(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Thanh, hát chèo phổ biến ở nhiều làng quê, âm thầm lưu truyền qua các thế hệ, là món ăn tinh thần được người dân yêu thích. Dù vậy, ở mỗi địa phương, chèo lại có “màu sắc” khác nhau, tạo nên nét riêng đặc sắc... Giữa những ngày xuân, cùng với lễ hội truyền thống, tiếng trống chèo náo nức, lời hát “í ơi, tang tình” lại rộn vang khắp miền quê Thanh.

Cất cao điệu chèo

Trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Thanh, hát chèo phổ biến ở nhiều làng quê, âm thầm lưu truyền qua các thế hệ, là món ăn tinh thần được người dân yêu thích. Dù vậy, ở mỗi địa phương, chèo lại có “màu sắc” khác nhau, tạo nên nét riêng đặc sắc... Giữa những ngày xuân, cùng với lễ hội truyền thống, tiếng trống chèo náo nức, lời hát “í ơi, tang tình” lại rộn vang khắp miền quê Thanh.

Cất cao điệu chèoBiểu diễn hát chèo trong lễ hội truyền thống nghè làng Vĩnh Gia.

Được bồi đắp bởi phù sa sông Mã, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) là vùng đất cổ với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa được giữ gìn qua những thế hệ. Không chỉ vậy, nhắc đến Hoằng Phượng, ta còn nhớ đến một vùng “đất chèo” nổi tiếng khắp xa gần. Sở dĩ gọi là đất chèo là bởi nơi đây, từ đứa trẻ lên năm lên mười đến những bậc cao niên đều “nằm lòng” vài làn điệu chèo. Người Hoằng Phượng còn tự hào có thể “nói chuyện” bằng chèo. Từ chuyện đồng áng, mùa vụ đến học hành... Tất cả đều có thể “khoe” - giới thiệu bằng... chèo. Như: “Đường về quê lúa hôm nay/ Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi/ Quê em có từ bao đời/ Phượng Mao em đó là nơi hát chèo”... Hoằng Phượng có 2 làng lớn là Phượng Mao và Vĩnh Gia, ở cả 2 làng đều có có câu lạc bộ (CLB) chèo hoạt động sôi nổi.

Không ai biết chèo có ở Hoằng Phượng từ bao giờ. Nhưng loại hình nghệ thuật dân gian này thì dường như đã thấm sâu vào mạch nguồn đời sống người dân. Đã từng có khoảng thời gian, chèo ở Hoằng Phượng bị mai một song không mất đi. Để rồi đầu những năm 2000, chèo bắt đầu được khôi phục trở lại, với nỗ lực của những con người tài hoa, tâm huyết như cố nghệ nhân Tô Quốc Phương, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hương, Hàn Hải Vịnh... Để đến hôm nay ở Hoằng Phượng mấy ai lại không biết hát chèo.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương, chủ nhiệm CLB chèo làng Vĩnh Gia, chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi “bén duyên” với chèo cũng đã hơn 40 năm. Tôi nghe mẹ kể, ngày trước gia đình tôi nhiều đời tiếp nối nhau duy trì gánh hát, đến mẹ tôi cũng là người hát hay nổi tiếng trong làng. Tôi thừa hưởng giọng hát từ mẹ. Ngày nhỏ, thường được nghe mẹ hát ru, rồi từ đó mà ngấm - yêu lúc nào không hay. Từ những điệu hát ru, lớn lên tôi học hát chèo, chầu văn, ca trù... năm 2009, CLB chèo làng Vĩnh Gia được thành lập, thật may vì qua nhiều năm, đến nay “lửa chèo” vẫn được các thành viên trong CLB giữ gìn và phát huy, đặc biệt là trong dịp lễ hội”.

Trong lễ hội truyền thống nghè làng Vĩnh Gia (diễn ra vào mùng 8 tháng 2 âm lịch), bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước kiệu thì luôn không thể thiếu biểu diễn hát chèo. Tại lễ hội, các làn điệu Đào Liễu; Luyện năm cung; Đường trường; Bắn thước; Lới lơ; Tứ Quý... vẫn thường được các nghệ nhân của làng - với tình yêu và sự say mê chèo cất cao lời ca, điệu múa thăng hoa trình diễn.

“Đặc biệt, trong lễ hội nghè làng Vĩnh Gia, không chỉ biểu diễn các bài hát chèo đơn lẻ, CLB chèo làng Vĩnh Gia còn dày công dàn dựng các trích đoạn chèo cổ như Thị Màu lên chùa; Đình trưởng hỏi vợ... nhằm mang đến những tiết mục đặc sắc phục vụ người dân” - nghệ nhân Nguyễn Thị Hương cho biết.

Hát chèo ở Hoằng Phượng được biểu diễn thường xuyên ở lễ hội, sự kiện của địa phương. Trên “nền” những làn điệu được truyền lại, các “nghệ nhân” của làng lại biến tấu, sáng tác, viết lời mới cho phù hợp, rồi cả dàn dựng các điệu múa... Tại CLB chèo làng Phượng Mao, nếu như nghệ nhân Tô Thị Nho vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ viết lời mới cho các tiết mục chèo, thì nghệ nhân Đặng Thị Hài lại là “đạo diễn” dàn dựng múa hát... Thường ngày, cũng những con người ấy còn lam lũ với ruộng đồng, vất cả công việc mưu sinh. Nhưng khi vào lễ hội, chương trình nghệ thuật, họ đã hóa thân duyên dáng thành những Xã trưởng; Thị Màu; Mẹ Đốp; Thị Nở; Chí Phèo... thăng hoa cùng điệu chèo, cuốn hút người xem.

