(vhds.baothanhhoa.vn) - Những thiếu nữ vùng cao với cuộc sống nghèo khó, nhận thức xã hội và sự quan tâm của gia đình còn hạn chế đã dễ dàng bị dẫn dụ, sa vào cạm bẫy của những kẻ buôn người. Những lời kể muộn của các nạn nhân, những giọt nước mắt và cả những đứa trẻ không rõ mặt cha khiến chúng tôi không khỏi trăn trở!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xót xa những thiếu nữ vùng biên bị lừa bán sang Trung Quốc

Những thiếu nữ vùng cao với cuộc sống nghèo khó, nhận thức xã hội và sự quan tâm của gia đình còn hạn chế đã dễ dàng bị dẫn dụ, sa vào cạm bẫy của những kẻ buôn người. Những lời kể muộn của các nạn nhân, những giọt nước mắt và cả những đứa trẻ không rõ mặt cha khiến chúng tôi không khỏi trăn trở!

Những bản làng vùng biên nơi nhiều thiếu nữ vì nhẹ dạ, cả tin bị lừa bán sang Trung Quốc.

Cạm bẫy và nước mắt!

Nắng gắt ngày hè vùng biên, căn nhà 2 chị em gái H.T.T (SN 2000) và H.T.L (SN 2003), bản Xa Lao, xã Trung Lý, huyện Mường Lát nằm nép mình bên thảng đồi khô cằn, xơ xác. Cái nghèo khó của bản thuộc xã vùng biên biểu hiện rõ qua từng nóc nhà xám xịt. Sau tiếng gọi cửa, sự thuyết phục từ cán bộ thôn bản, gia đình và 2 em mới chịu tiếp chuyện kể về câu chuyện tí chút nữa đã bị bán sang Trung Quốc làm gái vào khoảng tháng 12/2018 cho chúng tôi nghe.

Gương mặt đượm buồn, nhưng có phần xinh đẹp so với những thiếu nữ bản làng khác, T. và L. với giọng run run kể lại hồi ức buồn của những ngày cuối năm ngoái. Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ một lần vào mạng xã hội Facebook, có một người tên Duyên vào kết bạn với T. Sau khi T. kể về hoàn cảnh gia đình, tâm sự mong muốn tìm kiếm việc làm cho thu nhập giúp đỡ bố mẹ, đối tượng Duyên đã ngỏ ý muốn giúp T. qua Trung Quốc làm nhân viên phục vụ quán karaoke, mức lương cao và công việc nhàn hạ. T. vui lắm, nhưng đâu biết đó là cạm bẫy của những kẻ buôn người. May thay, khi chiếc xe chở các nạn nhân (trong đó có 2 em T và L) đang di chuyển qua địa phận huyện Bá Thước thì lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ và giải cứu 2 em để bàn giao cho gia đình.

Chị em H.T.T (SN 2000) và H.T.L (SN 2003, bản Xa Lao, xã Trung Lý, huyện Mường Lát).

Trường hợp T. và L. hãy còn may mắn dù nó vẫn còn là ác mộng với 2 em mỗi khi đêm về. Với chị Hạng Thị C. (SN 1982, bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) thì sự trốn thoát trở về sau hơn 10 năm lưu lạc ở xứ người đã khiến cho chị gần như tàn tạ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Chị kể, thời điểm chị bị lừa bán năm 2008, khi chồng chị vương vào lao lý do tàng trữ ma túy. Cuộc sống của chị chìm trong đói nghèo, nợ nần cùng 2 đứa con nhỏ. Trong lúc túng quẫn, có 2 người lạ mặt đến rủ chị đi làm việc trên tỉnh Lào Cai lấy tiền gửi về nuôi con. Không chút đắn đo, chị C. để lại hai đứa nhỏ cho ông bà nuôi rồi lên đường theo người lạ. Đó là chuyến đi định mệnh khiến chị 10 năm bị lưu lạc xứ người, bị bán làm vợ cho một người đàn ông nghèo Trung Quốc.

Giờ đây, trong căn nhà tuềnh toàng nếu không muốn nói là rách nát, chị C. vẫn thấy vui và sung sướng hơn gấp trăm lần những tháng ngày địa ngục bên xứ người.

Con số báo động

Tìm hiểu từ cơ quan chức năng được biết, toàn huyện Mường Lát có hơn 74 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương, nghi lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong đó, xã Trung Lý nhiều nhất với khoảng gần 40 trường hợp, Mường Lý 24 trường hợp, còn lại rải rác ở Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi... Riêng tình trạng bị lừa bán sang Trung Quốc, nguyên nhân cơ bản được cho là xuất phát từ cuộc sống của người dân còn nghèo, nhận thức kém nên dễ bị dẫn dụ.

Điều tra của Công an huyện Mường Lát cho thấy, hiện nay có hai dạng đối tượng chính xâm nhập vào địa phương, gồm người Trung Quốc sang Việt Nam vào tận nhà người dân để hỏi lấy con gái làm vợ. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, thì chỉ có thể xua đuổi họ về nước. Trường hợp thứ 2, đối tượng người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lấy lý do về thăm thân (vì đa phần người Mông ở đây đều có nguồn gốc ở các tỉnh phía Bắc), đăng ký tạm trú rồi ở lại dụ dỗ, lôi kéo chị em, các cháu mới lớn đi làm ăn...

Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 200 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc có đăng ký kết hôn, hiện đang sinh sống tại Trung Quốc; hàng nghìn phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng, không làm thủ tục đăng ký kết hôn; gần 130 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, ép làm vợ bất hợp pháp... Ngoài ra, hàng năm trên địa bàn tỉnh còn phát hiện và xử lý từ 10 đến 15 vụ với trên 200 nạn nhân bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa đi nước ngoài trái phép.

Tính từ năm 2013 tới nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố 18 vụ, 28 bị can phạm tội “mua bán người”, tiến hành giải cứu gần 40 nạn nhân bị các đối tượng lừa bán. Tội phạm mua bán người tuy chỉ chiếm 0,15% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự, nhưng hậu quả của nó để lại là hết sức nặng nề.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]