(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tại huyện Nông Cống, người dân ở nhiều đô thị trong tỉnh đã đổ xô đến các chợ, siêu thị mua tích trữ lương thực, thực phẩm, chẳng những gây thiệt hại kinh tế gia đình mà còn trở thành mối nguy trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Bình tĩnh để chống dịch

Sau ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tại huyện Nông Cống, người dân ở nhiều đô thị trong tỉnh đã đổ xô đến các chợ, siêu thị mua tích trữ lương thực, thực phẩm, chẳng những gây thiệt hại kinh tế gia đình mà còn trở thành mối nguy trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Bình tĩnh để chống dịch

(Ảnh minh họa)

Từ ngày 24 đến 27-8, đã xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng tại huyện Nông Cống, Như Thanh và TP Sầm Sơn. Trong số này có ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, lịch sử tiếp xúc phức tạp. Công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch đã và đang được các lực lượng chức năng ngày đêm thực hiện thần tốc, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe Nhân dân.

Và sau mỗi ca bệnh, việc truy vết, lấy mẫu các đối tượng F1, F2 là nguyên tắc bắt buộc. Thế nhưng, thông tin về dịch đã bị đồn thổi, nâng mức độ nguy hiểm, bịa đặt, truyền tai nhau, gây hoang mang cho không ít người dân. Sáng 26-8, nhiều người dân ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn... đã đổ xô đến các chợ, siêu thị trên địa bàn, túi lớn túi bé mua tích trữ lương thực, thực phẩm, phòng trường hợp giãn cách xã hội. Nhiều người trong số này có tâm lý hoang mang thật, song cũng không ít người hùa theo, kiểu như thấy người khác làm mình cũng làm.

Tình trạng này trước hết đã dẫn đến cảnh ùn ứ, chen lấn, mất trật tự cục bộ tại một số chợ. Trong khi đó, đục nước béo cò, tiểu thương ở nhiều chợ đã đẩy giá hàng hóa lên cao, gây nguy cơ nhiễu loạn thị trường. Và dĩ nhiên, người mua phải chịu thiệt đủ đường.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là mối nguy lây lan dịch bệnh, do phát sinh tình huống tập trung đông người trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Nhận thức được nguy hiểm của dịch, người dân tự mình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang, sát khuẩn... là tích cực, chính đáng. Thế nhưng việc đổ xô đi chợ mua hàng về tích trữ lại là sự hoang mang thái quá. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí đã sớm phát đi thông tin Sở Công thương Thanh Hóa đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống, dù là xấu nhất.

Thông thường, đứng trước nguy cơ cao lây nhiễm dịch ra cộng đồng, một trong những biện pháp hiệu quả nhất là hạn chế tối đa người dân đi lại, hạn chế tiếp xúc để chặn đường lây lan, khống chế và dập tắt ổ dịch. Việc người dân tự phát đổ xô đi chợ đồng nghĩa giúp dịch lây lan, chứ không phải phòng dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở nhiều đô thị trong tỉnh đi mua hàng tích trữ đề phòng việc phải thực hiện giãn cách xã hội sau những đồn thổi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có một đô thị nào phải thực hiện giãn cách xã hội. Và rồi thực phẩm đã mua về, lâu ngày dùng không hết, nhiều gia đình đã phải đi cho người khác, thậm chí là vứt bỏ. Đó là một sự lãng phí trong bối cảnh khó khăn.

Một trong những căn nguyên làm dịch lây lan nhanh và bùng phát dữ dội tại TP Hồ Chí Minh đã được chỉ ra là, từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội (từ 0h ngày 9-7) đến ngày 23-8, người dân thành phố đã có 3 lần đi chợ “đông như hội” để mua lương thực, thực phẩm tích trữ. Cả 3 lần này đều rơi vào thời điểm trước ngày thành phố thực hiện thêm các biện pháp mới để phòng, chống dịch. Dĩ nhiên, rất nhiều ca bệnh được phát hiện sau đó có lịch sử đi lại chen lấn ở các chợ mua hàng tích trữ.

Thế mới biết, hoang mang thái quá tất sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Nên nhớ, cho đến sáng ngày 27-8, cả nước không ghi nhận một trường hợp nào bị chết do đói, nhưng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 9.667 người.

Trước diễn biến mới của dịch, sáng ngày 26-8, trong khi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Sầm Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã yêu cầu TP Sầm Sơn cũng như các địa phương trong toàn tỉnh cần phải xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trước hết và trên hết, nhưng cũng ngăn chặn những hành vi gây hoang mang tư tưởng, thổi phồng, xuyên tạc, bịa đặt làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống Nhân dân.

Hơn lúc nào, tất cả người dân phải bình tĩnh, sáng suốt, tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin chính thống, không hoang mang lo lắng, đề cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, thắt chặt tình đoàn kết, tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo, quy định và ủng hộ các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của cấp uỷ, chính quyền, ban chỉ đạo các cấp.

Đồng Thành


Đồng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]