(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, báo chí và mạng xã hội xôn xao câu chuyện một học sinh lớp 6 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử. Nguyên nhân được cho là từ những áp lực học tập, kết quả thi cử không như mong muốn... Và nhiều người bày tỏ sự trách móc cha mẹ, thầy cô giáo dạy em.

Áp lực... ở đâu?

Mới đây, báo chí và mạng xã hội xôn xao câu chuyện một học sinh lớp 6 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử. Nguyên nhân được cho là từ những áp lực học tập, kết quả thi cử không như mong muốn... Và nhiều người bày tỏ sự trách móc cha mẹ, thầy cô giáo dạy em.

Xin được chia buồn đến gia đình cậu bé. Trước sự ra đi của em, hơn ai hết, cha mẹ chính là những người đau đớn vô hạn. Trong cuộc đời con người, sẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất đi cha mẹ - đấng sinh thành và nỗi đau mất con cái do mình dứt ruột sinh ra. Nếu thực sự, cậu học sinh lớp 6 xấu số kia ra đi mãi mãi vì những “áp lực” hay bất luận vì lý do gì đi nữa, thì cha mẹ em có lẽ cũng đang tự trách chính mình. Trong vai trò làm cha mẹ, họ trách mình chưa đủ quan tâm, thấu hiểu để kịp thời cởi bỏ “năng lượng xấu” cướp đi sinh mệnh con trẻ.

Vậy nên, chẳng cần thêm những bình luận lên án, chì chiết quy trách nhiệm, mà có thể người viết ra rồi cũng sẽ quên ngay thôi, chỉ có “nỗi đau” ở lại cho chính gia đình người bị mất mát. Chúng ta chia buồn với nỗi đau mà gia đình em học sinh lớp 6 vừa phải trải qua. Và cũng đồng thời nhìn lại chính mình. Bởi áp lực không loại trừ ai.

Từ chuyện học hành, công việc, sinh đẻ, nuôi dạy con cái lớn khôn, chăm lo kinh tế gia đình... Áp lực không mang hình hài cụ thể nhưng lại có ở khắp nơi, từ những chuyện chẳng ai nghĩ đến. Một người bạn của tôi từng kể, cô ấy dường như sắp “phát điên” vì những câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt của người xung quanh về chuyện nuôi con. Một người khác đã ngoài tuổi “băm” vẫn chưa chịu kết hôn, nói: "Hình như bố mẹ mình chỉ còn thiếu lên loa thông báo tìm chồng cho con nữa thôi”.

Chuyện chăm con, lấy chồng... tưởng bình thường thôi mà cũng quá áp lực. Cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của người khác sẽ hiểu, áp lực không phải chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền, công việc... Nhưng quan trọng, chính là cách mỗi người vượt qua áp lực.

Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện của mình với một nhân vật trong bài viết thời gian trước. Chị là một phụ nữ khuyết tật với cơ thể phát triển không bình thường. Đổi lại, ở chị là ý chí sống mãnh liệt và luôn yêu đời. Chị từng nói: “Bàn tay năm ngón cũng có ngón ngắn ngón dài, vậy cớ sao mình phải so sánh mình với người xung quanh rồi tạo áp lực cho chính mình. Chỉ cần mình thấy ngày hôm nay “tốt” hơn ngày hôm qua, là thành công rồi”.

Áp lực trong cuộc sống là có thực. Nhưng nó không tự sinh ra. Hay nói đúng hơn, nó thường do tự thân mỗi người tạo ra. Đừng nhìn mức thu nhập “khủng” của người khác rồi quay sang tự trách mình sao chỉ kiếm được số tiền ít ỏi; cũng đừng so sánh thành tích học tập của con mình với con nhà hàng xóm... Sự so sánh ở chừng mực nào đó, là động lực để ta cố gắng phấn đấu. Nhưng nếu “quá” nó chính là áp lực “giết chết” niềm vui sống.

Mỗi người, chỉ sống một lần trên đời, sống cuộc đời an vui, ý nghĩa chẳng phải là điều quan trọng nhất sao!?.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]