(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều nông dân đang nghĩ đến việc họ sẽ mua được những lô đất nền ở những mặt bằng mới khi mà việc kiểm soát giá đất của Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hậu cơn sốt đất làng

Nhiều nông dân đang nghĩ đến việc họ sẽ mua được những lô đất nền ở những mặt bằng mới khi mà việc kiểm soát giá đất của Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hậu cơn sốt đất làng

(Ảnh minh họa)

Đang tha thẩn ở khu đất đầu làng thì gặp mấy người hàng xóm cũ, tưởng tôi định mua, họ bảo: Đất ở đây giờ chẳng biết là của ai nữa. “Cò vạc” bay đi hết rồi.

Hỏi ra mới biết, qua mấy đợt bán đấu giá, nhiều nhà đầu tư ở nơi khác đến mua cùng với sự tham gia mạnh mẽ của những “cò đất” đã đẩy giá đất làng lên gấp nhiều lần giá trị khởi điểm, nên chả có người nào trong làng tôi mua được cả, dù không ít người có nhu cầu.

Cả mấy trăm lô đất ở mặt bằng này đều thuộc về nhà đầu tư. Nhưng khi giao dịch đóng băng, nhà đầu tư chẳng còn đủ kiên nhẫn để nghe điện thoại nữa.

Gọi cho một số máy ghi trên tấm biển cắm ở khu đất nền, sau khi nghe tôi nói có nhu cầu mua đất, người nghe không hào hứng gì. Dường như họ biết giao dịch chẳng đi đến đâu, vì giá rao bán cao hơn nhiều lần giá người trả.

Theo người làng nói, cơ bản chủ nhân hiện tại của những lô đất không phải là người mua ban đầu. Đất ấy đã bị “xào xáo” qua nhiều người nên giá bị đẩy lên chót vót. Những ngày “sốt” đất cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều người xem đất như kênh đầu tư sinh lời nhanh, người không có vốn thì làm nghề “cò đất”, kiếm tiền bằng việc tham gia đấu giá ảo. Đó là thời gian mà đất nền là “từ khóa” được ưa thích nhất, nhiều công việc bị bỏ bê, sản xuất bị ngưng trệ vì đất. Chỉ riêng làng tôi nghe nói đã có tới mấy “cò đất”, quán xá tấp nập, râm ran câu chuyện về đất, có những “cò đất” làm cao với người mua.

Tình trạng ấy không chỉ riêng ở quê tôi sau khi có thông tin xã sẽ sáp nhập vào thị trấn huyện lỵ, đất làng ở nhiều vị trí trở thành khu công nghiệp, đô thị nay mai, mà nhiều nơi khác đất cũng “sốt” giá sau những thông tin mù mờ, nhiều người dựa vào đó như cơ hội để đổi đời.

Một người quen của tôi là giáo viên dạy giỏi cũng bỏ dạy thêm để gia nhập đội quân “cò đất". Nhưng giờ thì đúng như người làng tôi nói “cò vạc bay đi hết rồi”. Một không khí ảm đạm ở nhiều mặt bằng quy hoạch mới, biển thông báo số điện thoại giao dịch bạc màu, rách rưới nhưng chẳng còn ai quan tâm chỉnh sửa. Giá đất đang trở lại đúng giá trị thực, nhiều người tìm về công việc cũ. Một cơn “bong bóng” bất động sản ở phân khúc đất nền đã khiến nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều người từ tay trắng nhờ “cò kéo” đã trở thành tỷ phú và cũng không ít tỷ phú cầm sổ đỏ trong tay nhưng không thể giao dịch, tiền lãi thì vẫn phải trả mỗi ngày. Cơn “sốt” đất khiến tôi liên tưởng đến thời kỳ đầu của thị trường chứng khoán, người tỉnh táo kiếm bội tiền, còn người ăn theo thì sa lầy vào cảnh cổ phiếu rớt giá thê thảm sau đó.

Cơn “sốt” nào rồi cũng qua nhưng hệ lụy của nó thì phải lâu dài mới khắc phục được. Trong cơn “sốt” đất vừa rồi, Nhà nước đã kịp thời tháo “ngòi nổ” của những “quả bom” đất, lập lại trật tự. Sau cơn “sốt” đất, quê tôi trở nên yên bình hơn. Nhiều nông dân đang nghĩ đến việc họ sẽ mua được những lô đất nền ở những mặt bằng mới khi mà việc kiểm soát giá đất của Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả. Lúc ấy chỉ còn giao dịch thực chất giữa người bán và người mua, vì “cò vạc” đã bay đi hết rồi.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]