(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Đoàn Ngọc Phách hỏi: “Hồi nhỏ tôi có nghe một bài ca dao khá dài, đến nay chỉ còn nhớ lõm bõm, nhưng riêng hai câu sau đây thì vẫn còn nhớ như in: “Đói no có thiếp, có chàng/ Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình”. Gần 50 năm qua tôi vẫn không hiểu “chung đỉnh” trong câu ca dao nghĩa là gì. Có người giải thích “đỉnh” trong “chung đỉnh” có nghĩa là cái nóc nhà, “chung đỉnh” là cùng chung một nóc nhà, mái nhà. Nhưng tôi thắc mắc tại sao cùng ở một nhà mà lại “giàu sang một mình”? Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” giúp tôi tìm lại nội dung cả bài ca dao và giải nghĩa từ “chung đỉnh” có nghĩa là gì. Xin trân trọng cảm ơn”.

“Chung đỉnh” là gì?

Độc giả Đoàn Ngọc Phách hỏi: “Hồi nhỏ tôi có nghe một bài ca dao khá dài, đến nay chỉ còn nhớ lõm bõm, nhưng riêng hai câu sau đây thì vẫn còn nhớ như in: “Đói no có thiếp, có chàng/ Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình”. Gần 50 năm qua tôi vẫn không hiểu “chung đỉnh” trong câu ca dao nghĩa là gì. Có người giải thích “đỉnh” trong “chung đỉnh” có nghĩa là cái nóc nhà, “chung đỉnh” là cùng chung một nóc nhà, mái nhà. Nhưng tôi thắc mắc tại sao cùng ở một nhà mà lại “giàu sang một mình”? Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” giúp tôi tìm lại nội dung cả bài ca dao và giải nghĩa từ “chung đỉnh” có nghĩa là gì. Xin trân trọng cảm ơn”.

“Chung đỉnh” là gì?

Trả lời:

Bài ca dao trong đó có hai câu mà độc giả Đoàn Ngọc Phách trích dẫn trên đây được sách “Tục ngữ ca dao Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan), và “Kho tàng ca dao Việt Nam” (Nguyễn Xuân Kính - Phan Đăng Nhật chủ biên), thu thập như sau:

Tháng chạp là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu/ Tháng hai trồng cà/ Tháng ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng/ Ai ai cũng vợ cũng chồng/ Chồng cày vợ cấy, trong lòng vui thay/ Tháng năm gặt hái đã xong/ Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy/ Năm nong đầy, em xay em giã/ Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo/ Sang năm lúa tốt, tiền nhiều/ Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng/ Đói no có thiếp, có chàng/ Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.

Về từ “chung đỉnh” thì chữ “chung” ở đây không phải là “chung” trong “riêng chung”, mà có nghĩa là cái “chuông”; còn chữ “đỉnh” không phải là chỗ cao nhất (như nóc nhà hay đỉnh núi) mà có nghĩa là cái vạc, cái lư trầm (nghĩa bóng chỉ công danh địa vị, hiển hách). Từ chung đỉnh (hoặc đỉnh chung không có nghĩa là ở chung một mái nhà, mà là phú quý, giàu sang (nghĩa thứ 3 mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng). Ta còn thấy trong câu thơ khác như: Trâm anh chung-đỉnh dấu nhà sẵn đây (Nhị độ mai).

Từ “chung đỉnh” cũng có nghĩa như “đỉnh chung”, ví dụ: Trăng mờ có lúc lại trong/ Em đây vất vả đỉnh chung có ngày (Ca dao); Bình bồng còn chút xa xôi/ Đỉnh-chung sao nỡ ăn ngồi cho yên (Nguyễn Du); Xấu máu thì khen miếng đỉnh-chung (Hồ Xuân Hương).

Như vậy, “chung đỉnh” trong câu Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình, có nghĩa là giàu sang, phú quý. Sở dĩ hai chữ “giàu sang” đi liền sau là để giải thích và nhấn mạnh cho từ “chung đỉnh”. Và ý người vợ trong câu ca dao là: Thà đói no mà có vợ có chồng, còn hơn là đi tìm phú quý, giàu sang cho riêng mình.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]