(vhds.baothanhhoa.vn) - Đêm mưa. Những con phố sầm uất, huyên náo chìm vào tĩnh lặng. Ánh đèn đường vàng mờ trong màn sương. Những hàng cây trên phố cũng thôi xào xạc, im lìm, hắt bóng xuống mặt đường. Đâu đó chỉ còn sót lại âm thanh vụn vặt của những người rao hàng. Tiếng rao ấy, ban ngày chìm vào ồn thành phố, nhưng đêm đến lại đau đáu cõi lòng.

Sau tiếng rao đêm

Đêm mưa. Những con phố sầm uất, huyên náo chìm vào tĩnh lặng. Ánh đèn đường vàng mờ trong màn sương. Những hàng cây trên phố cũng thôi xào xạc, im lìm, hắt bóng xuống mặt đường. Đâu đó chỉ còn sót lại âm thanh vụn vặt của những người rao hàng. Tiếng rao ấy, ban ngày chìm vào ồn thành phố, nhưng đêm đến lại đau đáu cõi lòng.

Sau tiếng rao đêm

Ảnh minh họa.

Nằm trong nhà ôm con, tai tôi rung lên bởi những tiếng động ngoài phố dội vào. Đó là tiếng còi hú của xe cứu thương chạy vội vã, tiếng mở cửa lạch cạch của bác hàng xóm đi làm về muộn, tiếng gió tranh thủ vờn quanh những cánh cửa…

Rồi đột ngột, tiếng rao “Bánh khúc đây. Xôi lạc, bánh khúc đây" gõ vào thính giác từ xa đến gần. Tiếng rao không lớn lắm nhưng lại rất vừa tai cho những ai chưa vội ngủ. Thú thực, lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe tiếng rao đêm, chẳng biết tại tôi vô tình, hay tại tiếng rao đêm giờ hiếm quá. Tôi hình dung ra người phụ nữ hay bác trung niên nào đó với tấm áo mỏng đang lướt đi trong đêm. Và tôi đã tự hỏi, không biết người ấy ở đâu, gia cảnh thế nào mà phải dầm mưa đi bán hàng khuya.

Nhẹ nhàng đặt con khi bé đã chìm vào giấc ngủ, tôi lần tìm tiếng rao đêm vừa nãy. Đó là tiếng rao được phát ra từ một người phụ nữ trung tuổi, nhỏ thó với đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Dựng chiếc xe đạp cà tàng, chị lật mở hết lớp vải này đến lớp vải khác trong chiếc thúng nhỏ, rồi bảo bánh được gói, ủ trong nhiều lớp vải để luôn nóng.

Cầm chiếc bánh khúc nóng hổi trên tay, tôi mở ra, nó nhão nhoẹt. Người phụ nữ vội vã thanh minh: “Trời mưa to quá nên chắc nước mưa ngấm vào. Thôi, cô ăn xôi lạc ở giữa này sẽ ngon hơn”. Đúng, ngon hơn thật.

Ăn bánh, tôi và người phụ nữ xa lạ tếu táo vài câu chuyện không đầu mà cũng chẳng cuối. Qua đó, tôi nhận về những lát cắt cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Người phụ nữ tên Nhượng, năm nay mới ngoài 40 tuổi. Theo lời chị Nhượng, cách đây hơn 3 năm chị quyết định lên phố, bởi nhà chị dưới quê nghèo lắm, quanh năm 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng. Mấy năm trước người ta mở con đường cắt ngang qua, được đền bù cho ít tiền, nhưng không còn ruộng để cày cấy. Mất ruộng, mọi người đổ dồn sang làm công nhân, thế nhưng công ty chỉ tuyển thanh niên khỏe mạnh, còn những người có tuổi như chị, người ta chẳng nhận. Vậy là chị lại phải phiêu dạt lên thành phố bán bánh đêm. Chị thuê trọ ở gần bến xe phía Tây, mỗi ngày đều phải đạp xe đến KCN Lễ Môn, khu vực quanh Bệnh viện Hợp Lực, Trường Đại học Hồng Đức, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh… để bán. Chị bắt đầu bán từ 6 - 7 giờ tối đến gần sáng mới về nhà trọ.

- “Chị cũng có đứa con gái, năm nay thi đại học. Cuối tuần này chị tính về xem hắn thi cử thế nào” – người phụ nữ có gương mặt khắc khổ cho biết.

Hình như tôi đã thấy chị cười, trong bóng tối, khóe miệng chị giãn ra để lộ hàm răng trắng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị luôn lạc quan, hướng về phía ánh sáng cuộc đời. Giữa bao nhiêu bộn bề phải lo toan, ánh mắt chị vẫn ấm áp tình thương người, thương đời.

Chị bảo, mỗi ngày chị đều tự vỗ về mình rằng, bước chân lâu đường sẽ ngắn, tiếng rao dài sẽ có người gọi, phố dài sẽ có chỗ nghỉ…, chị sẽ gặp được khách hàng thân quen của mình. Chặng đường tưởng vu vơ hay bất định, nhưng hóa thành một cung đường sinh kế để tới khi nửa đêm về sáng, cũng xong một lần bán. Đúng như ai đó đã từng nói rằng: “Nghề nghiệp không tạo nên sự cao quý cho con người mà chính con người tạo nên sự cao quý cho nghề nghiệp”.

Mưa nặng hạt, tôi vội vã núp mình sau cánh cửa. Từ trên tầng 2 nhìn xuống, người phụ nữ đang ngồi xuống ăn cái bánh khúc tôi vừa chối từ. Cứ nhoi nhói. Ăn xong chiếc bánh lỗi, phủi tay vào chiếc quần mỏng tang, chị cùng chiếc xe khuất dần trong đêm tối, bỏ lại những tiếng rao yếu ớt.

Quả tình tiếng rao đầy cô đơn ấy cứ luôn ám ảnh và trở đi trở lại trong tôi... như nhà thơ Đậu Phi Hùng từng viết:

“Ngoài kia vọng tiếng rao đêm

Chao ôi! Réo rắt những phiền, những đau

Tiếng rao vọng buốt canh thâu

Đường khuya não nuột nát nhầu mưa rây...”

Đằng sau những tiếng rao đêm, tôi nhìn thấy những phận người cơ cực với gánh nặng mưu sinh chồng chất. Đó là những đứa con đang cần tiền mua sữa, là những đứa trẻ lớn đang cần tiền đóng học. Tôi nhìn thấy hình bóng bố tôi lao ra đường mưu sinh giữa trưa nắng gắt. Tôi nhìn thấy dáng mẹ nhỏ thó bên những rổ rau nơi góc chợ. Tôi cũng nhìn thấy tôi và 3 đứa em thơ lớn lên từ những giọt mồ hôi của bố, và sự tần tảo của mẹ.

Đó là lí do tôi vẫn luôn dành những yêu thương, sự trân trọng cho những phận đời lam lũ ngoài kia. Bởi tôi biết đằng sau vẻ ngoài lam lũ, là những mầm non được ươm mầm như tôi và các em tôi. Điều đó giúp tôi gạt đi những toan tính, bon chen và sống an nhiên, vô tư, mơ mộng. Tôi chỉ mong, cuộc sống này sẽ luôn tràn ngập tình yêu thương, để những gánh nặng mưu sinh sẽ được san sẻ, để những tiếng rao đêm bớt nặng nề, để một đứa trẻ nào đó rồi cũng sẽ như tôi, sẽ tự chắp cho mình những ước mơ dù là bé nhỏ…

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]