Bến đò Côi
Bến đò Côi, mụ vợ tôi đặt tên bến đò như thế từ ngày chú kia sang sông tìm vợ và tìm bạn. Bến sông đã không còn đò, bờ sông không còn rau cải dại. Nói chung là chẳng còn gì trong ký ức của tôi nữa.
Minh họa: Hà Hiếu
Mụ vợ già của tôi có lần bảo “Con Ngọc nó còn sống đó, không chết đâu”.
Tôi gườm gườm nhìn mụ: “Bà đừng nói hoang, người ta nghe thấy lại sinh chuyện”.
Ngọc chết rồi. Người ta đã vớt được xác nó lên từ cái hủm sâu gần bến đò Côi. Tôi nhớ chiều thu ấy, người ta dồn về bến sông chật như nêm. Đó là lúc cô Nguyệt hay tin con gái đuối nước, cô bỏ việc đang phát lương cho công nhân và lao như điên về bến sông. Ngọc nằm trên thảm cỏ, miệng tứa ra dòng máu đỏ khi mẹ nó ào đến.
Buổi chiều hôm ấy có ba đứa bé gái rủ nhau ra bờ sông hái rau cải dại. Chẳng biết chúng mải mê hái rau thế nào, mà khi hai thanh niên làng bên đi ngang để xuống bến đò, họ thấy một đứa mặt tái xám chạy như ma đuổi từ bờ sông lên và phi thẳng vào con đường đất về làng. Hai thanh niên biết ngay có chuyện chẳng lành, họ vội lao xuống sông, tóm lấy một mái tóc đen đang nhấp nhô “giã gạo”, vớt nó lên.
Mấy ngày sau, gia đình bé Loan mang lễ đến nhà một trong hai anh thanh niên làng bên, hai người đi qua đã có công cứu sống Loan để làm lễ nhận anh kết nghĩa.
Nhà Ngọc và nhà Loan ở gần nhau, hai đứa trẻ cùng lứa, thân nhau từ bé xíu, mặc dù cha mẹ Loan không muốn con gái chơi với đứa không cha lại còn có mẹ cướp chồng người khác. Chuyện cô Nguyệt, mẹ bé Ngọc cướp chồng người ta mà sinh ra Ngọc thì cả xóm tôi ai cũng rành, mà rành nhất là...vợ tôi. Nhà tôi ở giữa xóm, có cái giếng nước đá ong trong veo, quanh năm ăm ắp, nên cả xóm xúm vào ăn chung. Ngày nào chả có chuyện lớn chuyện bé quanh cái bờ giếng ấy.
Tôi không còn nhớ tên người đàn ông đã mua mảnh vườn nhà tôi, và giữa mùa thu ấy mọc lên một ngôi nhà quét vôi trắng sạch bong tươm tất, để rồi sau đó một phụ nữ tóc đen dọn đến ở. Cô Nguyệt lúc nào cũng mặc quần lụa đen, áo phin trắng, tóc đen nhánh để xõa.
“Sao cô Dung, vợ chú ấy đẹp như thế mà chú ấy lại đi cặp với cái cô Nguyệt xấu như ma thế nhỉ?”.
Mụ vợ tôi thường bình luận mỗi khi cô Nguyệt đi qua ngõ để về ngôi nhà nhỏ màu trắng, hoặc rụt rè sang nhà tôi xin nước giếng về dùng. Cô Nguyệt là một kế toán, mới chuyển về làm việc ở nhà máy cám Con Cò bên kia sông. Có lẽ cô đặc biệt, thế nên cô được người tình mua đất làm nhà riêng, thay vì ở khu tập thể như nhiều công nhân khác của cái nhà máy ấy. Nói cô Nguyệt xấu như ma thì cũng không đúng. Cô chỉ gầy, khuôn mặt hơi dài, có đôi mắt đen lánh, nước da trắng xanh, đôi môi nhỏ như lúc nào cũng chụm lại làm duyên. Cô hay đan len. Những cuộn len màu cùng những kiểu đan lạ lùng ngay lập tức cuốn lấy lũ con gái mới lớn trong xóm. Chúng xúm lại ngôi nhà nhỏ, để được học những kiểu đan mới. Để có “nguyên liệu”, bọn kia thường lén lút tháo những cái áo len cũ của lũ em, đã rách lỗ chỗ và được mạng lại bằng sợi chỉ ra, nối lại. Những cuộn len nhiều màu, mấu nối chi chít là đặc sản của bọn con gái trong cái xóm nhỏ bên sông ấy. Chẳng mấy chốc, những cái áo len cũ trong thúng áo ấm của các nhà được tháo ra, để rồi chẳng đan thành một thứ gì. Các bà mẹ trong xóm vì thế càng ghét cô Nguyệt.
