(vhds.baothanhhoa.vn) - Bá Thước không chỉ có Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông (xã Thành Sơn) đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá của cộng đồng người Thái, mà còn có một địa danh mang tên Ấm Hiêu (Bản Hiêu) với không gian văn hoá Thái đậm đà, cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng, những mái nhà sàn ẩn hiện giữa lưng chừng núi yên bình và dòng thác Hiêu đẹp dịu hiền quanh năm nước chảy rì rào....

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Bá Thước không chỉ có Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông (xã Thành Sơn) đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá của cộng đồng người Thái, mà còn có một địa danh mang tên Ấm Hiêu (Bản Hiêu) với không gian văn hoá Thái đậm đà, cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng, những mái nhà sàn ẩn hiện giữa lưng chừng núi yên bình và dòng thác Hiêu đẹp dịu hiền quanh năm nước chảy rì rào....

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Những nếp nhà sàn bên dòng suối Hiêu thơ mộng vẫn còn nguyên sơ.

Bản Ấm Hiêu còn có tên gọi là bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng. Trong lúc tìm hiểu thông tin về du lịch huyện Bá Thước, tôi đã được xem những clip về bản du lịch này trên mạng và bị cuốn hút bởi những hình ảnh đầu tiên.

Tôi tự nhủ với bản thân rằng sẽ đến tận nơi để hít hà không khí trong lành, cảm nhận hương thơm của cỏ cây nơi đây, rồi bỏ giày ra mà đi bộ trên nương rẫy, lắng nghe tiếng nước rì rào của thác Hiêu, đắm mình trong không gian văn hoá nơi đây.

Dự định của tôi là kết hợp đi cả bản Lặn (xã Lũng Niêm) và bản Ấm Hiêu, nhưng di chuyển đường bộ ở miền núi mất rất nhiều thời gian. Tôi quyết định cùng với đoàn hoạ sĩ của Hội VHNT Thanh Hoá giành 2 ngày để khám phá cho thoả thích địa danh này.

Bản Ấm Hiêu yên bình, giản dị và trong lành. Những nếp nhà sàn có trẻ nhỏ tung tăng vui đùa, có người già và thiếu nữ bên thổ cầm đang ủ những choé rượu cần, những người đàn ông thì bận bịu với ruộng nương, ở góc sân có nhiều hoa nở, còn mảnh vườn thì rau xanh tốt tươi, có ao thả cá, có ruộng ngô, lúa bậc thang, đặc biệt ở đây có thác nước lớn uốn lượn hiền hoà, rì rào quanh năm.

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Ấm Hiêu yên bình và trong lành.

Nơi đây chủ yếu là người Thái định cư với khoảng hơn 100 hộ sinh sống rải rác, có khu chỉ khoảng hơn 10 hộ. Du lịch cộng đồng được manh nha phát triển từ khoảng năm 2010, đến năm 2015 phát triển ồ ạt nhưng tới nay cũng chỉ khoảng 13 hộ gia đình còn kinh doanh. Hầu hết người dân vẫn sống bằng trồng trọt, chăn nuôi và nương rẫy.

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Đây là địa danh phát triển du lịch cồng đồng rất tốt, là nơi giới nghệ sĩ thường lui tới để tìm cảm hứng sáng tác.

Dạo chơi ở Ấm Hiêu, cách phổ biến nhất là đi bộ trên con đường dốc ngoằn nghèo theo lối mòn nối các khu nhà trong bản. Nơi chúng tôi lưu trú là nhóm nhà ở giữa lưng chừng đồi cách chỗ để xe ô tô khoảng 300 m đi bộ. Muốn đến một khu có người dân định cư khác trong bản để tham quan thì phải vượt qua con đường đất dốc đá lởm chởm hàng km.

Chinh phục cung đường bộ này rất thú vị, lồng ngực bạn như nở ra và hít trọn bầu không khí vùng núi trong lành này. Lên tới một điểm cao, cả khung cảnh bao la sẽ được thu vào tầm mắt. Nơi đấy có gió, tiếng chim hót, muôn sắc màu và đủ mùi hương của cỏ cây hoa lá, xa xa ẩn hiện gợn khói bếp nhà ai lững lờ lưng chừng những ngọn núi màu lam.

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Dạo chơi ở Ấm Hiêu, cách phổ biến nhất là đi bộ trên đường đất.

