(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã Hoàng Giang (Nông Cống) là mảnh đất đã sinh ra 11 vị tiến sĩ thuộc 3 dòng họ trong số 1.307 vị tiến sĩ của 82 khoa thi từ năm 1442 đến 1779 của cả nước. Tại đây, có dòng họ Lê Sỹ, 3 đời đỗ đạt tiến sĩ.

Ba ông tiến sĩ họ Lê rạng danh đất Hoàng Giang

Xã Hoàng Giang (Nông Cống) là mảnh đất đã sinh ra 11 vị tiến sĩ thuộc 3 dòng họ trong số 1.307 vị tiến sĩ của 82 khoa thi từ năm 1442 đến 1779 của cả nước. Tại đây, có dòng họ Lê Sỹ, 3 đời đỗ đạt tiến sĩ.

Ba ông tiến sĩ họ Lê rạng danh đất Hoàng GiangNhà thờ 3 đời tiến sĩ họ Lê đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1994.

Theo nhiều tài liệu thư tịch cổ và một số tài liệu văn hóa dân gian, vùng đất Nông Cống ngày nay, xưa thuộc bộ Cửu Chân của nước Văn Lang. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến nay dấu vết của các làng cổ ở Nông Cống đã không còn nhưng âm vang của nó vẫn lưu truyền trong những câu chuyện truyền văn, những cuốn gia phả, những công trình tín ngưỡng, văn hóa trong các làng.

Trong quá trình hình thành làng xã ở Nông Cống, không thể không kể đến đất Hoàng Giang với những con người đã lưu danh tên tuổi. Về xã Hoàng Giang, làng nào cũng có vài ba nhà thờ họ. Các họ nhỏ, nhà trưởng họ là nơi thờ họ; các dòng họ lớn thường xây nhà thờ riêng.

Với người dân làng Phu Huệ, niềm tự hào nhất của họ là truyền thống hiếu học. Bởi thế, khi nhà có khách, người ta sẽ đưa đến Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ tiến sĩ 3 đời họ Lê (được công nhận năm 1994) để tự hào giới thiệu về một trong số ít dòng họ có nhiều người đỗ đạt ở xã Hoàng Giang nói riêng và Nông Cống nói chung.

Trước đây, các danh sĩ Bắc Hà thường truyền tụng: “Kinh Bắc Nguyễn Gia, Thanh Hoa Lê Xác” để nói về dòng họ Nguyễn Gia Thiều, Lê Chính Xác. Ngay tại đất Nông Cống những câu ca vẫn được hậu thế nhớ tới, như: “Võng lọng Cổ Định, Cổ Đôi” hoặc “Ông nghè, ông cống Cổ Định, Cổ Đôi/ Học hành lôi thôi làng Mưng, làng Cáo”. Là vùng đất học, lại có nhiều vị đỗ đại khoa nên văn chỉ huyện Nông Cống đã được xây dựng tại xã Hoàng Giang.

Nhắc đến dòng họ Lê Sỹ, người đầu tiên cần phải vinh danh là Lê Chính Xác. Với nhiều công lao đóng góp cho triều đình nhà Lê, ông được vua Lê phong tặng “Kiệt tiết tuyên lực công thần”. Ông là người đầu tiên của dòng họ Lê Sỹ thi tam trường, đỗ phó bảng, mở đầu cho một dòng họ khoa bảng nổi danh. Năm 1565, con cả của cụ Lê Chính Xác là Lê Nghĩa Trạch, khi mới 30 tuổi thi hội đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa, khoa thi năm Ất Sửu, đời vua Lê Anh tông, làm Lại bộ tả thị lang, khi mất được truy tặng Binh bộ thượng thư, tước quận công. Ông cùng cha mình là Lê Chính Xác cùng làm việc trong triều. Ấy thế mới có câu: “Phụ tử đồng triều phu cộng khánh/ Quân thần tương hội ích hoằng công”.

Đến năm 1640, cháu ruột của cụ Lê Nghĩa Trạch là Lê Nhân Triệt, đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi, khoa thi Canh Thìn, đời vua Lê Thần tông. Ông giữ chức Hình bộ tả thị lang, khi mất được tặng tước hầu. Năm 1680, Lê Sỹ Cẩn là con cả của cụ Lê Nhân Triệt, đã đỗ tiến sĩ năm 38 tuổi, khoa Canh Thìn, đời vua Lê Hy tông, làm Tham chính, thăng chức Tự Khanh, tước Nam.