Mụ vợ tôi cũng có lần kéo tay tôi sang nhà cô Nguyệt tìm đứa con gái, kẻ mà trong khi đàn lợn đang ầm ĩ gào thét, dùng cái mũi siêu khỏe để húc ầm ầm vào những thanh ngang chắn cửa chuồng đòi ăn, thì nó cứ như bị thôi miên bởi những nhịp đan của cô. Những chiếc áo len cổ lọ, cổ tim, những hình gà, vịt ngộ nghĩnh được cô chêm vào giữa bụng áo, những tất tay, tất chân được đan bằng len màu cực khéo, cực xinh. Mụ vợ tôi đứng nhìn những sản phẩm tuyệt mỹ của cô hàng xóm mới, rồi lại cầm cuộn len của con gái lên, ngắm những mẩu len xoăn tít và chi chít mối nối bảo: “Đang yên đang lành thì phá ra, chắp nối. Cái thứ chắp nối chỉ đẹp bên ngoài, chứ bên trong thì như ghẻ lở, rồi cũng chẳng thành tấm thành món gì đâu”.
Rồi mặc cô Nguyệt cứ cúi gầm mặt xuống, những ngón tay gầy mảnh và trắng xanh của cô hơi run rẩy giữ những que đan và nhịp đan, mụ vợ tôi dắt tay con gái về thẳng.
Lạ là, không biết mụ vợ tôi moi ở đâu ra “cô Dung”, vợ “chú kia” mà kể thao thao, mà so sánh nhan sắc hai cô như thế mới được chứ? Cô Nguyệt thì mới chuyển về xóm, còn chú kia cũng làm ở nhà máy cám công nghiệp trên thị trấn, cũng chẳng ràng buộc gắn kết gì với xóm với làng tôi. Chú không ở trong ngôi nhà nhỏ với cô Nguyệt thường xuyên. Mỗi lần về với cô, mà hễ cứ thấy tôi ở nhà là y như rằng buổi chiều hay tối chú lại sang nhà tôi chơi. Buổi chiều chú sang chơi, tôi sẽ mời chú uống nước chè xanh ngoài hiên, ngồi đó có thể thấy bến đò xa xa, hay con đường chạy sâu vào trong xóm, nơi những bờ giậu xanh rờn bởi cúc tần hay dâm bụt. Đàn gà thường là quẩn dưới sân, đợi chờ những hạt thóc, cơm nguội hay cám lợn cho bữa tối. Gã gà trống le te chạy quanh, lúc dọa gà choai này, lúc cảnh cáo gà choai nọ, chỉ để không đứa nào dám léng phéng với lũ vợ già của nó. Bầy chó con thì húng hắng chạy loanh quanh. Bao giờ con chó đực lớn trong nhà cũng dữ dằn hung hãn tranh ăn, nó táp bất cứ đứa nào sán đến gần nó, kể cả bầy chó con, những đứa con của nó. Mụ vợ tôi bảo: Chó đực là giống bất nhân, khi có ăn thì nó chỉ nghĩ đến một mình nó, không thèm đoái đến vợ con đang nhọc nhằn đói khát. Tôi bảo không phải, chó đực làm thế để nó rèn bản lĩnh cho lũ chó con mà thôi. Chú kia không nói gì, tay vân vê một mẩu chiếu không biết bị bung lên từ lúc nào hay chú vô thức cạy nó lên để che giấu những ẩn ức trong lòng. Hôm nào sang nhà tôi chơi, chỗ chú ngồi cũng đầy vụn của cái chiếu cói, chỗ rách thì bị rách thêm ra, mụ vợ tôi bực lắm. Chú kia bảo sắp tới người ta sẽ làm một cây cầu bắc qua đó, không ai phải đi đò nữa. Đi đò thì nguy hiểm. Mụ vợ tôi bảo rồi cái đám thợ làm cầu làm đường lại khiến khối gái làng chửa hoang. Chuyện như thế xảy ra đầy, đi đâu chả nghe kể.
