(vhds.baothanhhoa.vn) - Giá xăng dầu tăng mạnh lần thứ 7 liên tiếp, và đương nhiên lại xô đổ mọi kỷ lục từ 15h ngày 21-6-2022. Việc tăng giá bán mặt hàng này dự báo sẽ khiến mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong 2 quý cuối năm sẽ tăng thêm 15 - 17%. Tuy vậy, để xăng giảm giá kịch khung hiện chỉ là ước mơ khá xa xôi.

Xăng lại tăng giá!

Giá xăng dầu tăng mạnh lần thứ 7 liên tiếp, và đương nhiên lại xô đổ mọi kỷ lục từ 15h ngày 21-6-2022. Việc tăng giá bán mặt hàng này dự báo sẽ khiến mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong 2 quý cuối năm sẽ tăng thêm 15 - 17%. Tuy vậy, để xăng giảm giá kịch khung hiện chỉ là ước mơ khá xa xôi.

Xăng lại tăng giá!

Ảnh minh họa.

Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (2.000 đồng cho 1 lít xăng và 1.000 đồng cho 1 lít dầu). Theo tính toán thì xăng dầu “cõng” khoảng 7.000 đồng cho 3 loại thuế đầu tiên.

Trong khi đó, xăng là mặt hàng thiết yếu, hầu như phải sử dụng hằng ngày và người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải mua để sử dụng. Chính vì thế đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với những mặt hàng không khuyến khích sử dụng là điều không hợp lý.

Trong khi chờ những điều chỉnh của Chính phủ, người dân cũng dần chuyển hướng để tiết kiệm xăng, thậm chí sử dụng các năng lượng khác để thay thế. Chả thế mà dạo gần đây, cậu shipper quen của tôi chuyển sang dùng xe máy điện. “Mỗi ngày, có khi tiết kiệm được 40 - 50 nghìn tiền xăng đấy chị ạ”. Tôi biết, nhiều gia đình đã có kế hoạch để hạn chế việc sử dụng ô tô thay vào đó là đi xe máy, xe điện hoặc các phương tiện công cộng.

Theo thống kê thì trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Trong khi đó, theo tính toán từ số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices (ngày 13-6-2022), giá xăng ở Việt Nam đang ở quanh mức trung vị của thế giới, có nghĩa là đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu.

Trên nghị trường Quốc hội vừa qua, bên cạnh ý kiến muốn giá xăng dầu lên xuống theo thế giới, tức thả nổi và không nên nỗ lực tìm mức giá rẻ nhất so với các nước xung quanh, hầu hết các đại biểu đều đề nghị Chính phủ cần sớm can thiệp để hạ nhiệt giá xăng dầu. Bởi, việc can thiệp bằng cách giảm thuế sẽ giúp xoa dịu tâm lý người dân, bình ổn lại các hoạt động sản xuất, từ đó ghìm cương được lạm phát và thúc đẩy nền kinh tế còn đang phục hồi sau đại dịch.

Thu ngân sách chiếm 30 - 40% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi lít xăng là mức khá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Điều đó khẳng định dư địa còn rất lớn và công cụ để giảm giá xăng dầu là có.

Giá xăng thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí vẫn đang trên đà tăng cao. Riêng ở Việt Nam, nếu không có sự điều chỉnh 3 loại thuế nói trên thì giá cả các mặt hàng đều sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Hơn lúc nào hết, việc điều tiết giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu là cần thiết giúp giảm gánh nặng thực sự cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế trong thời gian tới.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]