(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm là thời điểm thị trường hàng hóa trở nên sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả trà trộn vào thị trường, hiện nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tuyên truyền, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Cuối năm là thời điểm thị trường hàng hóa trở nên sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả trà trộn vào thị trường, hiện nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tuyên truyền, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.

Người tiêu dùng nên lựa chọn những địa chỉ tin cậy để lựa chọn hàng hóa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Thời điểm “vàng” cho hàng giả, hàng nhái tung hoành

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, kinh doanh, buôn bán hàng giả sẽ tiếp tục sôi động, nhất là bước vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Ngoài khó khăn về lực lượng, phương tiện, thiết bị và công tác đấu tranh chống hàng giả, thì sự phối kết hợp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan chức năng cũng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp (DN) có hàng hóa bị làm giả chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, e ngại việc phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và doanh thu bán hàng. Điều này đã làm phức tạp và gia tăng hơn các hành vi xâm phạm thương hiệu, dẫn đến làm xấu đi môi trường kinh doanh đối với các DN.

Nếu “điểm mặt” hàng giả trong thời điểm cuối năm nay phải kể trước tiên là rượu giả dán nhãn ngoại. Theo chủ cửa hàng rượu bia trên đường Lê Hoàn: Các loại nổi tiếng như Chival, Marthel và các loại vang Chilê, Pháp, Úc có trị giá cao, bán chạy trong dịp tết rất dễ bị làm nhái, làm giả. Bằng những thủ đoạn tinh vi, điêu luyện, đối tượng làm giả đã pha màu, dán nhãn, đóng nắp... khá bài bản. Trừ những chuyên gia và lực lượng quản lý thị trường, người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết đâu là rượu thật, đâu là rượu giả.

Ông Lê Văn Tư - phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa cho biết: “Tôi cũng chẳng biết có cách nào để mà phân biệt đâu là hàng giả đâu là hàng thật, chỉ biết kiểm tra hình thức bên ngoài, rồi xem thời hạn sử dụng, chứ chất lượng thế nào thì chịu...”.

Đáng sợ hơn là thực phẩm bẩn, thực phẩm sử dụng chất bảo quản độc hại... như hoa quả, rau củ, gia vịcho đến hàng nông sản, thực phẩm... được nhập lậu vào thị trường nội địa ngày càng nhiều. Thế nhưng, các mặt hàng này rất dễ dàng qua mặt người tiêu dùng bởi hình thức bên ngoài hầu như không khác biệt gì so với các sản phẩm trong nước mà giá thành lại rất rẻ.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Theo đại diện Cục Quản lý Thị trường tỉnh, chế tài xử phạt đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định cũng nêu rõ, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan và UBND các cấp. Với tình hình thực tế tại Thanh Hóa, lực lượng thực thi nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là lực lượng quản lý thị trường, do đó hình thức xử lý mới dừng lại ở xử phạt hành chính.

Trong thời gian gần đây, các vi phạm về hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng tinh vi. Người tiêu dùng lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường. Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả thời thương mại điện tử cũng khó kiểm soát. Tính đến hết tháng 9/2020, lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra khoảng 5.500 vụ, tổng số vụ xử lý là 4.673 vụ. Trong đó, quý III kiểm tra 1.095 vụ, xử lý 866 vụ. Các vụ xử lý gồm các vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; các vi phạm về giá, an toàn thực phẩm...

Những tháng cuối năm 2020, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trong tỉnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động có tổ chức, ngày càng tinh vi và manh động. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tập trung kiểm tra các đối tượng như: các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại.

Có thể nói, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ là cuộc chiến lâu dài. Để góp phần hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả, nhất là vào dịp cuối năm, song song với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ quyền lợi chính mình bằng cách cảnh giác và tẩy chay đối với các mặt hàng giả, hàng nhái, đồng thời tố giác với lực lượng chức năng để xử lý những hành vi kinh doanh hàng giả.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]