Năm mười bảy tuổi thì cô bé Loan bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng. Chồng Loan chính là người thanh niên năm nào đã vớt cô lên khi cô đang “giã gạo” dưới sông. Khi đó, anh ta không biết rằng cô bé đang đạp chân lên đầu cô bạn gái của mình để được ngoi lên. Mụ vợ tôi bảo những người đuối nước sẽ vô thức dìm người khác xuống để được vùng vẫy, cho nên cứu người đuối nước cũng phải đúng cách, ví như chỉ đưa que hay cây sào cho người đuối nước túm lấy và lôi họ lên, hay tóm lấy tóc họ mà kéo, chớ có dại mà ôm người họ, hay để họ bám vào người mình, không bơi lội giỏi là chết oan cả đám.
Sau đám cưới, Loan sinh một đứa bé gái như trăng như sao, cô đem bé về nhà ngoại thường xuyên, và cũng thường xuyên cô đưa con bé sang nhà bà Nguyệt, khi này đã ngoài bốn mươi, cô độc trong ngôi nhà giữa vườn xoan. Mụ vợ tôi bảo lạ lắm, không phải đứa bé lạ, mà là Loan rất lạ.
Lạ cái gì mà lạ, nó lớn lên thì phải khác lúc bé chứ. Mụ thì thầm: “Không phải đâu. Có hôm tôi thấy nó dắt con gái sang nhà bà Nguyệt, tôi giật mình, sao trông nó giống cái Ngọc thế không biết. Nó còn hỏi: Bà có nhận ra con không mới hãi chứ".
Tôi gườm gườm nhìn mụ. Bà đừng nói linh tinh, người ta lại rách chuyện. Con Ngọc chết rồi, đừng làm người còn sống đau lòng nữa.
Cô Nguyệt vác cái bụng bầu lặc lè ngày hai bận đi về qua ngõ nhà tôi, mụ vợ tôi nhìn thấy lại thở dài. Cũng vác cái bầu lặc lè ấy sang nhà tôi xin nước giếng đá ong về dùng, cô lại càng khiến mụ vợ tôi khó chịu. Rồi cáu tiết, mụ sai thằng con trai tôi gánh cho cô ngày hai thùng nước, để mụ đỡ phải nhìn thấy cô nhiều lần trong ngày. Cái thứ đàn bà cướp chồng người khác ấy mụ không thương nổi. “Đàn ông gì đến lạ, vợ đẹp thì bỏ bê cho thằng khác thèm, còn mình cứ bám lấy con ma”.
“Thằng khác thèm” ở đây là mụ nói đến chú nọ, chú nọ tôi cũng quên tên rồi. Chú nọ là bạn thân của chú kia. Chính xác thì cả vợ chú kia, chú kia và chú nọ là bạn thân của nhau từ hồi bé. Vì họ ở gần nhà nhau trong một khu tập thể. Họ là bạn của nhau, thế rồi xảy ra chuyện hai anh bạn cùng yêu cô bạn, mà cô bạn lại chỉ có thể chọn một người làm chồng. Rồi cô chọn lầm người, để kết cục là khổ cả ba, thậm chí bốn, năm, sáu người. Đấy, chú kia chẳng phải đã bỏ vợ ở nhà vò võ để cặp kè với gái đấy sao, còn mua đất làm nhà cho gái nữa kìa. Cô vợ (tên Dung, mụ vợ tôi bảo thế) đau khổ vì chồng, chú nọ cũng đau khổ khi chứng kiến người mình yêu bất hạnh, và căm tức gã bạn thân đã khiến cả đám khổ đau.