Ẩn mình uyển chuyển, hiền hoà dưới tán rừng ở Ấm Hiêu là thác Hiêu với vẻ đẹp của cảnh quan, rồi âm thanh và những dã sử huyền tích về nó. Dòng thác mang trong mình một câu chuyện cổ ngàn xưa huyền ảo. Chuyện kể rằng có chàng trai bản Leo họ Kha Lắc đến Bản Đốc tìm vợ. Nhà chàng đã nghèo, nhà vợ còn nghèo hơn. Vượt đường xa dặm dài chàng mải miết đi, khi mệt mới dừng lại. Nơi chàng dừng chân là nơi con suối có con cá tung tăng bơi lội, có con ốc nhẩn nha kiếm mồi. Đất đai bằng phẳng cỏ cây xanh tốt. Chàng trồng cây ớt thấy ớt cay, trồng cây cải thấy cải ngọt. Chàng cho rằng đất này thuận nghiệp, phát nghề. Chàng thuyết phục vợ cùng đi vào rừng, cùng phát nương mở rẫy, bắt con ốc về làm thức ăn, hái lá rừng làm rau, đào hái củ quả để sinh hoạt. Chàng thuyết phục cha mẹ vợ cho ở riêng và nhắm nơi có con suối để làm nhà. Ngày cha mẹ cùng dân bản đến mừng nhà mới cũng là ngày có đàn hươu về suối uống nước. Thấy lạ cũng không ai dám bắn, cha vợ cho là nhân duyên nên đặt là suối Hươu để nhớ. Dần dà tên Hươu được lái âm thành suối Hiêu cho đến ngày nay.

Ấm Hiêu bình yên bên thác rì rào

Thác Hiêu đẹp dịu hiền.

Thác Hiêu chảy nhẹ nhàng, đẹp thơ mộng rì rào chứ không ồn ào hung dữ, dưới dòng nước mát trong vắt ấy chúng ta có thể thoả thích đùa vui mà không lo trượt ngã như có sự chở che của dòng suối bởi lớp đá vôi được kết tủa màu trắng đục không rêu phong. Mực nước thì ổn định 4 mùa. Chính sự hiền hoà và gần gũi của dòng suối Hiêu mà bao đời nay người dân nơi đây đã định cư dọc triền đôi bờ. Đêm đến, trong tĩnh lặng, tiếng thác rì rào vọng lên êm đềm như thủ thỉ đưa người chìm vào giấc ngủ say sâu.

Đến với Ấm Hiêu, bạn sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người Thái như xôi ngũ sắc, măng chua, rau chuối, hoa đu đủ rừng, cá dốc, gà đồi, lợn cắp nách và đặc biệt có món đặc sản lừng danh không thể thiếu đó là “vịt Cổ Lũng”.

Ngoài ra, còn được hưởng những bài ca của núi rừng, những điệu múa, bước nhảy sạp cùng với men rượu cần bên lửa trại bập bùng đậm đà bản sắc của những chàng trai, cô gái bản Thái.

Anh Hà Văn Lý 34 tuổi - một trong những người đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ấm Hiêu cho biết: “2 năm trở lại đây do dịch COVID-19 việc kinh doanh rất khó khăn, khách đến chỉ rải rác thậm chí không có khách. Trước đây gia đình anh đón đến 20 ngày khách mỗi tháng. Hằng năm, chính quyền mở các lớp tập huấn về nấu ăn, phục vụ, giao tiếp với khách. Người dân còn sang tỉnh Hoà Bình học tập kinh nghiệm để về phát triển du lịch. Tuy nhiên, còn nhiều thứ đáng lo ngại như giao thông chưa thuận lợi; một số nếp nhà sàn làm khu lưu trú có hiện tượng hiện đại hoá; chưa phục hồi và xây dựng được nghề truyền thống và các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của vùng”...

Trước khi đến Ấm Hiêu, mọi hướng dẫn đều gợi ý thời gian chỉ cần khoảng hơn nửa ngày là khám phá hết mọi ngõ ngách, nhưng khi đến đây rồi mới thấy 3 ngày là chưa đủ.

Nhất định tôi sẽ quay lại để ngắm vẻ đẹp của hoàng hôn và bình minh đẹp đến mê hồn ở nơi đây.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]