(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh sự hồ hởi được đến trường của học sinh là niềm vui của các thầy cô giáo với hy vọng đưa những “chuyến đò” sang sông thành công. Thầy cô giáo vẫn được ví như người dẫn đường, để học sinh thân yêu từng bước đi tới tương lai tươi sáng. Đặc biệt, có không ít thầy cô, còn là những tấm gương nghị lực phi thường.

Những người gieo chữ

Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh sự hồ hởi được đến trường của học sinh là niềm vui của các thầy cô giáo với hy vọng đưa những “chuyến đò” sang sông thành công. Thầy cô giáo vẫn được ví như người dẫn đường, để học sinh thân yêu từng bước đi tới tương lai tươi sáng. Đặc biệt, có không ít thầy cô, còn là những tấm gương nghị lực phi thường.

Những người gieo chữ

Ảnh minh họa.

Tôi nhớ đến tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, từ khi lên 4 tuổi đã bị mất đi đôi tay sau một cơn sốt ác tính. Với tinh thần hiếu học và khát khao hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa, cậu bé Ký đã quyết tâm đến trường - tập làm điều phi thường - tập viết bằng chân. Cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký đã vinh dự được Bác Hồ hai lần tặng thưởng huy hiệu. Để rồi, ông từng bước trở thành người thầy dạy chữ cho những thế hệ học sinh thân yêu. Và dù thầy giáo Ký đã qua đời, nhưng câu chuyện cuộc đời thầy vẫn luôn là nguồn cảm hứng sống, thắp lên niềm tin và khát khao vươn lên nghịch cảnh của những người Việt.

Rồi thầy giáo Phùng Văn Trường (Hà Nội), bị khuyết tật cả chân và tay từ nhỏ, nhưng đã quyết tâm luyện chữ bằng miệng, kiên trì từng bước để “viết” nên cuộc đời mình. Ban đầu thầy Trường luyện chữ, dạy toán, tập đọc, sửa chính tả... miễn phí những kiến thức cơ bản cho các cháu bậc tiểu học ngay gần nhà. Thầy còn thành lập tủ sách cộng đồng hơn 3.000 đầu sách, với mong muốn mang kiến thức đến cho trẻ em nghèo. Từ số phận những tưởng bất hạnh, thầy giáo Phùng Văn Trường đã đối diện và thắp lên hy vọng – cho không chỉ cuộc đời mình.

Và cô giáo Lê Thị Thắm, sinh năm 1998, quê ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn), sinh ra với cơ thể tật nguyền, không có đôi tay. Nhưng ngay từ nhỏ đã thể hiện tinh thần vượt khó, nỗ lực theo đuổi con đường học tập bằng cách chăm chỉ tập viết chữ bằng chân. Câu chuyện vượt lên số phận của Thắm, khiến chúng ta cảm phục. Năm học này, Thắm bắt đầu trở lại ngôi trường mà nhiều năm về trước cô đã tập viết những nét chữ bằng chân đầu tiên. Nhưng với một vai trò khác, là cô giáo Thắm. Hy vọng, với kiến thức, tình yêu nghề và khát vọng vươn lên, cô giáo Thắm sẽ cùng với học sinh thân yêu, viết nên những câu chuyện cuộc sống, thật đẹp.

Lại nói, cháu trai tôi mê đá bóng. Cũng vì thế mà tay chân nó luôn có nhiều vết trầy xước. Cách đây không lâu, vào một buổi chiều khi tôi còn chưa tan làm thì nhận được cuộc gọi của mẹ cháu hốt hoảng thông báo cháu bị gãy chân. Khi tôi ghé thăm, thằng bé vốn hoạt bát thường ngày đang nằm lặng yên buồn rầu, không nói chuyện với ai. Gặng hỏi mãi thì nó nói: “Gãy chân là không đi học được hả bác? Con không đi học đâu, mang cái chân bó bột đến trường, xấu hổ lắm... Sau này, con cũng không thể đá bóng được nữa, phải không bác”. Nhìn thằng bé mắt ngấn nước, người lớn không khỏi thương cảm.

Bố nó ngồi bên cạnh mới tỉ tê: "Con còn nhớ tác phẩm Tôi đi học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký mà ngày trước bố đã đọc cho con nghe không? Con cũng từng xuýt xoa khen cô giáo Thắm nhỏ nhắn mà giàu nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đấy thôi. Còn con, chỉ vừa mới gãy chân mà đã có những mặc cảm như vậy! Cả đời các thầy cô ấy mang biết bao đau đớn cơ thể, nhưng họ đã từng ngày cố gắng vượt qua nghịch cảnh, để trở thành người có ích. Con mới vừa gãy chân, vài ba tháng con sẽ đi lại bình thường, rồi vẫn có thể đá bóng nhẹ nhàng. Con sẽ làm được, chỉ cần quyết tâm thôi, cố lên con trai".

Ngồi chơi cùng cháu, tôi lại nhớ tới cô giáo Lê Thị Thắm, trong một lần gặp Thắm đã nói “Lối đi ngay dưới chân mình. Mỗi người có thể lựa chọn một lối đi. Nếu đôi chân còn ngập ngừng, thì bước đi sẽ chậm và không chắc chắn như người khác”. Các thầy cô giáo tuy thiếu đôi chân, đôi tay nhưng bằng tất cả sự nỗ lực, họ đã thắp sáng cho cuộc sống của chính mình và truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]