(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, những quan niệm cũ cũng thay đổi, niềm vui đã không còn như xưa, và nỗi nhớ không thể mang tất cả về…

Những mùa Trung thu qua

Cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, những quan niệm cũ cũng thay đổi, niềm vui đã không còn như xưa, và nỗi nhớ không thể mang tất cả về…

Những mùa Trung thu qua

Trung Thu đến, dù ít, dù nhiều cũng khiến những đứa con xa quê quanh năm bộn bề với cơm, áo, gạo, tiền nhớ về những ký ức đẹp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chiều tan làm, về nhà trong cảm giác tê tê vì hơi lạnh sau những cơn mưa kéo dài, tôi chợt nghe đâu đó rộn ràng tiếng trống múa lân, tiếng reo hò của bọn trẻ con. Giữa thành phố tấp nập và bộn bề, con người rất khó để tìm được một chốn yên bình, tĩnh lặng. Đâu đâu cũng là người, là xe, là hàng quán, nhà cửa, ồn ào náo nhiệt và bụi bặm. Thế nhưng, mỗi khi mùa Trung thu đến, dù ít, dù nhiều cũng khiến những đứa con xa quê quanh năm bộn bề với cơm, áo, gạo, tiền như chúng tôi nhớ về những ký ức đẹp.

Ngày tôi còn nhỏ, chưa biết tính ngày tháng, chỉ biết Trung thu sắp về khi khí trời se se lạnh, nắng vàng hơn và ngoài chợ, các cửa hàng tạp hóa bày bán la liệt đèn ông sao. Tôi vẫn nhớ như in tiếng xe đạp của mẹ rải đều trên lớp sỏi đầu ngõ, ngày nào chúng tôi cũng ngóng âm thanh đó. Sau buổi chợ chiều, mẹ trở về, trên tay cầm chiếc đèn ông sao. Ba, bốn chị em nhưng năm nào mẹ cũng mua một cái, chúng tôi chơi chung. Với đám trẻ nghèo quê tôi thì việc được bố mẹ mua cho cây đèn ông sao đã là niềm hạnh phúc.

Mẹ vào bếp nấu cơm, chị em chúng tôi ở ngoài lúi húi gắn nến nhỏ vào đèn. Khâu này rất quan trọng, bởi chỉ cần lệch một chút, lúc đốt lên, lửa sẽ bén vào đèn. Có năm, bố còn đầu tư hẳn cho chị em tôi chiếc bóng đèn bé bằng đầu ngón tay, gắn với một cục pin tiểu, thay cho nến. Khỏi phải nói, năm đó chúng tôi “oách” như thế nào trong mắt đám trẻ cùng xóm.

Tầm 5 - 6 giờ chiều, tiếng trống từ nhà văn hóa thôn vang lên tùng tùng tùng… khiến cả xóm nhộn nhịp, hào hứng hẳn lên. Đám con nít chúng tôi í ới gọi nhau tập trung đông đủ ở khoảng sân rộng trước nhà văn hóa thôn. Các anh chị thanh niên tổ chức mấy trò chơi nho nhỏ, phần thưởng là dăm ba cái kẹo, chiếc bánh, có đứa được hẳn cây bút hoặc cuốn vở mỏng. Đúng 8 giờ tối, tiếng trống bắt đầu dồn dập hơn, chúng tôi hò nhau xếp thành 2 hàng dọc, chỉnh đốn lại đèn lồng để bắt đầu “hành quân”.

Đêm Trung thu nghèo ở quê tôi không có múa lân, không đốt pháo rộn ràng, chỉ có tiếng trống dẫn đầu đoàn trẻ con và ánh đèn ông sao nhấp nháy. Ngày ấy, đường chưa nhiều đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, hòa với ánh sáng lung linh từ những chiếc lồng đèn tỏa ra mờ mờ ảo ảo. Cả đoàn rước đèn đi quanh xóm, bố mẹ đứng hai bên vẫy tay cổ vũ. Đó là những hình ảnh đẹp nhất mà tôi từng đi qua trong ký ức về tuổi thơ.

Hồi đó, tôi cũng không hiểu cả lũ rồng rắn kéo nhau đi quanh làng trên xóm dưới để làm gì. Chỉ biết rằng, đứa nào cũng hào hứng và rất ý thức việc phải đi thẳng hàng, không chen lấn, xô đẩy nhau. Vừa đi, vừa ngược trông trăng mà vè “Ông trăng ơi! Xuống đây mà chơi… có bầy có bạn/ Có bát cơm xôi/ Có nồi cơm nếp/ Có tệp bánh trưng/ Có lưng gù rượu... “và mơ màng về hình bóng chú Cuội dưới gốc cây đa, nơi chị Hằng dịu dàng, yêu thương tràn ngập. Trong khi, tay phải giữ thăng bằng để đèn không bị nghiêng. Sợ nhất là gặp những cơn gió”mồ côi" thổi tắt nến, phải thắp đi thắp lại nhiều lần. Có lần không để ý, lửa bén, cháy gần hết chiếc lồng đèn, run ơi là run. Cũng có đứa ngồi khóc nức nở... Khoảng 10 giờ đêm, đoàn rước đèn quay trở về nhà văn hóa. Cả đoàn chia tay nhau, ai về nhà nấy, đặc biệt, đứa nào vẫn còn giữ được nguyên đèn thì rất đỗi tự hào. Ngày ấy sao mà vui đến lạ, háo hức chờ đón Trung thu đến nỗi chỉ cần nhắc tới thôi là bọn trẻ chúng tôi cười híp cả mắt.

Cuộc sống xoay vần bề bộn cơm áo, mấy năm rồi chị em chúng tôi không được đón Trung thu ở quê nhà. Hôm qua mẹ cũng vừa gọi điện, sau vài câu thăm hỏi như thường ngày, mẹ ngắc ngứ: “Rằm Trung thu các con có bận lắm không? Đưa cháu về chơi với bố mẹ”. Lòng tôi nghẹn lại, trùng xuống đầy nghĩ suy. Mấy năm nay, Trung thu chỉ có bố và mẹ ở quê. Nếu tôi không đưa cháu về chơi, hẳn nhà tôi cũng sẽ không có đèn ông sao, bố mẹ tôi rồi sẽ sinh hoạt như thường ngày, sẽ ăn cơm và tắt điện đi ngủ sớm. Nhà tôi, từ lâu đã vắng vẻ như thế. Kể từ ngày chúng tôi xa quê, đi theo tiếng gọi của những ước mơ. Quê hương đó mà sao xa vời vợi. Dẫu đã nhiều lần tự hứa sẽ đưa con về quê đón một Trung thu nơi tuổi thơ êm đềm của mẹ nó đã đi qua, nhưng tôi vẫn chưa làm được. Cuộc sống khắc nghiệt cứ xô đẩy khiến con người ta mải miết với những lo toan. Ngồi nhìn lá thu rơi xào xạc, mới thấy khắc khoải như thể mình đã đánh rơi rất nhiều điều quý giá. Có lẽ, tôi đã biết mình phải làm gì. Trung thu này tôi sẽ đưa con về quê. Dẫu Trung thu ở quê có thể không còn như xưa nữa.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]