(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cuộc sống, ai cũng mong mình mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật. Vậy nhưng cũng lại nói, cuộc sống này luôn không thiếu những điều bất trắc xảy đến bất ngờ. Thế nên, hãy đừng “tiếc” cho mình một chiếc thẻ bảo hiểm y tế “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”.

Lại chuyện bảo hiểm khi nằm viện

Trong cuộc sống, ai cũng mong mình mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật. Vậy nhưng cũng lại nói, cuộc sống này luôn không thiếu những điều bất trắc xảy đến bất ngờ. Thế nên, hãy đừng “tiếc” cho mình một chiếc thẻ bảo hiểm y tế “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”.

Lại chuyện bảo hiểm khi nằm viện

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Sau giờ tan làm, tôi tranh thủ ghé bệnh viện thăm người họ hàng đang nằm điều trị. Quả thực, vào đến bệnh viện rồi mới hiểu, chẳng có gì quý hơn sức khỏe.

Sau những bước chân mệt mỏi, tôi cũng tìm được đến phòng người họ hàng. Mới nằm viện có mấy hôm mà bác sút đi trông thấy. Nằm ở giường bên cạnh bác tôi là một người đàn ông quê ở huyện miền núi Thạch Thành. Anh cũng giống bác tôi, có sỏi trong bàng quang, mới phẫu thuật được vài ngày.

Đang ngồi trò chuyện thì thấy vợ người đàn ông đi vào, trên tay chị còn cầm đơn và thuốc mới mua, gương mặt không giấu được sự lo lắng. Chị bảo: “Khiếp, thuốc đắt quá, có mấy ngày uống mà hơn 5 triệu bạc”. Rồi chị lại bảo với chồng: “Hơn 30 triệu tiền mang theo đã gần hết, có khi sáng mai em phải tranh thủ về quê vay mượn thêm ít tiền để đề phòng hôm thanh toán viện phí có thiếu”.

Tôi ngồi ở giường bên cạnh chẳng biết nói gì ngoài việc an ủi anh chị, ốm đau cũng là việc không may, còn người còn của. Nói là vậy, nhưng tôi cũng hiểu phần nào cái sự lo lắng của họ.

Ngồi trò chuyện một lát, tôi càng thấu hơn cái sự lo lắng, muộn phiền của vợ người đàn ông ấy. Vợ chồng anh chị là lao động tự do, chồng làm thợ xây, vợ ở nhà đồng áng, lợn gà, thi thoảng trong vườn có mớ rau, vài quả trứng dùng không hết thì mang đi chợ bán, vậy nên kinh tế cũng không dư dả gì. Nhà lại có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi học hành nên rõ là tốn kém. Là người phụ nữ, đảm nhận việc vun vén chi tiêu trong nhà nên chị cũng thường phải tiết kiệm.

Chị bảo: “Mấy năm trước, năm nào tôi cũng đăng ký mua bảo hiểm y tế cho cả hai vợ chồng, bọn trẻ con thì đã mua ở trường. Vậy nhưng, đúng là không ai biết trước chữ “ngờ”. Thấy năm nào cũng mua mà không phải đi viện nên năm nay, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì nghĩ một năm hai vợ chồng không mua bảo hiểm y tế cũng tiết kiệm được một khoản. Ai ngờ, chuyện không may lại xảy đến...”

Rồi chị lại bảo: “Lỗi do mình nên cũng chẳng dám trách ai, tưởng tiết kiệm được hơn triệu bạc tiền mua bảo hiểm, ai ngờ bệnh tật ập đến tốn gấp nhiều lần. Đúng là tham bát bỏ mâm, khổ thật. Khi bác sĩ nói anh nhà chị phải phẫu thuật, dồn hết tiền trong nhà cũng mới có chưa đầy mười triệu, còn lại phải vay anh em họ hàng mỗi người một ít mới được hơn 30 triệu mang xuống viện. Nhưng xem ra, cũng khó mà đủ được đến hôm xuất viện”. Nói xong, khóe mắt chị rưng rưng.

Bảo hiểm y tế là “đóng góp khi lành, để dành khi ốm” chị ạ. Chẳng ai mong mình đau ốm để đi viện cả, nên dù có đóng tiền mua bảo hiểm thì cũng chỉ hy vọng không phải dùng đến. Vậy nhưng, bệnh tật, đau ốm có trừ ai đâu. Bây giờ đi viện, nếu không có bảo hiểm y tế chi trả thì tốn kém nhiều lắm.

“Cô nói đúng, sau lần đi viện này, về nhà việc đầu tiên chị phải làm là đăng ký mua lại bảo hiểm y tế cho cả hai vợ chồng. Chỉ buồn nỗi, giá chị hiểu được điều này sớm hơn, thì đâu đến nỗi!” - người vợ thở dài.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]