Chia sẻ hát chèo ở Phượng Mao, anh Hàn Hải Vịnh, chủ nhiệm CLB chèo làng Phượng Mao, cho biết: “Phượng Mao có hơn 1.000 nhân khẩu thì có đến 2/3 người dân biết hát chèo. Cái “chất” chèo như được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dẫu vậy, để hát chèo không khó nhưng hát hay, hát say thì không thể không đam mê. Chính tình yêu với chèo đã thúc đẩy những người dân quê ở Phượng Mao nói riêng, Hoằng Phượng nói chung “giữ lửa” văn hóa cha ông được tốt hơn”.

Nếu như hát chèo ở Hoằng Phượng tự do biến tấu thì hát chèo - chèo thờ làng Mưng xã Trung Thành (Nông Cống) lại gắn liền với lễ hội đền Mưng và tín ngưỡng thờ Thánh Mưng tức Đức Thánh Lưỡng của người dân trong vùng. Bởi vậy, chèo thờ làng Mưng lại tuân theo những quy định chặt chẽ.

Làng Mưng còn được biết đến với tên gọi Côn Minh nằm bên dòng Lãng Giang. Tương truyền, vào đầu thế kỷ thứ 7, ở phương Bắc, nhà Đường đánh đổ nhà Tùy, từ đó tiến xuống phương Nam xâm lược nước ta. Bấy giờ, cha con Thái thú Lê Ngọc đã tập hợp binh sĩ quyết tâm bảo vệ đất Cửu Chân. Con trai Thái thú Cửu Chân là Chàng Út - Tham Xung Tá quốc Đại vương trong một trận quyết chiến đã bị kẻ địch chém đứt cổ. Tuy nhiên, người và ngựa chạy về đến bến đá làng Mưng thì mới hóa thân. Khắc ghi công lao của Tham Xung Tá quốc Đại vương, người trong vùng về sau đã lập dựng đền thờ, thường gọi là đền Mưng thờ Đức Thánh Lưỡng.

Chị gái Tham Xung Tá quốc Đại vương đóng quân trong Nghệ An, biết tin em trai gặp hiểm nguy đã không quản đường xa xôi đêm ngày ra thăm, mong có thể trợ giúp cho em. Tuy nhiên, bà ra đến nơi thì biết em trai đã hy sinh trong chiến trận. Thương xót em trai, bà đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn. Tương truyền, thi thể bà trôi đến khu vực ngã ba sông Lãng - sông Hoàng - sông Yên thì được người dân phát hiện, đưa lên bờ chôn cất và lập đền thờ, dân gian thường gọi là đền thờ Tam Giang thần nữ - tức đền thờ Vua Bà.

Gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Lưỡng và Tam Giang thần nữ là hát chèo thờ làng Mưng “trên đền trò hát, dưới sông chèo thuyền” trong dịp lễ hội truyền thống diễn ra từ mùng 3 - 8 tháng 3 (âm lịch). Sở dĩ, gọi chèo làng Mưng là chèo thờ là bởi, trò chèo chỉ diễn vào những đêm thờ đức thánh Tham Xung sau đó đồ nghề xếp lại - mỗi năm chỉ một lần; số làn điệu và các làn điệu cụ thể được quy định nghiêm ngặt, không thay đổi, thay thế, biến tấu. Người dân không đem làn điệu hát thờ thần để hát ru con, ru em, ru cháu hay ca hát trong lúc vui chơi; trong bốn đêm hát thờ thần Tham Xung diễn ra bốn trò đã được định sẵn, không du nhập, không thêm bớt, thay đổi... Mục đích diễn trò để thờ “Thánh”, mọi tục lệ, quy định do con người đặt ra được thần thánh hóa... mong cầu thần linh phù hộ cho dân làng nhân khang vật thịnh... Tư tưởng của các trò trong chèo thờ làng Mưng đều đề cao Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa (theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong bài viết Lễ hội chèo mùa xuân làng Mưng).

Ông Lê Huy Cẩn, chủ nhiệm CLB chèo làng Mưng, tự hào: “Chèo thờ làng Mưng là nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng lâu đời của người dân làng Mưng nói riêng, xã Trung Thành nói chung. Mỗi năm chỉ diễn ra một lần, đến ngày lễ hội người dân lại cùng nhau nô nức tập luyện, sửa soạn áo quần đi lễ hội đền Mưng, xem hát chèo thờ với niềm hân hoan”.

Phượng Mao, Vĩnh Gia, làng Mưng chỉ là ba trong số hàng trăm CLB chèo trên khắp mọi miền quê Thanh. Cùng với các loại hình văn hóa dân gian, điệu chèo được cất lên không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân mà còn tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc của mỗi làng quê. Trong những ngày xuân ấm áp, cùng với tiếng trống hội giục giã ngoài đình, đền của làng, tiếng hát chèo vang lên khiến lòng người rộn ràng, tươi vui biết bao...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]