(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối thu, các nhà hay dọn cơm ngoài hiên cho mát mẻ, bát canh cá rô đồng đặt giữa mâm mướt mát, thanh tao, thơm nức mà đậm đà, tròn vị.

Canh cá rô đồng đón heo may

Cuối thu, các nhà hay dọn cơm ngoài hiên cho mát mẻ, bát canh cá rô đồng đặt giữa mâm mướt mát, thanh tao, thơm nức mà đậm đà, tròn vị.

Canh cá rô đồng đón heo may

Minh họa: BH

Cánh đồng sau mùa gặt tựa bức tranh đủ cung bậc với sắc vàng rạ rơm, sắc nâu bùn đất hòa cùng mây trắng, nắng vàng. Sau vụ gặt, đồng làng ngổn ngang gốc rạ, chôn chân im lìm. Hương lúa mới vẫn thoang thoảng đâu đó, trong gió heo may cuối thu. Quãng này, trẻ chăn trâu nhàn tênh, khỏi canh cánh trông nom để trâu không te tắt vào ruộng lúa hay hoa màu nữa nên đứa nào đứa nấy cắp theo cái giỏ nan, sục sạo từng chân rạ bắt ốc béo mẫm đu bám thành chùm như sung. Cứ bước được một đoạn, sẽ gặp những ô vũng như cái mẹt, cái nong, tí tách cá rô đồng dồn hết lại, lộ lưng cong cong, bóng bẩy. Vũng nhỏ không đủ chỗ, đàn cá luồn lách vào nhau, cong mình dưới làn nước trong veo soi rõ từng cụm mây trắng. Ốc hay cá mùa này đều béo bởi thức ăn chính là bao màu mỡ mùa màng dồn lại, nhất là những hạt lúa vương vãi khắp cánh đồng đã ngậm nước, bén hơi bùn bật mầm lên. Ấy là nguồn sống, là đặc sản thứ thiệt của các loài cua, ốc, cá, tôm.

Gió hanh hao, ràn rạt trên da thịt, thấm thía như rót mật xuống cánh đồng. Trẻ trâu hò nhau bắt cào cào, muỗm muỗm đang vi vút trong từng bụi cỏ nhưng không quên tìm các ô vũng nhỏ, nơi cá rô tụ lại để bắt cho đầy từng chiếc giỏ nan. Buổi trưa mang cá về, mâm cơm sẽ thêm món canh cá rô rau cải. Cá sau mùa gặt chắc nịch, luộc trong nước sôi thả gừng, bà hoặc mẹ ngồi gỡ thịt, hương thơm bay khắp gian bếp nhỏ. Đã vậy con nào con nấy căng mẩy toàn trứng là trứng, các bà các mẹ phải rất khéo léo, nhẹ tay để giữ từng thớ lườn cá, hai buồng trứng thật nguyên vẹn, bát canh trông mới hấp dẫn được. Rau cải mơ cả làng, cả xóm trồng ở bãi bồi ven sông đúng độ mơn mởn, tươi ngon nhất, hòa quyện vị ngọt thanh và cay nồng khó cưỡng. Khi những đứa trẻ cột trâu vào chuồng, khoe giỏ cá đầy đến mức không con nào lách được, thể nào người lớn cũng trìu mến nhắc: “Khoan hẵng rửa mặt mũi chân tay, con mang cuốc mang liềm đi đào gừng đã”. Bụi gừng thường trồng cạnh nghệ, riềng và các loại rau gia vị ở mạn cuối vườn. Các cụ già vẫn nói, gừng cuối năm “xuống củ”, ôm trọn vị ấm áp, nồng nàn nhất, các nhánh củ cũng ngậm sẵn mầm nên ăn gừng lúc này là hợp nhất.

Canh cá rô đồng chế biến không quá công phu, nhưng cần tinh tế. Cá sau khi làm sạch, xóc kỹ muối và rửa lại bằng nước mưa hay nước giếng khơi, trước khi thả vào canh cần được luộc. Đun nước sôi nóng rẫy, thả nhanh đôi lát gừng vào lấy hương, sau đó mới cho cá vào, chín tới thì vớt ra, gỡ thịt. Chỗ xương cá tiếp tục cho vào cối giã nhẹ, cho nước luộc ban nãy vào, lọc qua cái rây vẫn rây bột, để lắng nước mới trong. Các bà nội trợ luôn nhắc, khó nhất chính ở khâu này, nước ngọt nhưng phải trong, phải thanh chứ không được đục. Thứ nước đặc biệt, béo vàng nổi sao trên mặt sẽ được đun lên, cho cá rô, rau cải vào, sôi bùng thêm gia vị là lên mâm được rồi. Có nhà xào cá trước, có nhà không. Lại có nhà rau cải vò mạnh tay, có nhà thích để nguyên cho xanh giòn đúng vị. Riêng gừng đập dập thì không thể cho vào nồi canh sớm quá, lúc tất cả bùng lên mới thả vào và nhấc nồi khỏi bếp để hương đủ hòa quyện mà canh không ủ ê, cay nồng.

Cuối thu, các nhà hay dọn cơm ngoài hiên cho mát mẻ, bát canh cá rô đồng đặt giữa mâm mướt mát, thanh tao, thơm nức mà đậm đà, tròn vị. Từng cơn gió heo may dìu dặt lướt qua, mang theo chút se se lạnh. Cả không gian cũng như chùng lại, vương vấn trong cảm giác thật bình yên. Cái mâm gỗ cũ kỹ đặt giữa manh chiếu cói đã bạc màu thầm thĩ gợi về bao ký ức. Cạnh bát canh cá rô đồng còn có cà muối, tép rang, câu chuyện quanh mâm cơm cứ xôn xao dấu ấn mùa vụ. Nắng len lỏi, nhóng nhánh cả trên mặt bát canh thật vui mắt. Mùi rạ rơm khô, lá khô cũng quyện trong bầu không khí đậm đà, sâu nặng ấy. Ngoài ngõ, khóm tre già kẽo kẹt đu trong gió, tiếng xào xạc tựa võng đưa.

Khi những vũng nước cạn hẳn, mùa cá rô hết, cũng là lúc từng vạt cải ven sông bắt đầu đơm hoa, rập rờn thả mình trong gió. Đôi khi, vẫn có vũng nước sót lại, cá nhiều vô kể, còn lách thành hang nhỏ mà trú ẩn, người làng vẫn hái nụ cải, hoa cải về nấu canh. Hương vị bát canh khác hẳn. Mọi người dường như đã quen cá nấu lá cải mơ xanh non nên vẫn coi việc cải thiện món nụ, món hoa là hi hữu, là cái lạ dùng dằng đôi bữa thôi. Thu qua đi, nắng ban mai phảng phất khói sương ruộng đồng bỗng trở nên huyền ảo, đơm khắc khoải vào từng vạt cỏ, bãi bờ. Khói đồng lượn lờ, dạt trôi theo từng cơn gió thoảng. Trong hơi thở của đất đai vương vấn nhọc nhằn mà cũng ắp đầy hy vọng về mùa mới.

Tản văn của Thụy Phương (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]