Bà cứ như thánh ấy nhỉ, biết tuốt chuyện thiên hạ. Tôi thường mỉa mai mụ vợ như thế, còn mụ thì cũng đúng là... thánh thật. Mụ bảo chuyện đúng thế mà, rồi xem.
Rồi cô Nguyệt sinh con Ngọc. Thời gian đầu hình như mẹ đẻ cô có đến chăm con và cháu, nhưng bà ấy chẳng bao giờ ra khỏi nhà. Chúng tôi chỉ đoán biết sự có mặt của bà qua cái dây phơi tã lót tươm tất, sạch bong, khô ráo. Ờ, cũng người ta đi chăm con gái đẻ, người ta hớn hở bế cháu đi khoe khắp xóm làng, còn mình cứ thui thủi như vụng như trộm. Bởi, con mình có vẻ vang gì đâu, đã chửa hoang lại bị người tình bỏ rơi, sinh con một mình, thì mặt mũi nào mình đem chường ra đường được cơ chứ.
Khi những cái dây phơi tã lót có dấu hiệu bất ổn, kiểu như tã lót quá khô mà không được rút vào, hay còn quá ẩm mà đã bị mang ra dùng, nghĩa là cô Nguyệt chỉ còn một mình, mụ vợ tôi bắt đầu cáu tiết. Làm mẹ như thế thì làm quái gì, ở thế cho xong, sinh con ra mà đến chăm nó cũng không ra hồn thì sinh làm gì. Mụ lồng lộn, gầm gừ, khó chịu, và rồi, không thể chịu nổi, mụ bật tung cửa nhà cô Nguyệt ra: Xem nào, thế nào mà mẹ mày để con nó khóc dai như đỉa thế?
Chú kia, đã lâu lắm rồi không trở lại, vì lâu rồi bà lái đò bến Côi không xác nhận có chở chú qua sông. Có thể chú trở lại với mẹ con cô Nguyệt, nhưng lén lút bơi qua sông, chứ không sang đò bến Côi chăng? Bến Côi là tên mới nổi, ban đầu mụ vợ tôi đặt tên bến như thế, rồi không hiểu sao cả làng gọi nó là bến Côi.
Tôi thì biết đấy.
Mụ vợ tôi đã thành một bà già nhiều chuyện. Không biết bằng cách nào mà mụ có nhiều chuyện để kể thế không biết. Có chuyện không phải cứ được ai kể mình mới biết, mụ vợ tôi nói một cách bí hiểm. Có lần mụ bảo, con Ngọc nó sẽ không chết nếu được cứu ngay lúc đó.
Chiều hôm ấy, khi hai thanh niên làng bên vớt được bé Loan lên bờ, đưa cô bé về nhà, thì có người làng đi qua mới bảo: Chiều ba đứa ra sông chơi, sao giờ lại chỉ có hai đứa về, đứa kia đâu? Ối giời ôi! Bấy giờ người ta mới tá hỏa tam tinh, rằng dưới lòng sông còn một cô bé nữa.
Con gái Loan, đứa bé như trăng như sao chết ở nhà bà Nguyệt. Nhà bà Nguyệt từ lâu không có khách khứa ghé thăm, trừ tuần đôi lần mẹ con Loan đến chơi. Lẽ ra Loan không nên đến nhà bà Nguyệt làm gì, dù thế nào thì khi nhìn thấy Loan, bà Nguyệt sẽ nhớ đến đứa con gái bất hạnh của mình, rồi lại đau lòng, lại ấm ức. Loan nghĩ là sẽ xoa dịu được nỗi đau của người đàn bà đã mất cả thanh xuân, mất cả tình yêu và mất đứa con ư? Loan nghĩ rằng nỗi đau theo thời gian sẽ lành ư? Nói chung, tôi không hiểu con bé Loan nghĩ gì, nhưng cô ta vẫn mang đứa trẻ sang thăm bà Nguyệt. Chiều hôm ấy, cũng buổi chiều, cũng mùa thu, tôi nghe tiếng rú hét kinh hoàng của Loan và bà Nguyệt. Rồi họ tất tả bế đứa bé đi cấp cứu. Nó bị ngã từ trên cái thang bà Nguyệt dùng để hái mướp đắng, cú ngã cũng không đến nỗi mất mạng nếu cái thang nó không rơi lại trúng đầu con bé.
