(vhds.baothanhhoa.vn) - Sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn, lại bị “bó buộc” trong những định kiến cổ hủ... Vậy nhưng, những người phụ nữ nơi bản làng đã quyết tâm thay đổi, hiện thực hóa giấc mơ trở thành người gieo chữ trên đại ngàn quê hương.

Vượt núi cao đi tìm tri thức: Chuyện những cô giáo nơi bản làng

Sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn, lại bị “bó buộc” trong những định kiến cổ hủ... Vậy nhưng, những người phụ nữ nơi bản làng đã quyết tâm thay đổi, hiện thực hóa giấc mơ trở thành người gieo chữ trên đại ngàn quê hương.

Vượt núi cao đi tìm tri thức: Chuyện những cô giáo nơi bản làngNăm 2023, Va Thị Nính đã chính thức trở thành cô giáo, về công tác tại Trường Tiểu học Trung Lý 2 (huyện Mường Lát).

Bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy là một trong những bản làng xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện miền núi Quan Sơn. Từ Xía Nọi đi ra trung tâm xã gần 30km và từ bản xuống huyện là khoảng 80km, đường đi lại khó khăn, năm 2023 bản Xía Nọi mới có điện. Ở Xía Nọi, 100% là đồng bào Mông, đời sống kinh tế nhiều khó khăn. Và ở Xía Nọi, học sinh người Mông phần nhiều chỉ học hết THCS là nghỉ ở nhà trồng ngô, sắn, làm rừng, rồi lập gia đình, sinh con...

Vậy nên, chuyện con gái bản Xía Nọi học hết THPT vốn đã hiếm; vào đại học, cao đẳng... lại càng ít ỏi. Nhưng, cô gái người Mông, Sung Thị Tông ở bản Xía Nọi thì với quyết tâm, em đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo.

Sinh năm 1995, Sung Thị Tông là con gái thứ 2 trong gia đình có tới 8 chị em gái. “Lớn lên ở bản, từ nhỏ em đã “nằm lòng” tư tưởng là con gái chỉ cần học để biết chữ, sau đó ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đi nương rẫy, rồi lấy chồng, vì học nhiều cũng đâu được gì?! Cũng bởi cung đường đi học xa xôi, điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên các bạn trong bản đến trường cùng em cứ “vơi” dần qua mỗi năm. Đã có những lúc em muốn nghỉ học, muốn được ở nhà... Nhưng rồi em lại nghĩ đến mẹ. Mẹ em là một phụ nữ người Mông chăm chỉ, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, lên ruộng nương, vào rừng... mà không dám đi đâu, thiệt thòi vô cùng. Cho đến một ngày, em thấy chị gái Sung Thị Pa Nhia thật đẹp trong sắc phục truyền thống đến trường dạy học, em đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo và quyết tâm phải hiện thực hóa ước mơ của mình”, Sung Thị Tông chia sẻ.

Vượt núi cao đi tìm tri thức: Chuyện những cô giáo nơi bản làngCô giáo Sung Thị Tông tại điểm trường bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).

Năm 2015, Sung Thị Tông thi đỗ vào ngành học Mầm non Trường Đại học Hồng Đức. Sau những năm tháng miệt mài băng rừng, lội suối... xuống phố đi học, năm 2019, Sung Thị Tông chính thức trở thành cô giáo mầm non. Điều đáng nói, thay vì tìm một nơi dạy thuận tiện, ít khó khăn thì Sung Thị Tông lại xin về điểm trường bản Xía Nọi còn bộn bề khó khăn quê mình để làm cô giáo.

Chia sẻ về quyết định này, cô giáo Tông, cho biết: “Em là người Mông sinh ra ở Xía Nọi, em tin mình thấu hiểu những vất vả, khó khăn, thiếu thốn của người dân bản và những đứa trẻ quê mình. Về điểm trường Xía Nọi dạy học, vừa là cách để san sẻ những vất vả với người dân bản, giúp đỡ trẻ con trong bản đến trường. Và có một điều, em hy vọng, việc trở thành cô giáo của chị Pa Nhia, của em hay những người khác sẽ từng bước thay đổi “định kiến”, suy nghĩ của người dân Xía Nọi. Muốn tương lai tốt hơn thì phải học, phải có tri thức, dù là con trai hay con gái cũng cần đi học”.

