(vhds.baothanhhoa.vn) - Cháu chán bộ tóc này lắm, xoăn tít lên. Hôm nọ cháu mới bị phạt ghi vào sổ sao đỏ và bị trừ điểm rèn luyện.

Cấm

Cháu chán bộ tóc này lắm, xoăn tít lên. Hôm nọ cháu mới bị phạt ghi vào sổ sao đỏ và bị trừ điểm rèn luyện.

Cấm

(Ảnh minh họa)

Ngồi nghe chuyện của cô cháu gái học THCS, tôi mới nhận ra vì sao thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 của tôi ngày xưa không làm hiệu trưởng được.

Thầy là giáo viên mà lớp lớp thế hệ học sinh ở ngôi trường chuyên của tỉnh đều yêu kính. Tôi nhớ là, trong suốt 3 năm học, chưa bao giờ thấy thầy cầm đến cuốn giáo án. Trống vào học dăm bảy phút mới thấy thầy thủng thẳng chắp tay sau lưng bước vào lớp. Rồi lại thủng thẳng ngồi vào ghế đằng hắng một tiếng rõ to, làm lũ học trò đang túm năm tụm ba phía dưới buôn chuyện, ăn quà vặt, chơi cờ ca-rô nhao lên một chập như đàn vịt xổ chuồng. Lớp trưởng lúc này mới nhăn nhở: “Ối thầy đến bay ơi. Cả lớp nghiêm. Chào thầy”. Thầy tôi làm mặt nghiêm, đứng ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, rồi lại thủng thẳng đi qua đi lại, đi lên đi xuống, nhìn góc nọ góc kia. Cái rồi thầy cười khoe nguyên 2 cái răng thỏ: “Tôi phát hiện rồi nhá, chị Hương giấu cái gì trong ngăn bàn kia, mang ra cống nạp mau”.

Là thầy thừa biết cái Hương nó bị huyết áp thấp, ngăn bàn lúc nào chẳng có túi đồ ăn vặt, khi thì vài cái bánh quy Hải Châu, lúc mấy viên ô mai đường hoặc mẩu bánh mỳ. Nó làm mặt chán nản, lôi túi ô mai ra: “Đây thầy, nhớ là một viên thôi đấy”. Thầy cầm một viên nhấm nháp không quên chọc nó: “Không được mặc cả, tôi tịch thu chia cho cả lớp đấy”. Mấy đứa ngồi gần cái Hương thì nhao lên: “Eo, thầy ăn tham kìa, bọn con chẳng được viên nào”. Đấy, nên thầy được gọi là... chúa đi muộn, chúa ăn ké, chúa ki-bo vì chẳng bao giờ chịu mua quà vặt cho học sinh.

Có khi cả tiết học, thầy chỉ gợi ý vài cái gạch đầu dòng cho học sinh tự tìm hiểu, rồi cả buổi thầy và trò ngồi tán gẫu từ chuyện người xưa, tích cũ đến quần áo, âm nhạc, ẩm thực, tình yêu... Nên thầy còn được gọi là chúa lười biếng.

Đã vậy, chẳng bao giờ thấy thầy ngồi trên ghế của giáo viên, toàn ủn một đứa đầu bàn nào đó ngồi xích vào để buôn chuyện, khiến cả bọn la lên phản đối: “Thầy sang bàn mấy đứa gầy mà ngồi, ép bọn con tắc thở rồi đây”. Rồi chúng nó ra sức ủn thầy bay khỏi ghế mà không được, nên cứ lưng thầy mà đấm thùm thụp. Lại những khi cao hứng với bài giảng, thầy cứ mặt bàn của học sinh mà ngồi ghé, kèm lời... thách thức: “Tôi cứ ngồi thế này đấy, anh chị làm gì được nào”?. Thật đúng là chúa bê tha.

Trong lớp có vài đứa mang máy nghe nhạc lên lớp - dạo ấy là món đồ giải trí sành điệu nhất rồi, thể gì thầy cũng tranh nghe một lúc rồi nhăn mặt chê: “Nhạc với nhẽo gì mà như hàng tôm hàng cá cãi nhau ngoài chợ”. Về trang phục, đứa mặc quần ống loe thì bị chê là như lắp cái chổi kè vào chân, đứa mặc áo cổ bèo thì giễu là giống con cừu đang chịu nóng... Tóm lại là thầy sở hữu gu thẩm mỹ bị chúng tôi đánh giá là cổ hủ, lạc hậu, chậm tiến. Cuộc chiến về thẩm mỹ giữa thầy trò, cho đến nay, sau hơn 2 thập kỷ vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ, phần thắng thường nghiêng về phía học trò của thầy nhiều hơn vì đa phần đã là tiến sĩ, thạc sĩ.

