(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời tiết những ngày hè nắng nóng cao điểm, khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của những người lao động, công nhân, bệnh nhân... ở những xóm trọ vất vả, chật vật hơn.

Xóm trọ chật vật trong nắng nóng

Thời tiết những ngày hè nắng nóng cao điểm, khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của những người lao động, công nhân, bệnh nhân... ở những xóm trọ vất vả, chật vật hơn.

Xóm trọ chật vật trong nắng nóngCâu lạc bộ Thiện nguyện - Hiến máu Ngọc Lặc thăm hỏi những bệnh nhân ở các xóm chạy thận gần Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.

Nỗi niềm những người thuê trọ

Đ.V.H. và H.T.M. là vợ chồng trẻ quê ở huyện Thạch Thành, xuống TP Thanh Hóa đi học và đi làm. Nhà xa không thể đi về trong ngày nên hai vợ chồng phải thuê trọ lại đã hơn 2 năm nay. Khu vực mà H. và M. thuê trọ trong con ngõ nhỏ trên đường Đình Hương, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), gần Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa và Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga nên số lượng công nhân, sinh viên, người lao động thuê trọ rất đông. Với mức thu nhập ở mức trung bình và xác định ở tạm một thời gian nên H. và M. quyết định thuê phòng trọ giá rẻ. Khu trọ với những dãy nhà cấp 4 xây dựng đã lâu nên xuống cấp, mái lợp tôn và bờ-rô xi măng. Mỗi căn phòng khoảng 10m2, chỉ kê được một chiếc giường, tủ nhỏ. Mọi sinh hoạt nấu nướng, ăn uống đều ở trong phòng.

Đ.V.H. cho biết: Thời tiết nắng nóng, phòng không có điều hòa nên nóng hầm hập. Nếu mở cửa thì hơi nóng từ ngoài tràn vào, còn đóng cửa thì hơi nóng từ trần nhà dội xuống, cộng thêm hơi nóng từ chiếc tủ lạnh tỏa ra nên chật vật lắm chị ạ. Các em chỉ có cách chống nóng duy nhất là bê chậu nước đặt giữa phòng để có hơi nước. Những ngày mất điện thì hoặc là ra ngoài phố ngồi hoặc tìm một địa điểm quen biết nào đó để tránh nóng.

“Tiền nhà trước đây chỉ có 600.000 đồng thì nay chủ nhà tăng lên 1,1 triệu đồng/tháng. Điện, nước sinh hoạt dùng hết bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu nhưng giá cả do chủ nhà trọ quy định nên cao hơn so với giá của Nhà nước. Mặc dù khu trọ xuống cấp, chủ nhà trọ khó tính, nhưng an ninh ở đây đảm bảo và không muốn thay đổi địa điểm nên vợ chồng em vẫn chấp nhận thuê trọ. Bao giờ có con cái thì sẽ chuyển đến khu trọ tốt hơn”, H. chia sẻ.

Không chỉ riêng H. và M., mà hàng chục nghìn người có mức thu nhập trung bình, chưa có điều kiện mua nhà... đã và đang sống ở những khu trọ, xóm trọ với giá cả từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi phòng trọ chỉ rộng trên dưới 10m2, vì vậy dưới thời tiết nắng nóng, điều hòa không có càng trở nên chật vật hơn.

Theo nhiều lao động cho biết, hiện nay với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, trong thời buổi giá cả leo thang thì những chi phí như tiền thuê nhà, điện, nước... luôn là gánh nặng đối với những người đang phải thuê trọ.

Anh H.V.Đ. (quê ở Quảng Xương) đang làm việc ở TP Thanh Hóa, do chưa có điều kiện mua nhà nên hiện tại anh đang phải thuê trọ. Anh Đ. cho biết, hiện nay các khu trọ trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng phân chia theo mức thu nhập của người có nhu cầu thuê trọ. Đối với những người đi làm ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp, kinh doanh... chưa có điều kiện mua nhà nhưng mức thu nhập ổn định, họ sẽ lựa chọn các khu trọ có cơ sở vật chất tốt hơn, có điều hòa, phòng trọ khép kín. Còn lại với mức thu nhập trung bình của đối tượng công nhân, học sinh, sinh viên, người mới đi làm... thì hầu hết đều thuê ở các xóm trọ có mức giá phòng rẻ, không có điều hòa, thời tiết nắng nóng sẽ vất vả hơn, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ.

