(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo thống kê từ Sở Công Thương, tại các huyện miền núi Thanh Hóa đến nay đã thành lập được 21 cụm công nghiệp (CCN), với quy mô 643,7 ha, đây là cơ sở thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Các huyện miền núi nỗ lực thu hút đầu tư

Theo thống kê từ Sở Công Thương, tại các huyện miền núi Thanh Hóa đến nay đã thành lập được 21 cụm công nghiệp (CCN), với quy mô 643,7 ha, đây là cơ sở thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Các huyện miền núi nỗ lực thu hút đầu tưCông ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa đóng trên địa bàn thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc.

Lang Chánh là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp và du lịch. Ngay từ đầu năm 2023, huyện đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tích cực kêu gọi, thu hút các chương trình, dự án và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào địa bàn.

Để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, huyện Lang Chánh xác định yếu tố giao thông là hết sức quan trọng. Từ việc tranh thủ các nguồn vốn, huyện đã đầu tư, xây dựng nâng cấp các tuyến đường trọng điểm, như: đường từ bản Ngàm (xã Yên Thắng) đi bản Xắng Hằng (xã Yên Khương); đường từ bản En đi bản Năng Cát (xã Trí Nang) nối với đường tỉnh 530 đi xã Yên Thắng; đường từ thị trấn Lang Chánh đi xã Tân Phúc; đường từ xã Tân Phúc đi xã Văn Nho (Bá Thước)... Nhờ hệ thống giao thông đồng bộ, cơ chế đầu tư thông thoáng, nhiều dự án công nghiệp đã được thu hút, hứa hẹn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, như: dự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre, luồng do Công ty CP Bamboo King Vina, đầu tư 600 tỷ đồng (dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động); dự án nhà máy may xuất khẩu do Công ty TNHH may mặc HQVN đầu tư 85 tỷ đồng...

Tương tự, tại huyện Quan Sơn, theo báo cáo của UBND huyện, hiện trên địa bàn có 36 doanh nghiệp đang hoạt động tập trung ở các lĩnh vực thương mại dịch vụ, chế biến lâm sản, tài nguyên khoáng sản... giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: nhà máy chế biến nguyên liệu Ngọc Sơn (46 tỷ đồng); Công ty CP Lâm sản Quan Sơn (10 tỷ đồng); nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tại xã Sơn Điện (9,5 tỷ đồng); nhà máy sản xuất gạch không nung và đá nghiền Tiến Loan (25,5 tỷ đồng)...

Tại huyện Ngọc Lặc, một số dự án có vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như nhà máy may Việt Pan-Pacific, nhà máy may Cẩm Hoàng, nhà máy phân bón hữu cơ Phúc Thịnh, siêu thị Ngọc Lặc, khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến; cụm trang trại liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao tại 2 xã Minh Tiến và Lam Sơn; trang trại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp khép kín công nghệ cao Phúc Thịnh...

Trong đó, Công ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa đóng trên địa bàn thị trấn Ngọc Lặc đầu tư từ năm 2015, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/lao động/tháng và đang có dự kiến mở rộng hoạt động. Ông Nguyễn Duy Phúc, phụ trách hành chính công ty cho biết, kể từ khi hoạt động, công ty luôn nhận được sự quan tâm của huyện, từ thủ tục đầu tư đến công tác giải phóng mặt bằng, công tác tuyển dụng lao động...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư tại các huyện miền núi cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó không thể không kể đến sự chậm trễ trong đầu tư hạ tầng CCN; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa đến các xã, thôn, bản còn chưa đồng bộ; nguồn lao động thiếu ổn định, chủ yếu là nguồn lao động phổ thông... Đơn cử như, CCN Phúc Thịnh, với quy hoạch 50 ha, thành lập từ tháng 4-2019, tuy nhiên đến nay tiến độ chậm, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Hay như, CCN Hải Long - Xuân Khang, huyện Như Thanh, với quy mô 48,85 ha, được thành lập tháng 8-2022, song cũng đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ kéo dài so với đăng ký ban đầu...

Việc quy hoạch các CCN trên địa bàn các huyện miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo lập quỹ đất, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, song tình trạng chậm trễ trong đầu tư, cũng như đưa vào vận hành đã, đang là “rào cản” lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp quay lưng, chuyển hướng đầu tư. Đây là những hạn chế cần sớm được giải quyết.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]