(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Thiệu Hóa luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; quan tâm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Thiệu Hóa luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; quan tâm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâmCô, trò Trường Mầm non Thiệu Hợp trong giờ học.

Bám sát nội dung chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được ngành giáo dục phát động, ngoài làm tốt công tác định hướng để mỗi giáo viên tích cực, chủ động tham gia, Trường Mầm non Thiệu Hợp còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến đông đảo phụ huynh, học sinh về nội dung, ý nghĩa của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đặc biệt, để tạo môi trường giáo dục theo yêu cầu đặt ra của ngành, nhà trường đã xây dựng không gian lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động gắn với các góc hoạt động như: góc phân vai, góc xây dựng, góc sách truyện, góc thiên nhiên... Cô giáo Lê Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiệu Hợp cho biết: Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có ý nghĩa rất lớn khi tạo cho trẻ môi trường học tập tích cực, trẻ được tham gia cùng giáo viên trong mọi hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, sự hứng thú cũng như khả năng của trẻ. Quá trình triển khai dạy học lấy trẻ làm trung tâm không chỉ giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động học tập, vui chơi phong phú, thú vị, mà còn tạo cơ hội, điều kiện phát triển khả năng tư duy, giao tiếp và vốn ngôn ngữ cũng như ý thức làm việc nhóm... Đặc biệt, qua các góc học tập được xây dựng trong từng lớp học, trẻ có thể lựa chọn học một mình hoặc theo nhóm, góp phần kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập.

Cũng như Trường Mầm non Thiệu Hợp, nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm, Trường Mầm non Thiệu Trung đã triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học để trẻ được “học bằng chơi, chơi mà học”. Cô giáo Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiệu Trung cho hay: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên lựa chọn các hoạt động giáo dục đa dạng, linh hoạt, sáng tạo phù hợp từng độ tuổi, từng nhóm lớp nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo và tạo mọi cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động trong quá trình học... Ngoài ra, nhà trường thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp cũng như vận dụng thực tế các quan điểm lấy trẻ làm trung tâm vào giảng dạy; đồng thời tăng cường tham mưu, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, tranh thủ sự ủng hộ kinh phí, đồ dùng, đồ chơi của các bậc phụ huynh, học sinh đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ... Theo đó, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp, an toàn; giáo viên năng động hơn trong đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành các hoạt động giáo dục cho trẻ; học sinh say mê học tập, thích được đến trường, tự tin, sáng tạo. Hiện nhà trường đang được đầu tư 10 phòng học mới - đây là nền tảng quan trọng để nhà trường tiếp tục thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” theo yêu cầu của ngành.

Đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho thấy, từ hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, nhiều trường mầm non trong huyện đã có sự thay đổi toàn diện về cảnh quan, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học; đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan nhà trường. Theo cô giáo Hà Thị Thanh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa, 100% trường mầm non trên địa bàn huyện đều được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ không ngừng được nâng lên. Các trường đã chú trọng hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ; tôn trọng sự khác biệt về đặc điểm, sở thích, thói quen của từng cá nhân trẻ; khích lệ trẻ phát huy khả năng tự lập, tự tin, sáng tạo, tư duy linh hoạt và khả năng phản biện; cá thể hóa hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Trong hoạt động này phải kể đến các đơn vị trường mầm non tiêu biểu như: Thiệu Tiến, Thiệu Nguyên, Thiệu Quang, Thiệu Trung... Đặc biệt, từ việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, nhiều trường học đã phát hiện những cá nhân điển hình trong làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí nhóm lớp, tạo môi trường thân thiện cho giáo viên và trẻ cùng tham gia các hoạt động giáo dục. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và thực hiện phong trào xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]