Cao Đình Độ: Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn
Trong lịch sử phát triển của nghề kim hoàn ở Đàng Trong nói riêng, nước ta nói chung, có dấu ấn quan trọng của vị tổ nghề Cao Đình Độ và con trai ông - Cao Đình Hương. Ông Cao Đình Độ còn được vua nhà Nguyễn sắc phong là “Đệ nhất tổ sư”. Theo các tài liệu sử sách và lưu truyền, ông Cao Đình Độ quê huyện Cẩm Thủy của xứ Thanh.
Vùng đất Cẩm Tú (Cẩm Thủy) bên sông Mã được cho là quê hương của tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ.
Theo các tài liệu lưu truyền, Cao Đình Độ quê đất Cẩm Tú (Cẩm Thủy), xuất thân trong gia đình nông dân, thuở thiếu thời ham học, lớn lên làm nghề bịt đồng, về sau nổi danh với nghề kim hoàn. Là một người thợ tài hoa, ông và con trai mình không chỉ tạo ra những sản phẩm tinh xảo phục vụ trong cung đình triều Nguyễn, mà còn có công dạy nghề, truyền nghề kim hoàn. Ngày nay, hàng trăm bảo vật triều Nguyễn đang được gìn giữ tại các bảo tàng, di tích... có “dấu ấn” quan trọng của cha con thợ kim hoàn Cao Đình Độ - Cao Đình Hương.
Sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2) cũng viết: “Ông là người huyện Cẩm Thủy, theo chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở Đàng Trong, có mơ ước được thành thạo nghề kim hoàn... Ông giả dạng là người Hoa chạy theo làn sóng di cư để được làm một người hầu hạ trong nhà một chủ hiệu kim hoàn người Tàu. Một thời gian bí mật học được kỹ thuật rồi thì trở về với chúa Nguyễn. Chúa cho ông mở một cửa hàng kim hoàn ở làng Kế Môn (Phong Điền) thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Vừa là cửa hàng buôn bán, vừa là nơi dạy nghề cho người dân Đàng Trong. Từ đó nghề này mới được mở mang”.
Thời bấy giờ, Đàng Trong dưới sự cai quản của các chúa Nguyễn rất phát triển. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn mô tả sự giàu có, hoa lệ của đất Thuận Hóa: “Nhà cửa của các quan đều chạm trổ tinh vi, tường gạch vách đá. Đồ đạc thì toàn dùng đồ quý giá, màn the trướng đoạn, gỗ đàn gỗ trắc, chén sứ bình hoa; y phục toàn gấm vóc, phú quý phong lưu rất mực. Từ binh sĩ cho tới người dân ăn chơi xa xỉ... khắp đô thành đâu đâu cũng thấy cảnh khoe giàu sang. Trên bến dưới thuyền kẻ qua người lại tấp nập, náo nhiệt, sản vật quý thì được mọi người mua sắm, các cửa hiệu của khách thương ngoại quốc trưng bày những hàng lạ mắt... Cảnh sắc thật là huy hoàng rực rỡ”.
Khi đó, các chúa Nguyễn cũng nắm trong tay nhiều mỏ vàng lớn, trong đó có mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, nghề kim hoàn lúc này ở Đàng Trong chưa thực sự phát triển, vẫn còn thiếu những người thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật cao; trong khi đó ở Đàng Ngoài, phần lớn các cửa hiệu kim hoàn do người Hoa nắm giữ, họ giữ nghề và rất ít truyền nghề cho người ngoài.
Với sự đam mê nghề kim hoàn, Cao Đình Độ đã ra đất Thăng Long, bằng sự chân thành, ham học hỏi và kiên trì, cuối cùng ông cũng được một chủ hiệu kim hoàn người Hoa đồng ý dạy nghề. Ông học nghề khá nhanh, lại thêm tư chất thông minh nên chẳng mấy chốc mà thạo nghề, trình độ không thua kém các nghệ nhân người Hoa.
Sau khi thành nghề, theo đường biển, ông đã đưa gia đình vào đất Thuận Hóa, dừng chân ở làng Kế Môn (huyện Phong Điền) bắt đầu làm nghề và truyền nghề. Khi nhà Tây Sơn đánh thắng chúa Nguyễn, với tài năng nức tiếng, thợ kim hoàn Cao Đình Độ vẫn được vua Quang Trung trọng dụng, cho vào đội Cơ vệ Ngân tượng (được cho là chuyên nghiên cứu, tạo tác các sản phẩm điêu khắc, chạm trổ vàng bạc, đồ trang sức cung đình). Và khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, chiếm lại đất Thuận Hóa - Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn thì tài năng của cha con họ Cao vẫn được vua Nguyễn cực kỳ coi trọng. Ông được vua Gia Long cấp bổng lộc, tạo điều kiện cho việc phát triển nghề kim hoàn. Các sản phẩm được sử dụng trong cung đình Huế và đồ trang sức trong hoàng cung phần lớn được tạo tác từ ban tay những người nghệ nhân họ Cao và thợ lành nghề làng kim hoàn Kế Môn.
