(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm định vị thị trường, tiến tới ổn định đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu nhiều loại cây ăn quả. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân trong xây dựng nhãn hiệu, tạo tiền đề phát triển thương hiệu cho nhiều sản phẩm cây ăn quả có lợi thế.

Xây dựng nhãn hiệu, tạo đà phát triển thương hiệu cây ăn quả

Nhằm định vị thị trường, tiến tới ổn định đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu nhiều loại cây ăn quả. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân trong xây dựng nhãn hiệu, tạo tiền đề phát triển thương hiệu cho nhiều sản phẩm cây ăn quả có lợi thế.

Xây dựng nhãn hiệu, tạo đà phát triển thương hiệu cây ăn quảSản phẩm dưa vàng Thiên Hương được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao và dán nhãn sản phẩm.

Huyện Thọ Xuân hiện có 360 ha cây ăn quả có múi tập trung, chủ yếu ở các xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Thọ Xương, Xuân Bái... Cùng với việc định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi các giống có hiệu quả kinh tế cao như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Luận Văn, cam V2, cam Xã Đoài, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, gắn liền với việc xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm để tạo uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng.

Điển hình như xã Xuân Hồng vốn nổi tiếng là vùng đất thâm canh cam, bưởi có tiếng tại huyện Thọ Xuân. Hiện nay, trên địa bàn xã phát triển được 80 ha cây ăn quả; trong đó, có 50 ha cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Không dừng lại ở thương hiệu “truyền miệng” từ bao đời nay, năm 2021, huyện Thọ Xuân đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cam Xuân Thành trên địa bàn 4 xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Xuân Trường và Xuân Giang. Với việc được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể cam Xuân Thành, Nhà nước đã thực hiện bảo hộ, chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao danh tiếng, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường. Theo lãnh đạo xã Xuân Hồng, việc bảo hộ nhãn hiệu và cấp tem truy xuất nguồn gốc đã trở thành tiền đề vững chắc hỗ trợ tiêu thụ cho cam, bưởi trong vùng. Nhờ trồng bưởi và cam, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Còn tại Yên Định, trước đây, vùng bưởi thanh đường Yên Ninh, xã Yên Ninh chỉ đơn thuần là loại cây ăn quả trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh trong các khu dân cư, thu hoạch nhỏ lẻ theo mùa vụ và không ít thời điểm bị ép giá. Để nâng cao giá trị sản xuất cho bưởi Yên Ninh, ngành nông nghiệp huyện Yên Định và xã đã quy hoạch vùng trồng tập trung; đồng thời tổ chức chuyển giao quy trình kỹ thuật, xây dựng lộ trình đăng ký tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.

Hiện nay, xã Yên Ninh đã phát triển được gần 80 ha bưởi thanh đường sản xuất tập trung. Trong đó, có gần 20 ha đã được cấp giấy chứng nhận và đang được chuyển giao kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP; đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Được gắn logo, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bưởi Yên Ninh ngày càng có thương hiệu trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng, giá bán tăng khoảng 30% trong những năm gần đây và người trồng bưởi thu lợi nhuận trung bình từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với các loại cây có múi, các loại dưa cũng là một trong những sản phẩm có lợi thế của Thanh Hóa. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha trồng dưa các loại, với sản lượng hơn 42.000 tấn/năm. Các giống được đưa vào sản xuất nhiều là dưa Kim Hoàng hậu, kim Cô Nương, dưa lưới Taki, dưa chuột Baby... Đa phần các giống dưa được sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống nhà màng, nhà lưới, được canh tác theo quy trình VietGAP và chú trọng tới khâu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Tính đến nay, đã có 23 sản phẩm dưa các loại được chứng nhận OCOP và được cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 23.000 ha trồng cây ăn quả. Với sự tích cực của các ngành có liên quan trong tỉnh, các địa phương đã xây dựng và được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ với một số sản phẩm như: bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) được cấp chỉ dẫn địa lý; các sản phẩm dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn), cam Xuân Thành (Thọ Xuân), cam Như Xuân, ổi Như Xuân được cấp nhãn hiệu tập thể và cam Vân Du (Thạch Thành) được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Cùng với đó, các HTX, doanh nghiệp ở các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Thạch Thành và Yên Định... đã xây dựng nhiều sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tiếp tục phát triển thêm những nhãn hiệu hàng hóa mới, từ đó xây dựng thương hiệu, hướng tới tiêu thụ bền vững sản phẩm cây ăn quả, hiện ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm đã được cấp. Đồng thời, các địa phương tích cực quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hướng tới tiêu thụ với mức giá cao hơn thông qua các chuỗi giá trị.

Bài và ảnh: Bách Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]