Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế
Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã định hướng các sản phẩm lợi thế để triển khai nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu. Từ đó, góp phần “chắp cánh” cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa, với đủ các điều kiện về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm...
Diện tích trồng cây ăn quả tập trung của xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).
Vùng đất Thiệu Hóa được thiên nhiên ưu đãi ban tặng điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và khí hậu thuận lợi cho cây lúa. Nhờ đó, nhiều năm nay người dân nơi đây đã sản xuất ra được các loại gạo thơm ngon, hạt tròn đều, mang hương vị đặc trưng. Tại các xã Thiệu Viên, Thiệu Phúc, Thiệu Long... có diện tích sản xuất lúa lớn, người dân đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Từ đó, không những hình thành được các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn mà còn xây dựng các thương hiệu lúa gạo được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại xã Thiệu Viên, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên đã đưa vào sản xuất thử nghiệm giống lúa Nhật - Japonica (J02) theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay với nhiều ưu điểm nổi trội như: cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét và sinh trưởng tốt... Khi thu hoạch, hạt thóc bầu, ít rụng, tỷ lệ hạt chắc cao... Hạt gạo khi xát ra to, cơm mềm, dẻo, vị đậm. Ông Lê Bá Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên, cho biết: “Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, vùng sản xuất gạo mang thương hiệu Vân Đài hiện đã được mở rộng lên 50 ha với 25 hộ tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình sản xuất được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, cùng với quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch được chuẩn hóa. HTX cũng đã đầu tư máy hút chân không, máy đóng gói, dám tem mác với nhãn hiệu “Gạo Vân Đài”. Vừa qua, gạo Vân Đài đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được dán nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc...
Ngoài Thiệu Hóa, các địa phương như Hà Trung, Vĩnh Lộc, Nông Cống... cũng đã tập trung hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, như: ST 24, J02, Q5, TBR1... Đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cho các sản xuất. Đến nay, các sản phẩm như gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn, gạo sạch Hương Quê, nếp hạt cau Lộc Thịnh, gạo Tâm Bình... bước đầu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện rà soát, đánh giá điều kiện sản xuất của các sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, tạo liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ nguồn gốc, sản xuất và tiêu thụ; đa dạng hóa bao bì, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm; nhất là các sản phẩm đã và đang được công nhận sản phẩm OCOP.
Huyện Thọ Xuân hiện có 360 ha cây ăn quả có múi tập trung, chủ yếu ở các xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Thọ Xương, Xuân Bái... Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả, cùng với việc định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi các giống có hiệu quả kinh tế cao như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Luận Văn, cam V2, cam Xã Đoài, huyện đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, gắn liền với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ đó, tạo uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
Xác định việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế góp phần nâng cao giá trị, từng bước ổn định đầu ra, các địa phương đã xác định được các sản phẩm như rau, gạo, chè... trong đó có nhiều sản phẩm đã được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngành nông nghiệp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm gắn với thế mạnh của từng địa phương, hướng tới tiêu thụ với mức giá cao hơn thông qua các chuỗi giá trị.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-02 16:16:00
Thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các khu chung cư Đông Phát và Mai Xuân Dương
Thạch Thành nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế
Trao tặng công trình nước sạch cho trường học huyện Quan Hóa và Mường Lát
Gian nan cô đỡ thôn, bản
Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện Chương trình OCOP 2023
CLB lý luận trẻ - nơi nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng
Cây sắn ở vùng biên Mường Lát
Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân vào vụ chế biến
Câu lạc bộ trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Thanh Hóa quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030