(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh là vùng đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa. Nếu như sông Hồng mở ra nền văn minh của dân tộc Việt ở phía Bắc, thì sông Mã quê Thanh với dòng chảy bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hóa Đông Sơn - đồ đồng, góp phần làm cho văn hóa Việt phát triển rực rỡ.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thanh Hóa

Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh là vùng đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa. Nếu như sông Hồng mở ra nền văn minh của dân tộc Việt ở phía Bắc, thì sông Mã quê Thanh với dòng chảy bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hóa Đông Sơn - đồ đồng, góp phần làm cho văn hóa Việt phát triển rực rỡ.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thanh HóaThiếu nữ dân tộc Thái trong ngày hội. Ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)

Theo GS Trần Quốc Vượng: “Xứ Thanh là vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam”. Xứ Thanh miền đất gợi về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, một miền văn hóa nguồn cội. Lịch sử đã chọn xứ Thanh ở vào vị trí khá “đặc biệt” của đất nước. Là điểm cuối của Bắc bộ và đầu Trung bộ lại còn là vùng Tây Bắc nối dài, có rừng, có đồng bằng, có biển và những doi cát chạy dài theo bờ sóng. Ở vào vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế, chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất này sự giao lưu, tiếp nhận và ảnh hưởng với các nền văn hóa khu vực và quốc tế. Chứng cứ qua các đợt khảo cổ khai quật và những di vật phát hiện được từ trong lòng đất, lòng biển, bia ký cho chúng ta biết văn hóa: Ấn - Hoa - Chăm... đã từng xuất hiện và hòa nhập với văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Tuy vậy yếu tố văn hóa ngoại nhập không làm cho văn hóa bản địa bị biến dạng mà mang tính trội, qua giao lưu văn hóa bản địa du nhập thêm những yếu tố mới phù hợp với tâm hồn, tình cảm con người nơi đây.

Có thể nói xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu lại đến ngày nay một cách đậm nét. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ bắt gặp cây Thần như cây Si trong mo Đẻ đất, đẻ nước của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông Bưng, ông Lau, ông Vồm, ụng Nưa... đội đá vá trời, khai sinh ra sông ngòi, ruộng đồng tươi tốt của người Việt, đó là ông Thu Tha bà Thu Thiên của người Mường, ải Lậc Cậc, Khăm Panh... của người Thái lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống... Qua quá trình lao động, người dân xứ Thanh đã đúc rút và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, được họ ghi nhớ và trao truyền cho các thế hệ mai sau bằng những câu tục ngữ, thành ngữ cô đọng: “Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời có lúc thương nhau trở lại...”.

Vốn tri thức dân gian, kinh nghiệm trong cách ứng xử, quan hệ không chỉ đối với con người với nhau mà giữa con người với thiên nhiên cũng được đồng bào các dân tộc rất coi trọng: “Biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha.../ Sống rừng nuôi, chết rừng chôn...”.

Dân gian còn tích lũy và truyền dạy về các tri thức chữa trị các chứng bệnh bằng cây thuốc cỏ, thuốc dấu, cách phòng trị bệnh theo mùa.

Sông Mã, sông Chu không chỉ mang lại dòng nước mát lành và sa bồi tươi tốt cho những ruộng lúa, nương ngô mà trên dòng sông ấy đã ngân vang những câu ca thiết tha đằm thắm, chứa chan sâu nặng nghĩa tình về tình người và đất. Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông soi hình bóng núi có vốn tri thức văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: Khặp (Thái), Pả dung (Dao), hát Gầu (Mông), hát Tơm (Khơ Mú), Xường, Đang (Mường)... là lời ca phản ánh điệu hồn của họ với nhiều cung bậc tình cảm thiết tha mà đằm thắm: “Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn còn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám không bán lấy lúa, lấy tiền/ Ai vừa tinh vừa duyên thì cùng vào hát”. Người Việt với nhiều làn điệu dân ca phong phú và đặc sắc như: hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru... ở miền quê nào cũng có. Sông Mã không chỉ chảy qua địa phận Thanh Hóa, song không ở đâu lại có điệu hò sông Mã với “Câu hò ướt đẫm mồ hôi/ Bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền”, diễn tả tình cảm của người dân lao động, những đôi lứa yêu nhau sâu nặng nghĩa tình.

Cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ ở xứ Thanh cũng không kém phần phong phú và đặc sắc. Nói đến trò diễn người Kinh phải kể đến: múa đèn (Đông Anh, Thiệu Quang), trò Xuân Phả, trò Chiềng, trò Tiên Cuội, trò Chuộc (múa rối), trò ngũ Bôn, trò Thủy, trò Thiếp...; đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, trò diễn Kin chiêng boọc mạy; đồng bào Mường có múa Pồn Pôông; người Dao có múa rùa, múa bát; người Mông có múa Ô, múa Khèn, người Thổ có múa giã cốm..., các trò diễn là cơ sở để hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu bác học sau này. Chính chèo và hát bội đều bắt nguồn từ tục chèo thờ làng Mưng, hát bội làng Quỳ Chử, Tòng Tân, Se thôn (làng Se)...

Âm nhạc dân gian của đồng bào xứ Thanh chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm: Đồng bào Mường có âm nhạc cồng chiêng, đàn đỉnh; người Thái có khua luống, trống chiêng, khèn bè, sáo ôi, pi é, pi mốt; người Mông có kèn lá, kèn môi, khèn; người Kinh sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dây, gõ, hơi... diễn tả các cung bậc tình cảm phong phú.

Về văn hóa tín ngưỡng, xứ Thanh gần như hội đủ các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa cũng như ngoại nhập. Tiêu biểu là tục thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ thành hoàng, thờ đá, thờ cây, thờ mẫu... khá rõ nét. Đặc biệt nơi đây có các tôn giáo tín ngưỡng độc đáo như: tục thờ thần Núi, thờ Mẫu Liễu Hạnh, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Thần Độc Cước với nhiều điểm thờ. Không nơi đâu như xứ Thanh lại xuất hiện Nội đạo An Đông được vua Lê, chúa Trịnh phong là nội đạo chính tông.

Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực... gắn với các nhân vật được thờ phụng, qua đó giúp cho Nhân dân nhận thức về tầm vóc kỳ vĩ của những người anh hùng có tên và không tên, chính họ đã làm nên và tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc trên đất xứ Thanh.

Những năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Trung ương và của tỉnh, các dự án và công trình nghiên cứu văn hóa như: Tục hát chèo thờ làng Mưng, hò sông Mã, dân ca Đông Anh, múa Xuân Phả, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Lam Kinh... của người Kinh; trò diễn Pồn Pôông, những bài ca trong đám cưới, dân ca, tục ngữ, trò diễn của người Mường; lễ hội Nàng Han, lễ hội Mường Xia, Căm Mương, trò diễn Kin chiêng boọc mạy của người Thái, lễ tục trong đám cưới, đám ma của người Mông, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Đình Thi của người Thổ... đã được nghiên cứu, in thành sách, ghi hình ảnh và dựng thành phim để lưu giữ, giới thiệu và phổ biến sâu rộng trong Nhân dân. Các ngày hội văn hóa dân tộc, Hương sắc vùng cao và Liên hoan văn nghệ, hội diễn, tổ chức “Làng vui chơi, làng ca hát” khôi phục và phát huy được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc trong quần chúng Nhân dân, huy động sự tham gia và truyền nghề của các nghệ nhân dân gian.

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trên quê hương tỉnh Thanh càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Những giá trị văn hóa đặc sắc trải qua hàng nghìn năm đã góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật cường, thấm đẫm tính nhân văn, giàu đức hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự trường tồn của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hôm nay và mai sau.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]