(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này cộng đồng mạng vô cùng bức xúc, đau lòng trước sự việc bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là cháu bị “dì ghẻ” đánh đập, hành hạ đến mức mất mạng.

Ngẫm về câu ca: "Mấy đời bánh đúc có xương"…

Những ngày này cộng đồng mạng vô cùng bức xúc, đau lòng trước sự việc bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là cháu bị “dì ghẻ” đánh đập, hành hạ đến mức mất mạng.

Ngẫm về câu ca: “Mấy đời bánh đúc có xương”…

Liên quan đến sự việc bé 8 tuổi tử vong, ngày 28-12 Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với N.V.Q.T (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) về hành vi hành hạ người khác theo điều 140 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, N.V.Q.T là người tình của bố cháu bé, cùng sống chung với hai bố con tại một chung cư ở quận Bình Thạnh. Trong quá trình sống chung, N.V.Q.T đã nhiều lần đánh đập cô bé.

Ngày 22-12, Công an quận Bình Thạnh nhận thông tin từ bệnh viện về việc có cấp cứu bé V.A. trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Bước đầu, công an xác định V.A. sống chung với cha ruột của mình là ông T. và “dì ghẻ” là N.V.Q.T. Ông T. thừa nhận bản thân giao con gái cho bạn gái chăm sóc nuôi dưỡng, dạy học và nắm được việc T. đánh đập V. A. Trong quá trình sinh hoạt, biết con có vết bầm tím và bảo rất sợ mẹ (N.V.Q.T) nhưng ông T. có vẻ như đồng tình với các biện pháp như vậy của người tình nên không có hành động quyết liệt để bảo vệ con hoặc cản trở T. thực hiện biện pháp dạy con mình.

Sau khi bé V.A mất, những hộ dân sinh sống ở chung cư đã xuống sân tòa nhà để thắp nến tưởng nhớ, cầu mong linh hồn bé được siêu thoát. Nhiều người dân, cộng đồng mạng bức xúc, lên án hành vi của “dì ghẻ” bao nhiêu thì trách móc người bố bấy nhiêu. Hình ảnh “dì ghẻ” một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ.

“Dì ghẻ” là nhân vật độc ác, đối xử tệ bạc với con chồng được giai thoại hóa gắn với nhiều câu chuyện cổ tích khiến chúng ta căm phẫn. Và thực tế ở đời thực cũng không hiếm những câu chuyện “dì ghẻ” khác máu tanh lòng tương tự như thế.

Câu ca “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” xuất phát từ dân gian nhằm cảnh tỉnh, giáo dục con người. Dù biết điều đó có phần ôm đồm, quy nạp, nhưng rõ ràng với sự hành xử quá mức của một số “dì ghẻ” hiện nay, mà điển hình là N.V.Q.T, câu nói ấy càng khiến chúng ta đau lòng, phải suy nghĩ, liên tưởng.

Tất nhiên đó chỉ là một góc nhìn. Trong xã hội ngày nay đang chứng kiến có không ít người ở địa vị “dì ghẻ” nhưng đã dành tình cảm cho con chồng, chăm sóc con chồng như con mình. Đó là phẩm chất tốt đẹp của con người, một “lát cắt” tươi đẹp về cuộc sống gia đình. Vấn đề là xã hội cần phải có sự bao dung hơn, mỗi gia đình cần đề cao đạo đức, trách nhiệm, tình thương yêu, nâng niu để sợi dây tình cảm ấy thêm gắn kết, bao bọc những thành viên lại với nhau, ngăn chặn những suy nghĩ, việc làm “vượt lằn ranh”.

Một khi thiếu đi điều cốt yếu đó, thì rất dễ sinh ra sự “lệch pha” tình cảm, đẩy con người đến tình trạng “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]