(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 160 vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 130 tỷ đồng. Những vụ lừa đảo này xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nhất là việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để lừa đảo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 160 vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 130 tỷ đồng. Những vụ lừa đảo này xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nhất là việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để lừa đảo.

Việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không mới, song phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, do vậy vẫn có nhiều nạn nhân nhẹ dạ, cả tin bị “sập bẫy”.

Điển hình, tháng 2/2019, bà Nguyễn Thị T, ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa sử dụng mạng xã hội Facebook kết bạn với một tài khoản có tên Johnson Gowda. Quá trình làm quen, đối tượng “nổ” có khối tài sản lớn hàng tỷ đô la muốn chuyển về Việt Nam để đầu tư kinh doanh. Do đang công tác và không có người thân ở Việt Nam nên nhờ bà T. nhận hộ. Để tạo lòng tin, đối tượng này hứa sẽ trích cho bà T. 10% trong tổng số tiền gửi về. Một thời gian sau, có một đối tượng nữ giới, xưng là nhân viên sân bay gọi điện thông báo là bà T. có hàng của ông Johnson Gowda gửi về, do món hàng có giá trị lớn, nên yêu cầu bà T. chuyển các khoản tiền lệ phí bảo vệ, an ninh, vận chuyển... Nghe vậy, trong các ngày từ ngày 27/2 đến 28/3/2019 bà T. đã 9 lần chuyển khoản cho các đối tượng với tổng số tiền lên tới 1,163 tỷ đồng. Thế nhưng sau khi chuyển tiền bà T. đã không nhận được bất cứ tài sản nào như đã hứa. Khi phát hiện mình bị lừa, bà T. đã đến Công an tỉnh Thanh Hóa để tố giác tội phạm.

Lực lượng công an tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng thông qua mạng xã hội, tháng 2/2019, chị Trần Thị Y, xã Quảng Đông, TP Thanh Hóa đã dùng Faceboook để nhắn tin với một người không rõ danh tính sử dụng nickname Luly Nguyen, người này hứa sẽ chuyển một khoản tiền để mua đồ cho chị Y. Để thực hiện việc này, đối tượng yêu cầu chị Y gửi số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tên chủ tài khoản và mật khẩu. Sau khi gửi thông tin, chị Y tá hỏa khi phát hiện trong tài khoản bị trừ 100 triệu đồng.

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội mà Công an tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận trong thời gian qua. Qua điều tra, nắm tình hình và giải quyết các vụ việc cho thấy: Phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là thông qua mạng xã hội lợi dụng sự tin tưởng, nhẹ dạ để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân; giả mạo và tự xưng là cán bộ của cơ quan nhà nước để đe dọa, lừa đảo, ép nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng; hoặc lợi dụng việc bán hàng online qua Facebook, Zalo... chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền nhưng sau đó không gửi hàng hoặc gửi hàng không đúng như thỏa thuận. Một số đối tượng hack tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân, lấy danh nghĩa của nạn nhân nhắn tin với những người thân quen để nhờ nạp card điện thoại, vay tiền hoặc gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng mà chúng đã chuẩn bị. Nguy hiểm hơn, bọn chúng còn giả danh người nước ngoài kết bạn làm quen, mong muốn góp tiền để đầu tư làm ăn, tặng quà có giá trị. Tuy nhiên, để nhận được tiền, quà, nạn nhân phải nộp tiền thuế, lệ phí theo số tài khoản mà chúng cung cấp... Khi lấy được tiền của bị hại, chúng khóa số điện thoại và tài khoản đăng nhập trên mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra còn một phương thức lừa đảo qua mạng xã hội mà nhiều người trong thời gian qua đã sập bẫy là các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn qua facebook và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh chương trình trao thưởng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Những thủ đoạn này không mới nhưng đánh trúng vào lòng tham, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của nhiều người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm tình hình và lập án đấu tranh. Chỉ sau một thời gian ngắn ra quân, các đơn vi công an trong tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ hàng loạt đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng mạng xã hội.

Điển hình, ngày 19/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Lại Văn Sơn (SN 1989), ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo tài liệu của cơ quan CSĐT: Sau khi quen biết chị L.T.S (SN 1989), ở xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Lại Văn Sơn đã lập một tài khoản Facebook với nick name Phan Cong Hoang và đăng ảnh đại diện là hình biểu trưng của lực lượng CAND. Đồng thời, làm quen và giới thiệu với chị S. là mình đang công tác tại một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Sau đó, Sơn lập thêm các tài khoản Facebook khác và cũng lấy ảnh đại diện là những biểu trưng của lực lượng CAND để làm quen, nói chuyện với chị S. và tự giới thiệu là bạn đang công tác cùng đơn vị với người có tải khoản Facebook Phan Cong Hoang. Sau khi đã tạo được tình cảm, lòng tin với chị S, với các tài khoản Facebook trên, chỉ tính từ tháng 8/2018 đến 3/2019, Lại Văn Sơn đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị S. tổng số tiền 850 triệu đồng.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ và bắt giữ 5 đối tượng gồm: Võ Văn Tuấn Kiệt (sinh năm 1996), Trần Quang (SN 1992), Trương Đức Huy (SN 1999), Huỳnh Văn Lâm (SN 1997), đều ở tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Văn Thanh (SN 1999) ở TP Đà Nẵng về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Với thủ đoạn sử dụng các trang web và soạn thư trúng thưởng có giá trị lớn, các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp cả nước với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Việc sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp. Vì vậy bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, thì mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và bảo vệ tài sản của mình. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Tô Hùng


Tô Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]