(vhds.baothanhhoa.vn) - Vào mùa mưa bão, công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, nhất là tại các bến đò, bến khách ngang sông đang siết chặt, với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

Vào mùa mưa bão, công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, nhất là tại các bến đò, bến khách ngang sông đang siết chặt, với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Ông Phạm Viết Giang - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) TP Thanh Hóa, cho biết: TP Thanh Hóa hiện có 1 phương tiện chở khách ngang sông và có khoảng hơn 100 tàu thuyền chuyên kinh doanh dịch vụ, tập trung chủ yếu ở xã Thiệu Khánh. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho các loại phương tiện này trong mùa mưa bão, ngoài tham mưu cho ban ATGT thành phố ra văn bản chỉ đạo 4 địa phương có phương tiện kinh doanh nghề sông nước (xã Hoằng Đại, Hoằng Quang, Thiệu Khánh và phường Đông Hải), Công an thành phố đã phối hợp chính quyền các địa phương nói trên đẩy mạnh tuyên truyền, phòng tránh đuối nước; tổ chức cho các hộ làm nghề kinh doanh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy, cấp phát áo phao cho chủ phương tiện..., Công an thành phố đã phối hợp với Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Nhờ đó, ý thức người điều khiển phương tiện đường thủy đã dần được nâng lên, nhiều năm qua, chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến đường thủy.

Các bến phà đang thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.

Huyện Hoằng Hóa hiện có 6 phương tiện tham gia chở khách ngang sông, nhưng chỉ có 2 bến được cấp phép đó là bến đò Phùng (xã Hoằng Phượng) và bến phà Hoằng Yến (xã Hoằng Yến). Ông Trương Tấn Lợi - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Hoằng Hóa cho biết: Ngoài cấp phát áo phao, cục nổi cho chủ phương tiện, cán bộ của Đội còn thường xuyên tới các bến đò ngang tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động các phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu; hướng dẫn phương pháp sử dụng áo phao cứu sinh an toàn cho người dân tham gia giao thông đường thủy... Nhìn chung, chủ phương tiện và hành khách đi đò đều đã có ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy.

Cũng theo ông Trương Tấn Lợi, 4 bến đò chưa được cấp phép (thuộc các xã: Hoằng Trường, Hoằng Phụ, Hoằng Châu và Hoằng Giang), đã được chính quyền các địa phương nói trên quản lý, giám sát. Việc bến đò còn hoạt động hay không, ông Lợi không dám chắc vì cán bộ của đơn vị hiện nay rất mỏng, hơn nữa nếu để phát hiện sai phạm của các chủ đò này, đơn vị cũng không có phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát.

Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa: Từ đầu năm đến nay, với nhiều giải pháp quyết liệt, chủ động mọi tình huống, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, không có “điểm nóng”. Lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, vi phạm quy định bảo đảm ATGT đường thủy; phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách ngang sông; kiểm tra, đôn đốc tổ tự quản về an ninh trật tự trên đường thủy, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy, phục vụ nhân dân đi lại an toàn. Qua tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Cũng theo Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy diễn ra ở nhiều tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, đã và đang gây cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Việc khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông... đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, số phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát, phương tiện hoạt động nhưng chưa đăng ký còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là trên các tuyến sông nhỏ...

Để công tác bảo đảm ATGT đường thủy đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Phòng CSGT Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]