Ấm tình người ở xóm chạy thận

12 giờ trưa, thời tiết dưới cái nắng nóng 38 - 39 độ C, xóm trọ của gia đình bà Trịnh Thị Nhung, khu phố Lê Duẩn, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) im lìm. Chị Phạm Thanh Huyền, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện nguyện – Hiến máu Ngọc Lặc vừa mở cửa cổng nhà trọ như đã thân thuộc với nơi này, vừa nói với tôi: Khu trọ của gia đình bà Nhung hiện nay có 10 người đang thuê. Họ là những bệnh nhân điều trị ngoại trú tại khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Ngoài gia đình bà Nhung, ở gần khu vực bệnh viện cũng còn 2 – 3 gia đình xây dựng các phòng cho những bệnh nhân ngoại trú thuê trọ, họ hầu hết đều đang chạy thận nhân tạo trong bệnh viện. Cuộc sống vất vả lắm, nên câu lạc bộ thường xuyên kêu gọi các nhà tảo tâm chung tay giúp đỡ gạo, thực phẩm cho các bệnh nhân ở khu trọ.

Chị Huyền dẫn tôi vào thăm vợ chồng chị Lò Thị Tình và anh Hà Văn Yên, quê ở xã Thành Sơn (Bá Thước) đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 vừa đủ kê chiếc giường, chiếc tủ quần áo, phía trong là chiếc bàn nhỏ để làm nơi nấu ăn. Có lẽ do nóng nên anh Yên chỉ mặc chiếc quần đùi, cởi trần nằm dưới sàn nhà, khuôn mặt mệt mỏi, xanh xao. Chiếc quạt “con cóc” đặt giữa nhà. Căn phòng nóng hầm hập. Cả chủ lẫn khách mồ hôi nhễ nhại. Chị Tình ngại ngùng nói với mọi người rằng, dù nóng nhưng anh chị cũng chỉ dám dùng chiếc quạt có công suất bé và bật số nhỏ nhất để tiết kiệm điện. Chị Tình bị bệnh thận đã hơn 4 năm nay, còn anh Yên bị bệnh phổi, viêm khớp nên đi lại khó khăn. Một tuần chị Tình phải chạy thận 3 lần, một phần không đủ tiền để đi về, một phần vì mệt nên cũng không thể về nhà. Vì vậy, thời gian chị ở phòng trọ còn nhiều hơn ở nhà.

Cũng như chị Tình, chị Nông Thị Sinh, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) đang điều trị bệnh thận đã hơn 3 năm nay. Chị Sinh cho biết: Ở xóm trọ ai cũng khó khăn và bệnh tật nên xem nhau như người thân, có gì cũng chia sẻ với nhau. Chiếc tủ lạnh được Câu lạc bộ Thiện nguyện – Hiến máu Ngọc Lặc kêu gọi đem đến, thời gian đầu mọi người trong xóm trọ để chung đồ ăn cùng nhau. Sau một thời gian, vì tiết kiệm tiền điện cũng không ai dám dùng tủ lạnh. Nóng bức cũng đành chấp nhận, “tiền đâu mà mua điều hòa và nếu có điều hòa thì cũng không dám dùng vì không trả nổi tiền điện”.

Theo chị Sinh, bình quân mỗi người ở đây hết khoảng 600.000 đồng tiền nhà, tiền điện 50 - 100.000 đồng. Mặc dù đã có bảo hiểm y tế chi trả điều trị bệnh, nhưng trung bình hàng tháng chi phí cũng mất gần 2 triệu cho tiền nhà, tiền điện, ăn uống và thuốc thang, đi lại. Trong khi đó, họ đã không thể làm bất cứ việc gì, bởi bệnh tật.

Rời xóm trọ của gia đình bà Nhung, chúng tôi tìm đến xóm trọ của gia đình bà Lanh. Nơi đây cũng có nhiều bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Ở huyện xa xôi như Mường Lát, em Lương Thị On, bản Lách, em Hà Văn Trường, bản Cang, xã Mường Chanh cũng xuống đây để điều trị bệnh thận.

Bà Phạm Thị Thắng (sinh năm 1962), mẹ đẻ của Phạm Thị Hương, Phạm Văn Huy, quê xã Vân Am (Ngọc Lặc) rơm rớm nước mắt khi chúng tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Bà Thắng có 3 người con đều bị bệnh thận, người con đầu đã mất, chỉ còn Hương và Huy. Hương chống chọi với căn bệnh đã 10 năm nay, hiện tại không thể đi lại nên bà Thắng đành bỏ ruộng nương để lên chăm sóc con gái. Bà Lanh chủ nhà thấy thương hoàn cảnh nên đã bớt tiền nhà xuống còn 500.000 đồng/tháng.

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, để tiết kiệm điện, ga, bà Thắng tranh thủ chặt củi để nấu cơm nước. Căn bệnh ngày một nặng, nên Hương luôn cảm thấy nóng trong người. Không chỉ riêng Hương mà những bệnh nhân chạy thận đang phải thuê trọ, họ vừa chịu đựng thời tiết nắng nóng, vừa chống chọi với bệnh tật nên chỉ mong đợt nắng nóng sớm qua đi để xóm trọ nghèo bớt khổ.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]