Câu chuyện an cư
Nơi ở mới, điều kiện phải tốt hơn nơi cũ. Nhưng vì nhiều lý do, ngay cả khi đã xây nhà trên đất TĐC, hộ dân vẫn mang tâm trạng về câu chuyện an cư...
Hơn 3 năm nay, các hộ dân khu TĐC phục vụ di dân phường Hải Thượng (giai đoạn 1) ở phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn) vẫn chưa có điện, nước.
Vẫn mòn mỏi đợi chờ
Lên đò vượt sông Mã, ở phía bên kia là bản TĐC Sa Lắng (xã Phú Xuân, Quan Hóa). Đầu bản, đã nghe được thứ âm thanh đặc biệt, đó là tiếng chuông đeo cổ của những “chú bò”. Bà con thường gọi, đấy là giai điệu của bản, ngày nào cũng cứ leng keng, leng keng như thế càng làm cho Sa Lắng thêm trong trẻo, yên bình.
Mới hôm qua thôi, Sa Lắng vừa đón Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện lên làm việc. Tất cả mọi người phải đến nhà sàn của phó bí thư chi bộ bản Hà Văn Nam để tổ chức cuộc họp này. Kể từ năm 2019, bắt đầu thực hiện di dân phục vụ Dự án Thủy điện Hồi Xuân với 53 hộ, đến lúc này khu TĐC Sa Lắng vẫn chưa có nhà văn hóa, đấy cũng là tiêu chí khó nhất trong 3 tiêu chí NTM còn lại mà Sa Lắng chưa thực hiện được.
Và chưa biết khi nào Sa Lắng mới có nhà văn hóa? Đã rất nhiều lần, bà con đặt ra câu hỏi đấy. Dự án Thủy điện Hồi Xuân do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện VNECO làm chủ đầu tư dừng thi công công trình khi mọi thứ vẫn còn dang dở do dự án gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng, thiếu vốn... Theo đó, một số hạng mục ở khu TĐC Sa Lắng cũng đành gác lại. Không chỉ nhà văn hóa mà cầu bắc qua sông Mã để thuận tiện cho bà con đi lại cũng chưa được xây dựng.
Quay trở lại câu chuyện nhà văn hóa, tiêu chí này khó thực hiện đồng nghĩa Sa Lắng chưa thể được công nhận bản NTM. Nỗi lòng không chỉ người của bản mà đó còn là trăn trở của huyện, của xã. Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Sa Lắng ông Cao Thanh Bình trầm ngâm: “Còn 3 tiêu chí NTM thì tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, bản sẽ cố gắng hoàn thành trong năm nay nhưng đối với tiêu chí nhà văn hóa thì không biết khi nào mới thực hiện”. Nỗi niềm này được Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân, bà Hà Thị Cươi chia sẻ thêm: “Theo quy định, công trình của dự án nào thì dự án đó phải thực hiện. Nếu như bây giờ huyện có đầu tư xây nhà văn hóa cho bản thì sau này khi thủy điện hoạt động sẽ không thu hồi được vốn. Không có nhà văn hóa, Sa Lắng chưa thể về đích bản NTM. Không còn cách nào khác là phải chờ dự án tiếp tục vận hành”...
Chờ đến bao giờ thì chưa biết. Chỉ biết rằng, khi các công trình chưa được hoàn trả sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng dự án.
Hơn 3 năm nay, khu TĐC phục vụ di dân phường Hải Thượng (giai đoạn 1) ở phường Xuân Lâm và phường Trúc Lâm (thị xã Nghi Sơn) vẫn chưa đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật. Khu TĐC này có tổng diện tích gần 78ha với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 110 tỷ đồng để phục vụ xây dựng khu công nghiệp luyện kim - Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Giai đoạn 1, 44 hộ dân ở phường Hải Thượng đã thu hồi đất, đủ điều kiện và đã được giao đất ở tại khu TĐC Xuân Lâm và Trúc Lâm. Nhưng, trên hiện trạng khu TĐC hiện nay mới có 7 hộ đã và đang xây dựng nhà. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, khu TĐC này vẫn chưa có điện, nước cho các hộ dân.
