(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình cờ tôi nghe được một doanh nhân trong ngành bất động sản ở TP Thanh Hóa kể rằng, anh nghe nói ở tỉnh Hòa Bình có hòn đá thiêng, chủ nhân là một người Mường khấn gì được nấy. Anh bố trí lên nhờ khấn chỉ với mong muốn bán được dăm lô đất trong số hàng chục lô mà anh đang sở hữu. Chỉ đơn giản thế, vì nguồn tiền đầu tư vào đất của anh quá lớn, trong đó hơn nửa là vay ngân hàng.

Kiên gan với đất nền!

Tình cờ tôi nghe được một doanh nhân trong ngành bất động sản ở TP Thanh Hóa kể rằng, anh nghe nói ở tỉnh Hòa Bình có hòn đá thiêng, chủ nhân là một người Mường khấn gì được nấy. Anh bố trí lên nhờ khấn chỉ với mong muốn bán được dăm lô đất trong số hàng chục lô mà anh đang sở hữu. Chỉ đơn giản thế, vì nguồn tiền đầu tư vào đất của anh quá lớn, trong đó hơn nửa là vay ngân hàng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Sau chuyến đi xin “thần đá”, mỗi sáng thức dậy anh đều hy vọng sẽ có những số điện thoại thiện chí gọi cho anh. Nhưng sự chờ đợi của anh đã kéo dài trong vô vọng mấy tháng nay, giống như rất nhiều người khác đã trót đầu cơ vào đất.

Khi đất đai mất thanh khoản đã làm thay đổi nhịp sống ở nhiều nơi, với nhiều người. Một quán cà phê ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa sáng nào cũng có vài chục “cò đất” tụ họp, bàn tán. Bây giờ thì quán vắng vẻ hơn, không còn những “cò đất” ngồi lỳ và những cuộc giao dịch ồn ã.

Nhiều người đưa ra quan điểm rằng, đất là thứ có thể giúp con người nhanh thay đổi nhất. Hợp đất, lỳ đòn với đất thì chả mấy chốc mà phát tài. Hàng xóm nhà tôi là một công chức lãnh đạo, đã nhiều lần khuyên tôi đầu cơ vào đất. Chị còn sẵn lòng truyền dạy những ngón nghề và đưa tôi đi thực tế. Sự thịnh tình ấy của chị tôi nhận, nhưng tôi không có gan, nên bằng lòng với việc làm công ăn lương của mình.

Bây giờ thì hàng tháng tôi vẫn lấy lương, còn hàng xóm nhà tôi thì hàng tháng còng mình trả lãi ngân hàng. Những miếng đất mà chị tấm tắc rằng rất đẹp, sẽ sinh lời lớn nay mai, giờ là gánh nặng. Chị muốn bán lắm rồi, nhưng khách mua thì có thể nói là rất ít, chủ yếu là khách có nhu cầu thật, muốn mua với giá trị thực. Tôi biết đó cũng là nỗi niềm của rất nhiều nhà đầu tư bất động sản “nửa mùa” trong thời gian qua. Khi mà đất đai sốt sình sịch mấy năm trước đã có rất nhiều cán bộ bỏ bê việc làm, vay mượn tiền nong lao vào làn sóng “lướt đất”. Thực tế thì việc lướt ấy đã đem lại cho họ những thu nhập không hề tồi khi mà đất đai còn là mặt hàng được nhiều người mua đi bán lại. Nhưng giờ thì đất “nằm chết”, hàng “núi tiền” đang bị “chôn” trong đất. Ngay đến những đại gia của ngành bất động sản có rất nhiều mối lái, quan hệ, tiềm lực không mỏng, nhưng cũng đang điên đầu, thì lấy đâu ra cơ hội cho “cò đất” tự phát hay những người “lướt ván” đất theo phong trào.

Đất đai ảm đạm, “cò đất” không còn tranh giành gây ra sự phức tạp xã hội, nhiều người chuyên tâm hơn với công việc chính của mình cũng có thể xem là điều mừng, nhưng rõ ràng hệ lụy của việc hậu sốt đất nền là không hề nhỏ. Chưa nói đến chuyện những cá nhân đầu cơ đất phải gồng mình trả lãi mỗi ngày, hãy nói đến dòng tiền, nhu cầu vốn cho việc phục hồi nền kinh tế, sẽ lấy từ đâu? Những nguồn tiền rất lớn mà các tổ chức tín dụng cho vay và người dân đầu tư đang bị “chôn” trong đất sẽ phải nằm yên cùng những rủi ro dự báo là sẽ lâu dài. Trong khi nhiều người đã tính đến chuyện bán tháo đất cho những người có nhu cầu sử dụng thực để hoàn vốn, thì nhiều người vẫn cố gắng ý chí với niềm tin rằng “người sinh chứ đất có sinh bao giờ”. Quả bong bóng đất xẹp xuống chỉ là tạm thời, nó sẽ trở lại sớm thôi như quy luật thường thấy của thị trường bất động sản. Hàng tháng họ vẫn chấp nhận chạy vạy lấy nguồn tiền chỗ này để đập vào chỗ kia, lấy nguồn vay này đảo nợ cho món vay khác. Chả biết họ sẽ cầm cự được đến bao giờ, trong khi vòng quay của quy luật có ít cũng phải dăm bảy năm.

Tại tọa đàm về dự báo thông tin thị trường bất động sản năm 2023 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhìn nhận rằng, trong bối cảnh thị trường suy giảm nhà đầu tư dù không muốn lỗ, nhưng có những lúc phải chấp nhận cắt lỗ còn hơn là mất hết.

Thay cho việc ý chí với đất đai làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, hãy xem đó là một khuyến nghị hợp lý lúc này.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]