(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng (BVR), những năm qua ngành chức năng, các đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn BVR với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa (NN&PTNT); Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Sở NN&PTNT); Nguyễn Văn Cử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) về nội dung trên.

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng (BVR), những năm qua ngành chức năng, các đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn BVR với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa (NN&PTNT); Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Sở NN&PTNT); Nguyễn Văn Cử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) về nội dung trên.

Ông Lê Đức Thuận: Thanh Hóa có tiềm năng du lịch sinh thái lớn

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

PV: Đề nghị ông cho biết tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch sinh thái của Thanh Hóa?

Ông Lê Đức Thuận: Là địa phương có diện tích rừng lớn, có 2 vườn quốc gia, 4 khu BTTN, 6 khu rừng đặc dụng văn hóa, lịch sử, cảnh quan, bảo tồn loài... nguồn tài nguyên rừng quý giá, hệ động, thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, kỳ vĩ, nhiều nơi còn lưu giữ những cánh rừng còn giàu tài nguyên gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc, được trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc với các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo riêng biệt... Đây là tiềm năng, thế mạnh lớn để khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 30 khu du lịch sinh thái, nhiều mô hình đã khai thác thế mạnh, thu hút đông đảo du khách.

PV: Ngành chức năng đã có những giải pháp nào để phát huy thế mạnh trên, thưa ông?

Ông Lê Đức Thuận: Trong những năm qua, du lịch sinh thái đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan, góp phần vào tăng giá trị đa dụng của rừng, BVR, bảo vệ đa dạng sinh học, chuyển đổi ngành nghề cho người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng địa phương tăng thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững. Để du lịch sinh thái phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, BVR, tỉnh đang hoàn thiện chính sách quản lý, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh. Kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, BTTN, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Tăng cường phối hợp giữa sở, ban, ngành, doanh nghiệp hoạt động du lịch, chủ rừng với cộng đồng địa phương. Đổi mới cơ chế, chính sách, phối hợp đồng bộ có tính định hướng, quy hoạch, đảm bảo phù hợp giữa các ngành có liên quan. Thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng, nâng cao sinh kế cho người dân. Phát triển chiến lược quảng bá, tiếp thị giới thiệu và phản hồi về công tác quản lý, BVR, tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học... nhằm thu hút du khách.

Ông Phạm Anh Tám: Phát triển du lịch sinh thái là chủ trương, hướng đi bền vững đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

PV: Xin ông cho biết những lợi thế và khó khăn trong việc phát triển du lịch sinh thái tại Khu BTTN Xuân Liên?

Ông Phạm Anh Tám: Khu BTTN Xuân Liên là khu vực chuyển tiếp giữa 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ nên có tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó có trên 5.000ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ thụ hàng ngàn năm tuổi cần được bảo vệ và bảo tồn phát triển nguồn gen. Rừng đặc dụng Xuân Liên hiện ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao, có 56 loài thực vật quý hiếm. Hệ động vật đã ghi nhận tổng số 1.811 loài động vật hoang dã, có 94 loài động vật quý hiếm, nhiều loài động, thực vật quý hiếm thuộc các danh mục như sách đỏ Việt Nam. Cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, với nhiều thác nước, nhiều hang động và lòng hồ rộng lớn 3.300ha nằm giữa khu bảo tồn, cùng với những thửa ruộng bậc thang, bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái, Mường và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã tạo cho Khu BTTN nét độc đáo. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái tại đây đang còn nhiều hạn chế, cơ chế, chính sách còn bất cập dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư về thuê môi trường rừng chưa thực hiện được. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với các hoạt động du lịch vẫn chưa được đầu tư. Tính chuyên nghiệp hóa của đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ làm công tác du lịch của khu BTTN đối với mô hình tự phát triển du lịch; vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, phương tiện vận chuyển khách tham quan và các dịch vụ hỗ trợ...

Ông Nguyễn Văn Cử: Phát triển du lịch sinh thái song hành với công tác bảo vệ, phát triển rừng

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

PV: Thưa ông, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ lực lượng kiểm lâm có những giải pháp nào nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với BVR?

Ông Nguyễn Văn Cử: Nhằm khai thác thế mạnh của rừng trong phát triển du lịch sinh thái, với chức năng, nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm huyện Bá Thước xác định công tác BVR trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Từ đó, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững. Trong những năm qua, đơn vị thường xuyên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho công chức, viên chức kiểm lâm công tác tại địa bàn nắm vững các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường tuần tra, kiểm tra nắm bắt tình hình địa bàn các khu vực rừng tự nhiên... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng, độ che phủ rừng.

Khắc Công - Trung Lê (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]