(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi khi tôi đến thăm, nội thường bảo tôi phát bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho trên ứng dụng youtube cho nội nghe. Bởi cái đài cát sét của nội đã cũ, khi phát nhạc thường xen lẫn những thanh âm ken két, xè xè làm mất đi cảm giác thú vị của âm nhạc.

Bộ quân phục của nội

Mỗi khi tôi đến thăm, nội thường bảo tôi phát bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho trên ứng dụng youtube cho nội nghe. Bởi cái đài cát sét của nội đã cũ, khi phát nhạc thường xen lẫn những thanh âm ken két, xè xè làm mất đi cảm giác thú vị của âm nhạc.

Bộ quân phục của nộiMinh họa: Linh Chi

Nội vừa nghe nhạc vừa gõ ngón tay xuống bàn, đôi lúc còn cất lời hát theo nhịp điệu hào hùng xen lẫn du dương. Nội nghe lại bài hát nhiều lần cho đến khi những giọt nước mắt thấm ướt đôi gò má nhăn nheo. Lúc ấy, tôi biết rằng nội đang rất nhớ quá khứ hào hùng trong đời lính của mình.

Nội là lính xe tăng. Nội và đồng đội đã “đồng cam cộng khổ”, “vào sinh ra tử” trong nhiều chiến dịch lớn trên các mặt trận từ miền Trung, Tây Nguyên vào miền Nam.

Nội kể. Trong những trận đánh, xe tăng thường mở đường cho bộ đội ta tiến lên phía trước. Xe tăng vừa chiến đấu vừa là tấm lá chắn thép cho lực lượng bộ binh. Sự uy dũng của xe tăng góp phần to lớn trong chiến tranh giải phóng đất nước.

Chiến đấu trên chiếc xe tăng nên nội được chứng kiến nhiều điều đau thương, tàn khốc của chiến tranh. Đó là hình ảnh người chiến sĩ hy sinh trước họng súng quân thù khi thời khắc giải phóng thành phố ấy không còn xa. Đạn bom dội xuống tàn phá vùng quê tươi đẹp thành những đống đổ nát hoang tàn. Những căn nhà, bức tường đổ vỡ bên những chiếc hố sâu hoắm. Ngọn lửa rực cháy trên mái tranh nóng rát cả mặt nước ao. Con trâu gãy sừng, cụt một chân trước thấp thểnh chạy trên thửa ruộng cằn khô. Những người lính nằm lại nơi chiến trường trong hình hài cơ thể không vẹn nguyên... Chiến tranh đã qua đi, nội không muốn nhắc lại điều đau thương, song những trang ký ức vẫn thường ám ảnh những người là nhân chứng của lịch sử như nội.

Nội tiếp tục kể về kỷ niệm giải phóng một thành phố lớn ven biển, thu giữ được nhiều xe tăng mà địch bỏ lại để thoát thân. Những chiếc xe tăng ấy, được bàn tay nội và đồng đội sửa chữa, phục hồi để phục vụ cho những trận đánh tiếp theo. Nội và đồng đội vẫn tiếc nuối do bị lạc đường nên không thể đến Dinh Độc Lập sớm hơn, để chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong thời khắc lịch sử.

Một lần gặp mặt đồng ngũ, nội cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa. Mọi người đã rất xúc động về sự đổi thay của những thành phố, vùng miền từng in vết xích xe tăng của một thời. Vùng nông thôn, đàn trâu thảnh thơi nhai cỏ nhìn theo chiếc máy cày làm thay công việc mà chúng từng bao đời vất vả. Nơi thành phố, những căn nhà cao tầng mọc lên thay thế cho những đổ vỡ năm xưa. Những con đường trải nhựa lắp cột đèn sáng lung linh khi đêm về. Những con sóng trắng bạc vỗ dải cát vàng. Tiếng sóng, tiếng gió như hát, như nhắc nhớ mọi người về khúc ca khải hoàn. Cho dù đến nông thôn hay thị thành, nội và đồng đội vẫn bắt gặp những đôi chim bồ câu tung cánh bay trên bầu trời của hòa bình, độc lập, tự do...

Thấy được sự phát triển của những vùng miền ấy, nội và đồng đội đều cảm thấy vui mừng bởi thành quả của những người lính năm xưa vẫn được thế hệ trẻ trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển...

Hàng năm, cứ sang tháng mười hai, nội lại bảo tôi mở tủ, tìm bộ quân phục cũ, mang giặt là thơm tho, để nội mặc đi gặp đồng đội. Bộ quân phục đã bạc màu theo thời gian nhưng với nội là bộ đồ đẹp nhất. Bởi trên ngực áo gắn chiếc huân chương lấp lánh ngôi sao vàng để nội thêm vinh dự và tự hào là người lính của quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tản văn của Xuân Quỳnh (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]