(vhds.baothanhhoa.vn) - Để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong bạn trẻ ở khu vực miền núi, thư viện trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, thư viện ở các trường học vùng cao đang gặp không ít khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông: Lê Thiện Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh; Trịnh Trung Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa; Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát).

Cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho thư viện trường học

Để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong bạn trẻ ở khu vực miền núi, thư viện trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, thư viện ở các trường học vùng cao đang gặp không ít khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông: Lê Thiện Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh; Trịnh Trung Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa; Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát).

Ông Lê Thiện Dương: Để các thư viện trường học ở khu vực miền núi tự “xoay xở” thì rất khó khăn

Cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho thư viện trường học

PV: Thưa ông Lê Thiện Dương, ông đánh giá như thế nào về vai trò và thực tế hiện nay của các thư viện trường học, đặc biệt là thư viện của các trường học vùng cao?

Ông Lê Thiện Dương: Trước hết, phải khẳng định để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thì thư viện trường học có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi đây là môi trường rất tốt để khơi gợi và hình thành thói quen đọc sách của các bạn nhỏ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế, trong khi thư viện các trường học ở khu vực trung tâm thành phố và nhiều huyện đồng bằng những năm qua đã được quan tâm đầu tư, trang bị khá tốt và đầy đủ thì đối với các thư viện trường học ở vùng núi cao vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, nghèo nàn về đầu sách, việc bổ sung sách hằng năm còn hạn chế, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự cho, tặng của các nhà hảo tâm.

PV: Nhằm phát triển và lan tỏa việc đọc cho học sinh ở các huyện vùng cao, Thư viện tỉnh đã có sự quan tâm, “chia khó” cụ thể như thế nào với các thư viện trường học?

Ông Lê Thiện Dương: Bên cạnh hoạt động của thư viện truyền thống, những năm gần đây Thư viện tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động của xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện, trong đó tập trung phục vụ học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Thư viện tỉnh cũng tích cực thực hiện luân chuyển, tặng sách cho các trường học gặp nhiều khó khăn với giá trị sách từ 5 - 15 triệu đồng/trường. Mỗi năm Thư viện tỉnh luân chuyển về cơ sở khoảng 300 triệu đồng tiền sách và tập trung chủ yếu vào hệ thống thư viện trường học.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh đối với thư viện các trường học, đặc biệt là các trường học ở khu vực miền núi cao nhiều khó khăn mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Trong khi tại đây, việc kêu gọi nguồn xã hội hóa (phụ huynh đóng góp kinh phí; các nhà hảo tâm tặng sách…) cũng không dễ dàng. Và nếu để các nhà trường ở khu vực miền núi tự “xoay xở” cho hoạt động của thư viện như lâu nay thì vẫn sẽ rất khó khăn. Nên chăng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ riêng để thư viện các trường học, đặc biệt là các trường học khu vực miền núi có thêm kinh phí mua sắm sách, đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh được tốt hơn.

Ông Trịnh Trung Vinh: Nhà nước cần có sự quan tâm, đầu tư thêm cho thư viện trường học

Cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho thư viện trường học

PV: Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn huyện Quan Hóa đã xây dựng mô hình thư viện xanh hoạt động khá hiệu quả, song bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn của các thư viện trường học, cụ thể là mô hình thư viện xanh trên địa bàn huyện Quan Hóa?

Ông Trịnh Trung Vinh: Quan Hóa là huyện miền núi cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của việc đọc sách trong các trường học, thời gian qua Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa đã động viên các trường học trên địa bàn huyện nỗ lực xây dựng mô hình thư viện xanh - tạo không gian đọc sách thân thiện, thuận tiện cho học sinh. Đến nay, hầu hết các trường tiểu học đều đã có thư viện xanh và mô hình thư viện xanh sau khi đi vào hoạt động được học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình, đây là điều thực sự đáng mừng.

Song thực tế, cơ sở vật chất của thư viện xanh ở các trường học vẫn còn khá đơn sơ. Và khó khăn nhất chính là thiếu các đầu sách cả về “lượng” và “chất”. Cụ thể, nguồn sách tại các thư viện xanh hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc được cho tặng, sách được cấp, vì thế số lượng đầu sách và thể loại đều hạn chế. Các nhà trường chưa thể chủ động trong việc lựa chọn sách đọc phù hợp cho học sinh của mình. Chưa kể, Quan Hóa với địa bàn rộng, nhiều điểm trường lẻ, số lượng sách ở điểm trường chính đã ít, phân bổ xuống các điểm trường lẻ lại càng khó. Trong khi phụ huynh phần đa đều khó khăn, rất khó để nhà trường kêu gọi xã hội hóa kinh phí mua sắm sách.

Để “gỡ khó” và phát huy tốt hơn nữa hoạt động thư viện trong trường học hiện nay, theo tôi rất cần có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước dành riêng cho hoạt động thư viện trường học. Trong đó, đặc biệt là đối với trường học ở miền núi cao có nhiều điểm trường lẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng: Đa dạng hóa đầu sách nhằm đáp ứng nhu cầu đọc

Cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho thư viện trường học

PV: Tam Chung là một trong những trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn huyện Mường Lát xây dựng mô hình thư viện xanh. Xin ông chia sẻ về hoạt động của mô hình thư viện xanh của nhà trường?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Tháng 11 - 2022 thư viện xanh Trường Tiểu học Tam Chung đi vào hoạt động phục vụ học sinh. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đến nay chúng tôi mới chỉ kêu gọi được kinh phí xây dựng thư viện xanh ở điểm trường chính, còn 6 điểm trường lẻ vẫn là các tủ sách trong lớp học.

Do không có nhiều phương tiện giải trí nên học sinh rất yêu quý sách. Nếu trước đây các em khá “nhút nhát” và rất ít khi đến thư viện trường để mượn sách; thì hiện nay, với thư viện xanh, học sinh đã có thể chủ động trong việc tìm sách đọc. Chính vì thế, số lượng học sinh đọc sách trong giờ ra chơi rất đông.

Nhu cầu đọc sách của học sinh lớn trong khi nguồn tài liệu hiện có lại hạn chế do việc bổ sung thêm các đầu sách mới phù hợp với lứa tuổi học sinh nhà trường không thể chủ động do không có kinh phí. Vì thế, nếu có thể, chúng tôi hy vọng nhận thêm được nhiều hơn những sự hỗ trợ (kinh phí, sách phù hợp với lứa tuổi) để đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh được tốt hơn. Trẻ em là tương lai của đất nước, bởi vậy cùng với việc dạy học, bồi đắp kiến thức cho các em thì duy trì thói quen đọc sách cho học sinh trong trường học là điều rất quan trọng.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]