Bằng tất cả sức trẻ và tình yêu với người dân bản, cô giáo Sung Thị Tông không chỉ được người dân quý mến, mà những đứa trẻ trong bản cũng mỗi ngày “theo chị Tông” đến trường nhiều hơn. Với rất nhiều nỗ lực trong cả dạy học và đưa trẻ đến trường, năm 2020, cô giáo Sung Thị Tông đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Cũng như Sung Thị Tông, Va Thị Nính (sinh năm 1999) cũng là cô gái người Mông. Cô ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát). Gia đình đông anh em, những ngày còn cắp sách đến trường, cô bé Nính vẫn nghe người trong bản nói “đi học có được gì đâu, ở nhà làm nương, làm rẫy còn có cái ăn”. Và dù thương con gái, nhưng khi Va Thị Nính học hết lớp 12, bố mẹ em cũng muốn em ở nhà, vì “học hết lớp 12 là tốt lắm rồi, con gái trong bản chỉ học đến lớp 7, lớp 9 là nghỉ học”.

“Khi đó, em thực sự đã định ở nhà. Bởi nếu đi học đại học, mỗi tháng bố mẹ sẽ phải dành một khoản nhất định cho em, trong khi đó kinh tế gia đình lại không dư dả. Nhưng rồi, ước mơ trở thành cô giáo cứ âm ỉ khiến em day dứt. Mỗi tối khi đi ngủ, nhắm mắt lại em lại nhớ đến hình ảnh những cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học, rồi thầm ước mơ một ngày mình cũng có thể trở thành cô giáo. Vào một buổi sáng, em đã nói với bố, rằng con muốn đi học, muốn thay đổi tương lai và muốn sau này có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn... cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý để em thi vào đại học. Đến giờ, khi đã trở thành cô giáo, em vẫn chưa quên xúc cảm ngày bố mẹ nói đồng ý cho em xuống thành phố học đại học, niềm vui như vỡ òa...”, Va Thị Nính nhớ lại.

Sau những năm tháng chăm chỉ học tập, năm 2023 Va Thị Nính đã chính thức trở thành cô giáo về công tác tại Trường Tiểu học Trung Lý 2 - một trong những trường học xa xôi, có nhiều điểm trường lẻ, khó khăn bậc nhất ở huyện Mường Lát. Do cả trường chỉ có cô giáo Va Thị Nính là giáo viên dạy Nhạc, nên có những ngày cô giáo Nính phải đi vài chục cây số đường rừng để đến các điểm trường lẻ dạy học. Tuy nhiên, cô giáo Nính chưa một lần kêu khó, kêu khổ. Va Thị Nính tâm tình: “Với em, trở thành cô giáo, được trở về quê hương, đứng trên bục giảng dạy học là ước mơ cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất. Mọi khó khăn, vất vả đều có thể vượt qua”.

Vượt núi cao đi tìm tri thức: Chuyện những cô giáo nơi bản làngCô gái dân tộc Thái, Lương Thị An đang từng bước thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Trên hành trình vượt gian khó theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo của những phụ nữ dân tộc thiểu số, tôi nhớ đến câu chuyện của cô gái người Thái, Lương Thị An. Nhà An ở xã Tén Tằn (nay là khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát). Khi cô bé An mới 3 tuổi thì bố chẳng may qua đời. Mọi gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ. “Mọi nguồn thu của gia đình em suốt 16 năm qua chỉ trông vào việc trồng ngô, trồng sắn... đã có những lúc hoàn cảnh quá khó khăn, em đã từng muốn nghỉ học, ở nhà phụ giúp cho mẹ...”.

Với quyết tâm và nỗ lực, suốt 12 năm đến trường, Lương Thị An luôn đạt thành tích học tập tốt. Trong 3 năm học Trường THPT Mường Lát, Lương Thị An cũng nhiều lần giành được học bổng Lê Viết Ly. Lương Thị An hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Về việc quyết định theo học ngành sư phạm, Lương Thị An, chia sẻ: “Bố em từng là thầy giáo, em theo học ngành sư phạm để “đi tiếp” con đường còn dang dở của bố. Mỗi khi gặp khó khăn, vất vả, em nghĩ đến mẹ - chỗ dựa lớn nhất và cũng là động lực để em cố gắng. Mẹ em chỉ là nông dân, nhưng bà luôn hiểu được tầm quan trọng của việc đi học. Vì thế, bỏ qua mọi định kiến, mẹ luôn động viên em phải cố gắng đi học, thực hiện ước mơ”.

Câu chuyện trở thành người gieo chữ trên đại ngàn của cô giáo Sung Thị Tông, Va Thị Nính, hay nữ sinh viên Lương Thị An khiến nhiều người cảm phục. Đó không chỉ là câu chuyện chọn nghề, mà còn là hành trình vượt qua định kiến, khắc phục khó khăn, thay đổi để vươn tới tương lai tươi sáng.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]