(vhds.baothanhhoa.vn) - Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giai thông nhưng phổ biến nhất vẫn là do bia, rượu. Thế nhưng, vì ham vui hoặc vì quan niệm “nam không tửu như cờ vô phong” nên ngay cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì nhiều người vẫn vô tư đi quán xá nhậu nhẹt và điều khiển phương tiện giao thông.

Đừng để có thêm những nạn nhân giao thông

Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giai thông nhưng phổ biến nhất vẫn là do bia, rượu. Thế nhưng, vì ham vui hoặc vì quan niệm “nam không tửu như cờ vô phong” nên ngay cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì nhiều người vẫn vô tư đi quán xá nhậu nhẹt và điều khiển phương tiện giao thông.

Đừng để có thêm những nạn nhân giao thông

Ảnh minh họa

Ngày quốc tế đàn ông (19-11), đứa bạn thân lấy cớ rủ tôi tham gia một cuộc nhậu. Tôi vội từ chối với lý do vợ đi làm công nhân về muộn nên phải có mặt ở nhà để nấu cơm và chăm lo cho bọn trẻ. Vậy mà đã chẳng thông cảm thì thôi, nó liền cao giọng khích tướng: “Cơm nước là việc của đàn bà. Ông phải đi nhậu với tôi, nếu không sẽ chẳng phải là đàn ông”. Thế là vì sỹ diện, tôi đành miễn cưỡng nhận lời.

Có mặt tại điểm hẹn, ngoài bạn tôi ra còn có 4 người khác đang vây quanh một nồi lẩu. Sau lời chào hỏi, bạn tôi nói lớn như nhắc nhở: “Nhập mâm đi ông”. Hiểu ý, tôi tự rót rượu uống riêng một chén vì là người đến sau theo lệ thường trong giới nhậu. Sau đó, cả bàncười nói rôm rả với biết bao nhiêu là chuyện. Trong muôn thứ chuyện ấy, tôi để ý thấy “màn nói xấu vợ” là rộn ràng hơn cả.

Uống chừng dăm chén thì tôi có cảm giác nóng mặt vì chưa kịp ăn gì lót dạ. Vốn tửu lượng kém nên tôi kiếm cớ nghe điện thoại vợ gọi để xin phép về trước. Thấy vậy, mọi người trong bàn nhậu đều nói tôi “sợ vợ” rồi níu kéo đủ cách. Nhưng khi thấy tôi cương quyết họ liền chuốc phạt tôi vài chén rồi mới chịu cho ra về. Tôi nói với nhân viên gửi xe máy ở lại để bắt taxi về nhà. Trước lúc lên xe tôi còn quan sát thấy ở những bàn nhậu khác có người đã say xỉn nhưng vẫn cố hò “zô” như để níu giữ một cuộc vui đã nhạt đi ít nhiều.

Trên đường về, tôi nghĩ đến một người hàng xón từng rất thân thiết. Cũng vì quá chén trong một đám cưới mà 3 năm trước, anh ấy đã ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông. Bất giác, tôi thấy lo cho những người vừa ngồi cùng bàn nhậu. Vì niềm vui của bản thân, họ nói dối là có việc nọ, việc kia để về muộn. Không biết họ có gọi taxi hay vẫn cố điều khiển xe máy sau khi tan cuộc nhậu?...

Sau Ngày quốc tế đàn ông là đến Ngày Quốc tế tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (21-11). Nhớ đến đó, tôi càng thấy lo lắng hơn khi nhìn đâu cũng thấy cảnh người rôm rả ở các quán nhậu trên đoạn đường về nhà. Rút điện thoại ra gọi cho bạn của mình, tôi dặn nó đừng uống quá nhiều và nhớ bắt taxi để về nhà cho an toàn, vừa đỡ bị công an xử phạt nếu phát hiện. Vậy mà nó chẳng nghe, lại còn quay sang chọc quê tôi: “Ông cứ lo cho cái thân ông đi. Còn tôi chết thế nào được”.

Đêm ấy bạn tôi đã trở về bình an vô sự. Nhưng nếu tiếp tục xem bàn nhậu là nơi để thể hiện “bản lĩnh đàn ông” thì khó mà đảm bảo rằng sau này sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Trong 10 tháng năm 2021 cả nước xảy ra 8.859 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.552 người. Đó là con số đã giảm sâu so với những năm trước đó nhờ những biện pháp can thiệp mạnh và ý thức người tham gia giao thông phần nào đã được cải thiện. Tôi không nghĩ mình khôn ngoan, chỉ là phía sau tôi luôn có vợ, con chờ đợi. Ai cũng sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình để biết có điểm dừng đúng lúc thì dù là “Ngày đàn ông” hay bất cứ ngày vui nào đi nữa, cũng sẽ không có nhiều nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đến thế.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]