...

Đấy, còn câu chuyện của cô cháu gái tôi thế này. Vợ tôi mất nguyên cả buổi để đi chọn cho cháu một bộ váy áo. Cháu nhận quà mừng lắm, nhưng rồi xịu mặt nói chẳng biết mặc vào dịp nào được. Hiệu trưởng mới của trường cháu là một người mẫn cán và đề cao ý thức kỷ luật. Vì thế, hiệu trưởng yêu cầu áp dụng thêm nhiều quy định mới, trong đó có việc cấm học sinh mặc váy đến trường.

- Cô giáo chủ nhiệm lớp cháu ấy, mỗi ngày cô mặc một bộ váy mới, đẹp lắm, bọn cháu còn chưa từng thấy cô diện bộ váy áo nào lặp lại trong tuần ấy. Chúng cháu thắc mắc, thì cô bảo... vì các em còn nhỏ.

- Thì còn bao nhiêu quần áo đẹp nữa mà? - tôi gợi ý.

- Không được đâu ạ, không chỉ váy mà quần thể thao cũng cấm, quần ống thùng, quần ống bó, áo phông cũng cấm. Thành ra cả tuần bọn cháu phải mặc đồng phục. Mấy đứa con trai cao nhanh lắm, áo đồng phục thành ra sớm ngắn củn. Mấy đứa con gái còi còi như cháu thì áo rộng thùng thà thùng thình. Trong khi đồng phục chỉ được phát 2 bộ vào đầu năm học. Haizzzz!!!.

- Thế cũng chán nhỉ, chẳng được khoe quần áo đẹp với bạn - tôi xoa đầu cháu chia sẻ. Cháu gạt nhanh tay tôi bảo: Ấy, coi chừng tóc cháu xù hết lên là lại bị phạt đấy.

Tôi tròn mắt chưa kịp hỏi thì cháu kể tiếp: - Cháu chán bộ tóc này lắm, xoăn tít lên. Hôm nọ cháu mới bị phạt ghi vào sổ sao đỏ và bị trừ điểm rèn luyện.

- Này, không phải ai cũng mơ được mái tóc xoăn mềm tự nhiên thế này đâu nhé.

- Nhưng mà nhà trường cấm làm tóc xoăn. Cháu giải thích kiểu gì cũng không được - cháu tôi ấm ức tuôn luôn một hồi - con trai cắt tóc 3 phân cũng bị cấm. Có mấy bạn tóc “rễ tre” còn không dám đi cắt tóc nữa. Trong khi cháu thấy các cô giáo làm đủ các kiểu tóc rõ đẹp.

- Cái răng, cái tóc là góc con người. Thì nhà trường muốn các cháu hình thành nền nếp, kỷ luật thôi mà - tôi thở dài chia sẻ cùng cháu, và muốn nhanh chóng kết thúc cơn ấm ức của nó - thế còn quy định gì nữa nào?

- Nhiều lắm ạ, để cháu phải giở sổ... Ghi nhớ cấm ra đã. Đây nhé - cháu mở ngay trang đầu tiên - Cấm sơn móng tay, móng chân; cấm tô son phấn; cấm đi dép không quai; cấm mang điện thoại đến trường; cấm ăn quà vặt; cấm đá bóng;...

- Các thầy cô mang xôi, bánh mỳ lên trường ăn, chúng cháu thắc mắc thì thầy cô bảo đây là ăn sáng, không phải ăn quà vặt. Trong khi có bạn bị huyết áp thấp, phải ăn bánh và uống sữa giữa giờ, thì bị phạt. Buồn cười bác nhỉ. Trường cháu không có lấy một vuông cỏ, mà vẫn có điều cấm dẫm chân lên cỏ. Có bạn lén mang điện thoại, quay một đoạn clip chúng cháu vui đùa làm kỷ niệm, đăng lên Tik Tok cái là ngày mai bị phạt luôn. Buồn cười bác nhỉ?. Cháu đọc thấy ở nhiều trường khác, các bạn có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, phát thanh viên, phóng viên nhỏ... thích lắm mà chẳng thấy các thầy cô tổ chức cho chúng cháu, chỉ thấy... cấm thôi.

- Ừ, buồn cười cháu nhỉ? - tôi nhìn cháu cùng cười trừ rồi ngẫm lại chuyện thầy tôi ngày xưa...

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]