Đầu tháng 2/2024, hộ bà Nguyễn Thị Yên (sinh năm 1956) đã chuyển đến khu TĐC ở phường Xuân Lâm. Trong suốt quá trình làm nhà, gia đình bà Yên phải đấu nhờ điện của hộ ông Điều, ông Thu, đây là những hộ đã di chuyển lên khu TĐC từ vài năm trước. “Điện rất yếu. Để khoan giếng, phải nhờ điện của 2 nhà mới khoan được”. Bà Yên cho hay.
Trong khi đó, hộ ông Điều, ông Thu hay ông Hà, ông Thành lại phải nối điện tạm từ nguồn của đơn vị thi công dự án. Vậy là muốn có nước dùng thì phải chủ động khoan giếng, muốn có điện sáng thì phải nhờ nối điện. Không dừng ở đây, đường kết nối vào khu TĐC theo quy hoạch phân khu đô thị và một số đoạn, tuyến đường nội bộ đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ngoài nguyên nhân khu TĐC có khoảng cách xa (15km) thì hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện cũng là lý do khiến các hộ đã nhận đất nhưng chưa làm nhà. “Được biết, đa số các hộ sau khi nhận đất TĐC đều quay về phường Hải Thượng để mua đất tại tổ dân phố khác hoặc ở cùng người thân trong diện tích đất chưa phải thu hồi để tiếp tục sinh sống và làm việc. Chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp đơn vị chức năng tiếp tục giải quyết các vướng mắc để hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các hạng mục còn lại”. Ông Nguyễn Bá Trí, Chủ tịch UBND phường Xuân Lâm cho biết.
Đã an cư... sẽ lạc nghiệp
Vẫn là câu chuyện ở xã Yên Mỹ (Nông Cống). Người dân ở xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm di dời lên khu TĐC xứ Đồng Chợ thôn Yên Lai là sự thay đổi lớn về nhận thức. Khi nhận thức thay đổi tức mọi vấn đề sẽ trở nên tốt hơn. Yên tâm nơi ở mới. Thênh thang đường con trẻ đến trường... Nơi cũ làm nghề gì thì nơi mới vẫn tiếp tục duy trì, chỉ khác giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho công việc tốt hơn.
Do chưa có nhà văn hóa nên buổi làm việc của BCĐ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Quan Hóa với bản Sa Lắng phải tổ chức tại nhà dân.
Tuy nhiên, vẫn không tránh được cái khó. Khi các hộ dân lên sinh sống tại khu TĐC, chắc chắn không thể mang theo đất canh tác. Nơi ở cũ, đất canh tác còn nhưng không thể tiếp tục trồng lúa hay hoa màu. “Quan điểm của xã rất rõ ràng. Người đã lên nơi ở mới thì không được quay lại nơi cũ để sản xuất. Còn một số hộ di dời sau, mới xây xong nhà nhưng do đang dở vụ mùa nên vẫn phải xuống dưới đấy để chăm sóc, trông coi. Xong vụ này là dừng, ở dưới đó không an toàn”, ông Phan Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, cho biết.
Cũng như nhiều hộ dân khác, sau khi di dời lên khu TĐC xứ Đồng Chợ, thôn Yên Lai, gia đình bà Lê Thị Cúc (sinh năm 1955) phải đi thuê ruộng để ổn định cuộc sống. Trước, ở nơi cũ, gia đình bà Cúc có 5 sào ruộng. Về nơi ở mới, bà thuê 4 sào, cứ 1 sào trả 50kg lúa. Như chia sẻ của bà Cúc: “Nơi cũ, khi lũ lụt về, người khổ, cây trồng cũng khổ. Lên trên này, vợ chồng vẫn đan lát, phụ hồ, con cái vẫn làm ở công ty. Công việc nơi cũ như thế nào, lên đây vẫn vậy. Chỉ khác, ruộng giờ phải đi thuê”.
