(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày qua, sự việc cô bé 16 tuổi trộm chiếc váy và những hành xử của chủ cửa hàng quần áo ở TP Thanh Hóa đã làm xôn xao dư luận. Đương nhiên mỗi người một ý kiến và họ có những lý lẽ khác nhau để cho rằng ý kiến của mình là đúng.

Mạng xã hội: Xin đừng ảo tưởng!

Những ngày qua, sự việc cô bé 16 tuổi trộm chiếc váy và những hành xử của chủ cửa hàng quần áo ở TP Thanh Hóa đã làm xôn xao dư luận. Đương nhiên mỗi người một ý kiến và họ có những lý lẽ khác nhau để cho rằng ý kiến của mình là đúng.

Mạng xã hội: Xin đừng ảo tưởng!

Vấn đề ở đây là một vài ngày qua, khi sự việc đau lòng và nhức nhối chưa qua thì địa chỉ diễn ra sự việc trên lại trở thành một “điểm du lịch”, “điểm check-in” của các bạn trẻ. Họ đến đây để biểu diễn quay, chụp hình ảnh có tên cửa hàng và đăng tải lên mạng xã hội để khoe với bạn bè.

Theo số liệu thống kê tới tháng 6-2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó ứng dụng TikTok có gần 13 triệu người dùng, trung bình ít nhất 28 phút/ngày/người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng người dùng TikTok cao nhất Đông Nam Á. Có lẽ vì sự “trưởng thành” lớn mạnh của mạng xã hội mà các bạn trẻ lại càng hào hứng, hiếu kỳ và khoe khoang.

Thậm chí ngay sau khi sự việc xảy ra, đường vào nhà cô bé trong vụ việc trên bị tắc nghẽn do có quá nhiều bạn trẻ đến để livestream. Họ nhốn nháo đăng khắp các mạng xã hội về hành trình tìm nhà cô bé, thuyết minh về đường đi...

Tôi tự hỏi người trẻ họ tìm kiếm hay hướng tới điều gì khi phải đến đúng cửa hàng ấy để quay TikTok, phải “rồng rắn” kéo nhau đến tận nhà người ta. Câu trả lời khả dĩ nhất chính là họ ảo tưởng sức mạnh của mạng xã hội. Rằng thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng họ sẽ thu hút thêm được lượng người theo dõi.

Chúng ta hẳn biết rất rõ, chỉ vì nghĩ mạng xã hội “thay trời hành đạo”, thậm chí muốn tăng lượng người tương tác để câu “view” nên chủ cửa hàng đã yêu cầu nhân viên quay clip. Ai ngờ chính sự ảo tưởng đó đã phơi bày tất cả sự vô cảm, hành vi côn đồ, ác độc... trước mọi người.

Thậm chí, đến cả những người đứng ra quyên góp, trao tiền hỗ trợ cho cháu bé cũng nhằm mục đích làm màu. Họ phát trực tiếp từng chi tiết nhỏ để kết nối với một số lượng lớn người xem và theo dõi.

Nhớ lại chuyện của cậu bé Hào Anh ở Cà Mau cách đây hơn 5 năm, khi ấy em bị chủ đìa tôm bạo hành đến biến dạng. Thương xót tình cảnh, chỉ ít ngày sau đó, các nhà hảo tâm đã quyên góp tặng em tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Nhưng cậu bé đã dùng tiền để mua sắm, ăn chơi và cuối cùng khi hết tiền thì bị bắt vì cạy cửa nhà dân trộm máy tính. Một cậu bé được cứu vớt ra khỏi địa ngục, nhưng cũng dễ hư hỏng vì không biết cách sử dụng đồng tiền. Còn cô bé này, liệu em có hiểu việc nhận tiền quyên góp là em nhận niềm tin về sự nỗ lực đứng lên sau lỗi lầm?

Tôi vẫn nghĩ, lúc này cô bé ấy đang rất muốn mọi chuyện lắng xuống. Những ồn ào nào rồi cũng sẽ qua. Cuộc sống chảy trôi hàng ngày, lại sẽ có nhiều câu chuyện khác nóng hơn, nhiệt hơn, nhiều người theo dõi hơn. Hãy đừng ai ảo tưởng về sức mạnh của mạng xã hội. Quan trọng nhất của mỗi con người là phút bình tâm để nhìn lại chính mình, để hiểu thẳm sâu trong mỗi người là sự sẻ chia, là sự nhân ái. Điều này sẽ kết nối mọi người bền lâu hơn rất nhiều mạng xã hội.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]