mai
Nhiều trường đại học mở ngành đào tạo mới trong mùa tuyển sinh năm 2025
Rộn ràng không khí “Tết đến Xuân về” trong trường học
Giáo viên Nghệ An đón Tết sớm với tiền thưởng hơn 5 triệu đồng
Khi con đến tuổi dậy thì...
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở huyện Lang Chánh
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc học mầm non