Trong năm 2022-2023, TP Thanh Hóa đã bố trí quỹ đất TĐC cho 32 hộ sinh sống trên sông với tổng diện tích trên 2.300m2 trị giá trên 8,8 tỷ đồng. Trong số đó, phường Thiệu Khánh có 9 hộ được cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở tại MBQH 11965/QĐ-UBND thuộc phường Thiệu Khánh và tại MBQH 598/QĐ-UBND thuộc phường Đông Cương.
Tại MBQH 11965/QĐ-UBND thuộc phường Thiệu Khánh, 5 hộ đã được ở trong ngôi nhà mới còn 2 hộ đang trong quá trình xây dựng. Chi phí cho ngôi nhà mới xây khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Lên bờ là niềm hạnh phúc bao đời của nhiều hộ dân làng chài. Từ đây, sẽ không còn nỗi niềm về “căn nhà” chật hẹp trên sông. Giấc mơ an cư đã thành hiện thực. Nhưng an cư thì phải lạc nghiệp. Đặc biệt với hộ dân làng chài, từ sống trên nước quen với nghề đánh bắt tôm, cá, lúc sinh sống trên bờ, chắc chắn không thể quay lại nghề trên sông. Vậy nên, nhà mới, nghề cũng phải mới. Làm gì, ở đâu khi lên bờ, đó cũng là mối quan tâm của nhiều hộ dân làng chài sau khi được cấp đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở.
Đối với 7 hộ dân được bố trí quỹ đất TĐC tại MBQH 11965/QĐ-UBND thuộc phường Thiệu Khánh, đến thời điểm này một số người đã tìm được việc như đi dọn dẹp thuê, bán quần áo thuê... Dù vậy, vẫn có người đang ở nhà. Đơn cử như hộ bà Lê Thị Xuyên (sinh năm 1964). Gia đình bà Xuyên có 3 khẩu, gồm vợ chồng bà và người con trai. Trước, cả gia đình làm nghề sông nước, nhưng sau khi lên bờ, gia đình cùng ngồi lại bàn bạc câu chuyện việc làm. Con trai bà đang học tiếng Hàn để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động còn vợ chồng bà, khó tìm việc hơn. Ở ngôi nhà mới đã nửa năm, nhưng 2 ông bà hiện vẫn chưa có việc làm. Nhưng suy nghĩ lạc quan của bà đã lấn át những lo âu. Bà nói: “Tôi xin rửa bát thuê, làm giúp việc nhưng chưa được. Tôi đang tính, đi bán rau ngoài chợ. Không dám so sánh với nghề sông nước trước đây nhưng tôi nghĩ, cái khó nhất là chỗ ở thì đã ổn định còn việc làm, trước sau gì cũng tìm được. Đã an cư chắc chắn phải lạc nghiệp”.
Bài và ảnh: Vi An
- 2024-10-03 15:43:00
Người mù lòa bước sang “trang mới” nhờ các nghĩa cử cao đẹp
- 2024-10-03 15:16:00
Khánh thành và bàn giao điểm trường Đoàn Kết - Trường Tiểu học Tén Tằn
- 2024-07-20 07:00:00
Bản tin Tài chính 20/7: Giá vàng quay đầu “lao dốc”
Để “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”
Sôi động sân chơi bổ ích cho thiếu nhi dịp hè
Người nặng lòng với nghề thêu của dân tộc Dao
Thị trường sách giáo khoa 2024: Nguồn cung dồi dào, giá thành giảm
Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Mường Lát
Cảnh giác trước chiêu trò “vay tiền bằng iCloud”
Đóng góp trên 50 tỷ đồng xây dựng quê hương
Xua tan nghi ngờ
11 năm với hành trình di dân