Ba ông tiến sĩ họ Lê rạng danh đất Hoàng GiangVăn bia ghi chép công lao, danh thứ người đỗ đạt của dòng họ Lê Sỹ do tiến sĩ Lê Sỹ Cẩn, con cả của cụ Lê Nhân Triệt soạn khắc.

Với truyền thống nối tiếp nhau đỗ đạt tiến sĩ, có nhiều công lao to lớn trong bảo vệ giang sơn và chấn hưng đất nước, để ghi nhớ công ơn của một dòng họ đại khoa, năm 1680 vua Lê Thần tông ban câu đối thêu trên gấm: “Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt/ Công hầu một họ ánh trời Nam”.

Bước vào khuôn viên nhà thờ 3 đời tiến sĩ ở thôn Phu Huệ của xã Hoàng Giang, ngay phía trái là văn bia ghi chép về công lao, về danh thứ người đỗ đạt, về phả hệ nhà họ Lê làm quan nhiều đời ở xã Cổ Đôi, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia (nay là xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống). Văn bia do tiến sĩ Lê Sỹ Cẩn, con cả của cụ Lê Nhân Triệt soạn.

Có thể nói không chỉ có dòng họ Lê Sỹ, các dòng họ ở làng Phu Huệ đều có truyền thống hiếu học. Vì thế hương ước của làng ghi cụ thể từng mục: Đến khoa thi, làng lập ra nhà học trên “Vườn ký thi”. Nhà học chia làm nhiều gian, mỗi gian dành cho một thí sinh đến luyện tập văn bài, cách ly công việc gia đình, vợ con để chuyên tâm cho việc ôn luyện thi. Đi thi hương làng cấp tiền lộ phí, nếu “nhất cử thành danh”, đỗ kỳ thi hương làng thưởng 3 quan tiền, một vò rượu để làm lễ cúng gia tiên. Nếu đỗ đại khoa khi vinh quy, khao vọng thì ngoài việc đón rước, làng còn tổ chức phục vụ như làm đường, dựng rạp, làm cỗ...

Việc lập bia ghi thành tích học tập, đỗ đạt phẩm tước và những đóng góp của người đỗ đạt nhằm làm gương cho con cháu noi theo.

Tự hào với mảnh đất địa linh nhân kiệt, người Hoàng Giang dù ở lại quê nhà hay công tác nơi xa, ở đâu, nơi đâu cũng có nhiều người thành đạt. Cứ vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, không chỉ con cháu dòng họ Lê Sỹ mà tất cả người dân Hoàng Giang lại trở về bên nhà thờ tiến sĩ 3 đời để dự lễ dâng hương truyền thống, sau đó ra mộ cụ Lê Nhân Triệt để thắp hương, cầu nguyện những điều may mắn, học hành đỗ đạt tiếp nối truyền thống của ông cha để lại.

Ông Lê Khắc Vương, Bí thư chi bộ thôn Phu Huệ cho biết: “Chúng tôi tự hào vì đây là mảnh đất đã sinh ra nhiều nhân tài. Đó là động lực để cho các gia đình quan tâm đến sự học của con em mình. Ở Hoàng Giang này, từng gia đình, từng cá nhân đều nhận thức rất rõ về việc học hành”. Vừa thắp nén hương lên bàn thờ các vị tiền bối, ông Lê Sỹ Lai cho biết: Một thời gian dài, nhà thờ họ Lê Sỹ chúng tôi bị hư hỏng xuống cấp. Đến năm 2018, cùng với các ban ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương… con cháu trong dòng họ đã tu bổ, tôn tạo và xây lại một số hạng mục trong nhà thờ này để có nơi phụng thờ, công đức tri ân các bậc tổ tiên, tiền bối, đã góp phần cho quốc thái dân an, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Phu Huệ ngày hôm nay đã đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân, đông đảo bà con trong thôn đồng tình ủng hộ, vì thế chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành các tiêu chí thôn kiểu mẫu. Hàng chục hộ trên tổng số 162 hộ trong thôn đã hiến đất mở đường, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng vườn mẫu, từng con đường trong thôn đã có biển tên, không chỉ sạch đẹp mà còn khang trang.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]