Không ai đổ lỗi cho bà Nguyệt giết người, nhưng người ta không thể không hoang mang. Có cái gì đó cứ bập bùng, mông lung xoay quanh đâu đó.
Mụ vợ tôi bảo, rằng một trong hai thanh niên trong vụ cứu Loan bảo, lúc đưa Loan lên bờ, đặt cô bé ngồi nghỉ ngơi trên thảm cỏ, trước khi đưa cô bé về nhà, anh ta đã hỏi cô bé: Có còn ai dưới sông không?
Loan ngước đôi mắt hoảng loạn lên nhìn hai ân nhân, khẽ lắc đầu.
Bây giờ, người ta đã bắc một cây cầu kiên cố qua sông, bến đò Côi chỉ toàn là cỏ dại.
Mùa thu, bàng chín vàng rụng đầy ngõ xóm. Trẻ con ríu rít rủ nhau nhặt bàng chín đập vỡ cùi và hạt để ăn những chiếc nhân bàng bùi ngậy. Trong một ngày mùa thu gió lộng ngập tràn các con ngõ, có một người đàn ông và một phụ nữ tìm vào xóm. Họ ăn mặc rất lịch sự, mỗi người đi một xe đạp. Cô Dung và chú nọ chăng? Tôi tò mò nhìn họ dắt xe vào xóm nhỏ, đi qua ngõ nhà mình, rồi dừng lại đúng cổng nhà cô Nguyệt.
Họ ở trong đó rất lâu. Không có tiếng cãi vã, không có tiếng khóc, không cả tiếng cười.
Mụ vợ tôi tối đó từ thị trấn qua bến đò về, khoe rằng cả làng đã biết chuyện cô vợ và anh bạn thân của chú kia tìm đến tận nơi ba mặt một lời, rồi mụ bảo: Thấy chưa? Cô Dung đó, cô ấy xinh đẹp như thế mà cái thằng chồng kia lại cặp kè, để người ta khổ một đời.
Đẹp mấy mà không được chồng yêu thì cũng không bằng xấu gái mà được người ta yêu. Người ta phải thế nào mới bỏ nhau chứ, phải làm sao mới ngoại tình chứ, không gì là vô cớ ở trên đời hết. Tôi nói, như thể chính tôi đang thanh minh cho chú kia và cô Nguyệt.
Vậy, rốt cuộc là chú kia có yêu vợ không, có nuối tiếc vợ không, mà khi đôi bạn thân kia vừa rời khỏi, thì chú về, chú vào nhà đâu có vài phút, hình như cô Nguyệt có cho hay rằng chị nhà và anh bạn thân đã đến, thì chú lao ra đường, phi thẳng ra bến đò, tất tả đòi người ta chở sang sông để đuổi kịp vợ và bạn. Chú có đuổi kịp vợ và bạn chú không, vì không ai thấy chú quay về một lần nào nữa.
Bến đò Côi, mụ vợ tôi đặt tên bến đò như thế từ ngày chú kia sang sông tìm vợ và tìm bạn. Bến sông đã không còn đò, bờ sông không còn rau cải dại. Nói chung là chẳng còn gì trong ký ức của tôi nữa.
Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-16 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lớp học của tình yêu thương
-
2023-11-24 15:52:00
Tự sự cùng trăng
Tà Chì Nhù - 2979 mét
Tọa đàm văn học miền núi Thanh Hóa
Thầy có nhớ em không?
Nữ nhà giáo Phạm Thị Kim Khánh và những câu thơ níu giữ hồn Mường
Văn chương Văn Cao: “Mỗi câu chữ dính trầm của tư tưởng”
Bớt đi lại được nhiều hơn
Mùa yêu thương chạm ngõ
Nông Cống trường cũ ơi, 60 năm
Hình tượng Bà Triệu trong tâm thức sáng tạo của văn nghệ sĩ xứ Thanh