(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình cờ thế nào tôi mò được facebook của thằng bạn ở cùng phòng, ăn chung nồi hồi sinh viên. Nó ra trường, vất vả mưu sinh trong Nam, ngoài Bắc và mất liên lạc với lớp cả chục năm nay.

Chừa thói ba hoa

Tình cờ thế nào tôi mò được facebook của thằng bạn ở cùng phòng, ăn chung nồi hồi sinh viên. Nó ra trường, vất vả mưu sinh trong Nam, ngoài Bắc và mất liên lạc với lớp cả chục năm nay.

Chừa thói ba hoa

(Tranh minh họa. Nguồn: Internet)

Giờ nó định cư ở nước ngoài, tại một thành phố hiện đại, bình yên và tươi đẹp, là chủ doanh nghiệp và có một gia đình đáng mơ ước. Mỗi lần nói chuyện là một lần nó khoe về cuộc sống đáng yêu.

Lần nào nó cũng bảo: “Mày thu xếp đưa cả gia đình sang đây một chuyến đi, tận hưởng và trải nghiệm những điều mới mẻ, văn minh, hiện đại”.

Ban đầu thì tôi tò mò, hứng thú với những câu chuyện nó kể, nghe nhiều quá thành ra ghen tỵ. Cứ như nó đang khoe khoang sự sang trọng và giễu cợt cái thằng tôi công chức với cái nhà đi thuê, cái xe “hắt hơi xổ mũi” mạn tính, với “nóc nhà” luôn than thở chật vật chi tiêu và với cả những nắng, mưa, bụi, rác,... ở cái vùng ngoại ô này.

Một hôm nó cảm thán: “Mấy năm nay dịch dã, không được về quê, nhớ quá mày ạ”.

Á à, cơ hội đây rồi. Cơ hội để... “trả thù” cái sự sang trọng đáng ngưỡng mộ của nó đây chứ đâu. Tôi gõ vội lên bàn phím: “Điều kiện bình thường trở lại rồi, mày về đi, thăm lại quê tao luôn, bảo đảm... hoành tráng”.

“Nhớ ngày xưa quê mày vừa nghèo vừa buồn mà?”. Nó hỏi lại.

“Ối chà, bao năm còn gì. Giờ khác lắm mày ơi. Hiện đại, văn minh, không thiếu thứ gì, có khi còn hơn nơi mày đang sống ấy chứ”.

Biết ngay mà, bạn tôi đăng cái biểu tượng cảm xúc ngạc nhiên to đùng. “Thế đường sá có còn cảnh ô tô, xe máy, xe đạp nhốn nháo chung một làn, còi bấm inh tỏi không? Tao vẫn ớn cái cảm giác đứng hàng chục phút đồng hồ mà không sang đường được”.

“Không mày ơi”, tôi múa tay trên bàn phím. “Đường mở rộng 8 làn, ô tô có đường ô tô, xe máy, xe đạp cũng có đường riêng. Vỉa hè cho người đi bộ đủ rộng để tổ chức cả lễ hội ấy chứ. Sang đường thì có hầm, có cầu vượt chứ”.

“Tốt quá”. Bạn tôi trả lời ngay. “Thế rồi ra đường có gặp người ăn xin, bán hàng rong cứ lẽo đẽo theo rồi mè nheo chào bán hàng nữa không mày”.

“Không, không”, tôi hăng máu gõ tít mù. “Làm gì còn. Có cả khu cư xá mấy tầng cho trẻ lang thang với người vô gia cư sống rồi. Đẹp như khu nghỉ dưỡng ấy chứ. Học hành, công việc bố trí trong đấy cả”.

“Ừ, phải thế chứ. Mà này, đường sá rộng thế, rồi có còn đội choai choai đầu xanh đầu đỏ, lạng lách vượt đèn đỏ cái vèo không mày. Vợ con tao mà gặp cảnh đấy chắc sợ đứng tim”.

“Chuyện thời nào ấy chứ mày. Tất cả phụ huynh ở quê tao, giờ đều tự hào nói câu con cháu nhà tôi ngoan lắm. Các cháu bây giờ còn làm gương cho xã hội khi tham gia giao thông ấy chứ”.

“Vậy thì yên tâm quá”. Bạn tôi hỏi dồn: “Thế quê mày có nơi nào cho bọn trẻ con chơi không. Sợ về chúng nó buồn”.

“Dào ôi, sợ chúng nó không có sức mà chơi ấy. Này nhé, cả một công viên nước bề thế ngay trung tâm. Một nhà văn hóa thiếu nhi với cả sân bóng đá, bóng rổ, sân trượt pa-tanh, bể bơi mi ni, phòng chiếu phim, các câu lạc bộ ca - múa - nhạc - họa... Mà miễn phí hoàn toàn nhé”. Được đà tôi “bắn” liên hoàn.

“Tuyệt vời”. Bạn tôi thốt lên. “Thế này, tao mà về thì lại sợ mất thời gian với... làm phiền đến gia đình mày”.

“Ối giời ơi”. Đến đây thì bàn phím máy tính của tôi đã nóng rực lên rồi. “Tao không đến cơ quan thì vẫn chỉ đạo đội lính tráng làm từ xa vô tư mà. Với lại, tiền nhiều để làm gì. Với tao thì có một cái biệt thự nhỏ, 2 cái “bốn bánh” cho 2 vợ chồng, tháng dăm ba chục triệu tiết kiệm là đủ với một... công chức rồi. Không phải cố làm giàu làm gì. Mình làm, nhưng phải biết hưởng thụ cuộc sống mày ơi. Mà tao nhỡ bận không đi chơi cùng mày được thì có vợ tao mà, cả ngày chỉ có mỗi việc đưa đón con cái với sắm sanh, làm đẹp. Vợ mày về, có khi lại hợp khoản đấy ấy chứ”.

“Ừ mày nói phải. Anh em mình cũng có chút tuổi rồi, cũng phải sống chậm lại chút”.

“Đấy, nên mày thu xếp đi nhé. Về đây tao lo tất”. Tôi bổ ngón tay xuống bàn phím.

“Ừ, thì tại cũng muốn mày bất ngờ thôi”.

“Chứ thực ra tao cũng đặt vé máy bay rồi”.

“Tuần sau tao về đấy”.

“Ghé mày trước nhé”.

Bạn tôi gõ chậm từng dòng một. Đọc đến đâu, mồ hôi tôi túa ra đầm đìa đến đấy, toàn thân cứng đờ.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]