Năm 1810, nghệ nhân Cao Đình Độ qua đời, vua Gia Long sắc phong cho ông là “Đệ nhất tổ sư” và ban cho đất để xây lăng mộ. Tiếp nối tâm huyết của người cha, con trai Cao Đình Độ là Cao Đình Hương sau đó đã tận tâm với việc truyền nghề cho nhiều học trò khác. Nghề kim hoàn ở đất Kế Môn do ông Cao Đình Độ gây dựng, được người con trai phát triển, đưa nghề “ra Bắc, vào Nam” phát triển rực rỡ. Sau khi ông Cao Đình Hương qua đời, đã được vua Minh Mạng phong tước hiệu là “Đệ nhị tổ sư”.
Còn theo sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2): “Học trò của hai ông ở khắp các tỉnh miền Nam, thờ các ông làm đệ nhất, đệ nhị tổ sư. Nhà thờ tổ sư gọi là nhà thờ Tổ nghề Kim Hoàn”.
Hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất trong việc ghi chép năm sinh của ông Cao Đình Độ. Có tài liệu viết ông sinh năm 1735 (sách Địa chí Thanh Hóa), lại có tài liệu viết ông sinh năm 1744 song đều thống nhất về thời gian ông mất - năm 1810.
Lần theo các tư liệu hiện có, chúng tôi tìm về làng Thái Bình, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy - nơi được cho là quê hương của tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ. Tại đây, thủy tổ của dòng họ Cao là Cao Thanh có công lập nên làng Ăn (tức làng Thái Bình), sau khi mất đã được dân làng tôn Thành hoàng, lập đền thờ phụng. Dẫu vậy, các tài liệu về vị tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ thì lại lưu giữ rất ít, chủ yếu là truyền ngôn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải - hậu duệ dòng họ Cao ở làng Thái Bình cho biết: Cùng với một số tư liệu sử thì thời hiện đại, người có nhiều bài viết khẳng định tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ quê ở Cẩm Tú là nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân - một nhà nghiên cứu uy tín. Có thể do ông rời quê hương từ khá sớm hay còn nguyên do nào khác, mà tài liệu tại quê hương Cẩm Tú và cả xứ Thanh ghi chép về ông không nhiều, điều này rất cần được các nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu. Hơn 20 năm trước tôi đã có dịp ghé thăm khu lăng mộ hai ông Cao Đình Độ, Cao Đình Hương và Nhà thờ Tổ nghề Kim Hoàn tại Huế, thực sự rất bề thế, uy nghiêm.
Cũng theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, vùng đất Cẩm Tú trước đây có Hón Lim hay còn gọi là Bai Bông (một nhánh của sông Mã chảy qua). Lưu truyền dân gian kể rằng, ở khu vực dòng chảy qua Cẩm Tú vốn có khá nhiều vàng, vào khoảng thế kỷ 16, 17 người tứ xứ, đặc biệt là các thợ người Hoa về đây khá đông. Phải chăng, ban đầu Cao Đình Độ cũng là một trong những người tham gia tìm vàng thời bấy giờ. Vốn có nghề bít đồng, lại khéo léo nên ông không dừng lại ở việc trở thành phu vàng như mọi người mà mong ước trở thành một thợ kim hoàn. Nuôi khát vọng đó, ông đã ra Thăng Long, học tiếng Hoa rồi xin vào cửa hiệu kim hoàn của người Hoa học nghề. Nhờ bản tính thông minh, ham học, không ngại khó ngại khổ nên được ông chủ quý mến, truyền nghề cho... Sau khi đã thạo nghề, ông Cao Đình Độ đã tìm đường vào Đàng Trong gây dựng cơ nghiệp. Bởi bấy giờ, Đàng Trong của các chúa Nguyễn là vùng đất rất phát triển.
Đã hơn 200 năm trôi qua với những dấu ấn để lại của “Đệ nhất tổ sư” nghề kim hoàn Cao Đình Độ. Hằng năm, vào ngày mất của ông và con trai Cao Đình Hương, những người làm nghề kim hoàn lại trở về đất cố đô để tưởng nhớ những con người tài hoa đã có công gây dựng, phát triển nghề.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong sách Địa chí Thanh Hóa tập 2; và một số tài liệu, bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
- 2024-09-16 08:46:00
Gương sáng “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
- 2024-09-13 09:18:00
Danh quan Hoàng Hối Khanh
- 2024-06-24 10:00:00
Bí thư chi bộ tâm huyết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Lê Tất Đắc “Một cốt cách xứ Thanh”
Tống Phước Trị, người góp phần vào việc mở đất phương Nam
Trưởng dòng họ Ngân với công tác bảo đảm an ninh trật tự
Ông Bí thư chi bộ “mở đường”
Cô học trò nỗ lực giữ gìn văn hóa dân tộc
Thơ Văn Đắc – cái tôi trữ tình luôn mới mẻ
Tướng công Lê Liễu trên đất Bản Định
Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu Thịnh