Bên khung dệt mùa xuân
Trong kho tàng di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ lâu đời. Từ trang phục sặc sỡ sắc màu điểm xuyết bởi những hoa văn được dệt thủ công đến chiếc khăn đội đầu, chiếc túi đeo hông... Mỗi sản phẩm đều “lắng đọng” nét đẹp truyền thống, mang theo niềm tự hào và cả những trăn trở của người làm nghề.
Hơn 20 năm qua, chị Hà Thị Dung vẫn luôn trăn trở với việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Một ngày tháng 3, tôi ghé thăm làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy). Sau khi chơi suối cá, tôi theo chân người người dẫn đường tham quan ngôi làng cổ của người Mường và dừng chân ở nhà văn hóa - nhà sàn truyền thống của làng. Đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ nên các bà, các mẹ, chị em trong thôn tập trung về nhà văn hóa tổ chức tọa đàm. Bên cạnh trang phục áo dài là sắc phục truyền thống của người Mường. Trông ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Dưới nếp nhà sàn, họ gặp gỡ và kể nhau nghe chuyện bản làng.
Bà Én, người dân tộc Mường ở làng Lương Ngọc cho biết: “Trước đây ở Lương Ngọc hầu như nhà nào cũng có khung dệt thổ cẩm và con gái Mường từ khi còn nhỏ đã được bà, mẹ truyền dạy nghề. Cuộc sống phát triển, những khung dệt thổ cẩm ở làng Lương Ngọc ngày càng ít đi... Nhưng không có loại quần áo thời trang hiện đại và đắt tiền nào có thể thay thế được trang phục truyền thống. Với phụ nữ Mường, trong những dịp lễ, tết, ngày trọng đại của gia đình, hội vui của bản làng, thì không thể thiếu sắc phục thổ cẩm. Có những chiếc váy Mường theo người phụ nữ nơi đây từ thuở mới về nhà chồng cho đến khi tóc điểm bạc vẫn còn được giữ cẩn thận”.
Tôi chợt nhớ đến người bạn học cùng đại học của mình. Bạn quê ở huyện Ngọc Lặc và cũng là một cô gái Mường xinh đẹp. Ngày bạn về nhà chồng, cùng với những chiếc váy Mường xinh xắn còn mang theo những bộ chăn, gối, đệm ngồi... mới tinh về nhà chồng. Hỏi ra mới biết, đó đều là quà bạn chuẩn bị để tặng cho ông bà, bố mẹ bên nhà chồng theo phong tục truyền thống. Đáng nói, tất cả đều là những sản phẩm thổ cẩm được làm thủ công.
Thì ra thuở trước, mỗi cô gái Mường quê bạn trước khi về nhà chồng cũng đều tự tay dệt nên những món quà trân quý dành tặng gia đình nhà chồng. Vừa là bày tỏ tấm lòng, cũng là cách thể hiện sự khéo léo của bản thân. Tùy vào đối tượng được tặng quà để có cách lựa chọn món đồ với màu sắc, hoa văn khác nhau... Ngày nay, mỹ tục tặng quà vẫn được người dân quê bạn gìn giữ.
Trong số các dân tộc anh em cùng nhau sinh sống trên vùng đất xứ Thanh, đồng bào dân tộc Thái, Mường chiếm số đông hơn cả, chỉ sau người Kinh. Và trong cộng đồng người Thái, Mường ở hầu hết các địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ. Viết về nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Trịnh Vạn (thuộc huyện Thường Xuân), theo tác giả Hoàng Bá Tường trong sách Về miền du lịch xứ Thanh: “Trước khi dệt vải thổ cẩm, người thợ phải dùng những nguyên liệu do họ tự tay trồng dâu, nuôi tằm và cây bông cỏ. Thiếu nữ Thái ngoài lao động giỏi, chăm chỉ ruộng nương phải biết kéo sợi, dệt vải. Họ biết tìm cây tô mộc (cây phang) làm màu đỏ, cây chàm làm màu xanh và đen..., làm “chua” bằng nước lá trầu, nước chanh cùng lá các loại cây có chất keo làm bền sợi sau đó mới đem nhuộm màu. Tùy vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác. Thổ cẩm có màu xanh của cây lá, màu trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời”.
Và cũng theo nhà nghiên cứu Hoàng Bá Tường, những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn, sự kỳ công, tỉ mỉ, kiên trì, sự tinh tế trong từng cử chỉ, thao tác của người phụ nữ Thái. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm... Để dệt được cạp váy, khăn, áo có chất lượng tốt, thời gian được tính bằng “mùa trăng”. Bằng vải, sợi, chỉ nhiều màu sắc, những bộ trang phục cũng như các vật dụng làm từ thổ cẩm có các mô típ hoa văn hình tam giác, hình vuông, hình thoi, hình xương cá. Thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, sử dụng trong tang lễ và một phần để trao đổi.
