(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103,5 km. Do đi qua nhiều vùng có đông dân cư nên người dân đã tự mở 114 lối đi qua đường sắt. Những lối đi tự mở này, ngoài vi phạm hành lang an toàn giao thông còn là nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt vào năm 2025 như Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quyết tâm xóa bỏ đường ngang dân sinh (Kỳ 1): Hiểm họa từ những đường ngang dân sinh

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103,5 km. Do đi qua nhiều vùng có đông dân cư nên người dân đã tự mở 114 lối đi qua đường sắt. Những lối đi tự mở này, ngoài vi phạm hành lang an toàn giao thông còn là nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt vào năm 2025 như Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.

Không gác chắn, không người cảnh giới và không tín hiệu đèn. Đó là thực trạng chung của các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh. Chính vì hội tụ “nhiều không” nên những lối đi tự mở không những vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt mà còn là hiểm họa gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Hơn 100 lối đi tự mở qua đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 9 huyện, thị xã, thành phố gồm: Bỉm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn và thị xã Nghi Sơn, có chiều dài 103,5 km. Để thuận lợi cho việc đi lại, người dân sống dọc khu vực đường sắt ở các địa phương nói trên đã tự mở 114 lối đi qua đường sắt.

Có mặt tại lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn xã Hoằng Kim đi xã Hoằng Sơn (huyện Hoằng Hóa), khoảng 20 phút nhưng có đến hàng chục lượt người qua lại tại lối đi này. Chị Lê Thị Hoa - một người dân đi làm đồng ở xã Hoằng Kim cho biết: “Nhà tôi gần Trường THPT Hoằng Hóa II nhưng có ruộng sản xuất phải băng qua đường 1A và đường sắt. Mỗi lần đi làm đồng tôi đều phải băng qua 2 con đường này, ít nhất cũng phải 4 lần/ngày. Thú thật với cô, mỗi lần phải sang đường, nhất là qua đường sắt bằng lối đi tự mở, sợ lắm vì ở đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn. Biết việc qua lại bằng lối đi tự mở này nguy hiểm đến tính mạng... nhưng khoảng cách từ nhà đến vùng sản xuất của gia đình gần hơn 5 - 6 lần so với đi ngược lên bằng lối đi hợp pháp ở ngã tư Nghĩa Trang nên tôi cũng đành liều”.

Chính vì gần hơn gấp 5 - 6 lần nên người dân trong thôn có ruộng khu vực qua đường sắt mỗi lần đi làm đồng đều đi bằng lối đi tự mở này. Ngoài ra người dân ở các xã vùng trên như Hoằng Xuân nếu muốn đến Hoằng Sơn và ngược lại người dân Hoằng Sơn đi các xã: Hoằng Xuân, Hoằng Giang... hoặc làm ở các công ty nằm trong Khu công nghiệp Hoằng Long, họ đều chọn lối đi này. Cũng theo chị Hoa, mặc dù đây là lối đi có từ xa xưa lại đông người qua lại nhưng do mặt đường không được đổ bê tông, lại không có gác chắn, đèn cảnh báo hoặc nhân viên cảnh giới nên năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người.

Lối đi tự mở Hoằng Kim đi Hoằng Sơn - nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 17/11/2019 khiến thầy Hà Anh Tuấn tử vong, hàng ngày vẫn đông người qua lại.

Không chỉ có lối đi tự mở xã Hoằng Kim đi Hoằng Sơn đã xảy ra tai nạn giao thông mà nhiều lối đi tự mở khác trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra tai nạn giao thông chết người. Điều đáng nói là những người dân sống khu vực có đường sắt chạy qua họ đều biết: Đi trên những lối đi tự mở không rào chắn, không đèn cảnh báo tự động và không có người canh gác... sẽ không an toàn đến tính mạng. Nhưng biết rồi, họ vẫn cố tình đi qua nên đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thương tâm xảy ra trên các lối đi tự mở này.

Những đường ngang... “tử thần”

Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ sau vụ tai nạn giao thông đường sắt cướp đi sinh mạng của thầy giáo Hà Anh Tuấn (SN 1991, xã Hoằng Xuân) là giáo viên dạy môn Toán giỏi Trường THCS Nhữ Bá Sĩ, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, song trong ký ức người dân thôn Nghĩa Sơn, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa - nơi có lối đi tự mở từ Hoằng Kim đi Hoằng Sơn vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn giao thông này. Anh Nguyễn Văn Tiến - thôn Nghĩa Sơn - nhà ở đối diện với lối đi tự mở này cho biết: Thời điểm xảy ra tai nạn, thầy Tuấn điều khiển xe máy băng qua đường ngang, nhưng do một số người cùng vượt đường ngang phía trước đi chậm lại nên đuôi xe của thầy giáo vẫn còn vướng vào khu vực đường ray. Cùng lúc này, đoàn tàu Bắc - Nam lao tới tông trúng đuôi xe, khiến thầy Tuấn văng ra ngoài đập trúng cột mốc giao thông dẫn tới tử vong tại chỗ.

Đến nay, người dân ở thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh về vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô 4 chỗ và tàu SE9 hồi tháng 10/2019. Nỗi ám ảnh đó được ông Nguyễn Văn Hùng nhà ở gần Huyện Đội Hà Trung - nơi xảy ra vụ tai nạn trải lòng: Cứ mỗi lần nghe tiếng còi rú dài là người tôi lại lạnh xương sống bởi thường là có chuyện chẳng lành xảy ra. Rồi ông cho biết: Vào khoảng 18h ngày 29/10/2019, lúc đó nhà ông đang chuẩn bị ăn cơm, ông nghe có tiếng rầm và sau đó là còi tàu rú dài. Biết có việc chẳng lành, ông vội chạy ra thấy tàu khách dừng và chiếc ô tô con 4 chỗ bị méo mó, nằm lật ở ven đường. Qua lực lượng chức năng, ông biết người bị tai nạn là ông Bùi Ngọc Tấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Trung và xe ôtô 4 chỗ mang BKS 36A-449.25 là của ông mới mua. Vào thời điểm trên, ông Tấn từ Quốc lộ 1A băng qua đường sắt. Do thiếu quan sát, nên ôtô do ông Tấn điều khiển đã bị đoàn tàu SE9 chạy theo hướng Hà Nội - Thanh Hóa đâm trúng. Vụ va chạm khiến ôtô bị lật ngửa văng sang bên đường, ông Tấn bị thương nặng. Tuy được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên ông Tấn đã tử vong.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra mỗi năm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua liên quan đến lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Dù tai nạn xảy ra ở lối đi tự mở (không có gác chắn, người cảnh giới hoặc không có tín hiệu đèn) hay ở những đường ngang có gác chắn tự động đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức chấp hành an toàn giao thông đường sắt của người dân. Vì vậy, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, ngoài việc xóa đường ngang tự mở, người điều khiển phương tiện khi qua đường sắt phải chú ý quan sát, cẩn trọng mỗi khi điều khiển giao thông qua đường sắt.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]