Còn với bà Vi Thị Giáo - người dân tộc Thái ở thôn Mó 1, xã Cán Khê (Như Thanh), suốt nhiều năm qua bà là “nghệ nhân” dệt thổ cẩm có tiếng trong vùng. Để dệt nên những chiếc váy ưng ý, bà có thể cần mẫn ngồi từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Đã có những chiếc váy bà phải mất đến cả tháng trời mới có thể dệt xong. Dĩ nhiên, những sản phẩm thổ cẩm kỳ công và tinh xảo được dệt nên bởi đôi tay tài hoa của bà Giáo luôn được chị em phụ nữ trong vùng đặc biệt yêu thích.
Trong ngày xuân về, khi việc đồng áng đã xong xuôi, bà lại cần mẫn bên khung dệt dưới mái hiên. Đôi tay thoăn thoắt với những bó sợi dệt đủ màu sắc.
“Nghề dệt thổ cẩm khi xưa chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình. Bây giờ thì còn làm cho các cháu trong thôn, làng... Có những chiếc váy thổ cẩm bán được hơn 1 triệu đồng, nhưng để hoàn thành phải mất cả tháng, tính ra tiền công mỗi ngày không được bao nhiêu. Dù vậy vẫn làm. Làm để giữ lấy nghề ông cha. Vui nhất là sản phẩm thổ cẩm của mình được nhiều người yêu thích, làm đến đâu bán hết đến đó"... Vừa trò chuyện, bà Giáo vừa thoăn thoắt đôi tay say mê bên khung dệt, ánh mắt lấp lánh niềm vui với nghề.
Nói về nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, chị Hà Thị Dung - người dân tộc Thái ở Phố Đoàn, xã Lũng Niêm (Bá Thước) cũng là một trong những thợ dệt - may có tiếng trong vùng. Cơ sở sản xuất, dệt may thổ cẩm của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trên địa bàn xã với thu nhập ổn định.
“Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu vật chất của người dân mỗi ngày được nâng lên. Vì thế mà sản phẩm dệt thổ cẩm cũng đa dạng, phong phú hơn với nhiều mẫu mã, giá cả từ vài chục nghìn đến tiền triệu để người mua có thể lựa chọn. Giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, trong đó những sản phẩm được làm từ tơ tằm, nhuộm màu tự nhiên thường có giá cao hơn, nhưng đổi lại chất lượng rất tốt”, chị Hà Thị Dung cho biết.
Về những khó khăn của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị Dung chia sẻ thêm: “Thông thường để dệt xong một chiếc váy thổ cẩm thì người thợ lành nghề làm nhanh cũng mất 3, 4 ngày. Còn với những sản phẩm yêu cầu hoa văn tinh xảo, chất lượng cao hơn thì mất cả tuần, thậm chí cả tháng... Hoa văn thêu trên cạp váy thường là cỏ cây hoa lá hay muông thú như hươu, nai, khỉ, cá... và đặc biệt là hình rồng. Tất cả đều làm thủ công, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, sản phẩm dệt thổ cẩm những năm qua còn phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, dù có khó khăn thế nào thì cũng phải làm, cố gắng phát triển để không mất nghề truyền thống"...
Trong những ngày xuân ấm áp, ngược ngàn về với bản làng và lễ hội nơi miền thượng du xứ Thanh, ta dễ dàng bắt gặp những cư dân xúng xính trong sắc phục thổ cẩm dân tộc say sưa nhảy múa, hát ca... Hình ảnh ấy không chỉ đẹp mà còn là sự khẳng định trang phục truyền thống là một phần bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đã, đang và cần được giữ gìn.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-03-30 14:27:00
Dạy con về tài chính: Việc chưa bao giờ là quá muộn
Bản sắc lễ hội
“Mặt chuột” HAY “Mạch chuột”?
Nét đẹp văn hóa làng
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X
Lễ Trao giải Cống hiến Lần thứ 18 năm 2024: Hứa hẹn một đêm nghệ thuật độc đáo
Nguyên lý thường nhật - Những điều cốt lõi về bản chất người
Đình Trà Cổ - Dấu ấn xứ Thanh trên đất Quảng Ninh
Chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng cho Lễ hội Đền Phố Cát 2024
Lại nói về câu “Tai vách mạch dừng"