(vhds.baothanhhoa.vn) - Đang tháng ăn chơi đấy, uống đi các ông. Cả năm nay ta mới gặp nhau, nên phải uống hết mình. Một người rót rượu phát động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháng Giêng trong thời đại mới

Đang tháng ăn chơi đấy, uống đi các ông. Cả năm nay ta mới gặp nhau, nên phải uống hết mình. Một người rót rượu phát động.

Tháng Giêng trong thời đại mới

Ông này say rồi. Chúng ta mới gặp nhau có mấy hôm trước mà. Một người trong mâm phản đối.

Sai bét rồi nhé, lần trước là uống tất niên, bây giờ là khai xuân. Từ giao thừa đến giờ đã ngồi với nhau đâu. Phạt thằng nói sai đi cho nó nhớ.

Sau đề nghị phạt, những chén rượu được rót tràn ly. Lúc đầu là tập thể mâm phạt người nói sai, tiếp đến từng người một trong mâm phạt riêng người nói sai. Chẳng may người bị phạt nói sai thêm câu nào nữa, thì lại phạt tiếp. Lý lẽ được người trong mâm rượu đưa ra là: Phạt cho bớt nói ngu đi.

Một khung cảnh uống rượu khiến cả quán ăn huyên náo. Nhiều người vội vàng kết thúc sớm bữa ăn, rời khỏi quán để tránh vạ lây.

Tình trạng ăn nhậu đến mức mất kiểm soát ngày càng trở nên phổ biến. Có nhiều lý do để người ta có thể vin vào ép nhau uống hoặc phạt rượu nhau.

Hình ảnh và ngôn ngữ tương tự thế bây giờ có ở nhiều cuộc rượu với kiểu mời rượu, phạt rượu lạ lùng. Dịp đầu xuân càng có lý do và cảm hứng để nhiều người uống đến mức không thể kiểm soát được. Nào là mừng người đi xa trở về an toàn, rồi lại tiễn người ở xa lên đường bình an. Nào bạn lính, bạn học, đồng niên, đồng tuế, đồng môn ngồi với nhau ôn cố, tri tân, mừng lên ông, lên bà, mừng vượt qua nạn 49, 53 tuổi...

Cái gì cũng đáng để uống cả. Từ việc lớn đến chuyện bé tẻo teo, miễn là người ta thấy đó có thể là lý do, có cảm hứng, thì đều được mượn để ngồi uống với nhau. Mà uống thì dứt khoát phải say mới là chí tình, chí cốt.

Nạn rượu chè đang khiến cho nhiều người, nhiều vùng quê trở nên rất phức tạp.

Sa đà vào những bàn rượu, mượn lý do tầm phào để uống rượu dẫn đến mất kiểm soát luôn để lại những câu chuyện đau lòng. Không ít người nhìn ra hệ lụy từ những cuộc rượu quá đà, nhưng để từ chối nó, thì không phải ai cũng làm được. Tháng Giêng năm nào cũng thế, nạn rượu chè, cờ bạc đã khiến cho nhiều gia đình phải ly tán, nhưng rồi nhiều người vẫn mượn lý do “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để sa đà vào những tệ nạn, chè chén. Sau rượu chè quá đà nhiều người thường sa vào cờ bạc, gái trai, hút sách.

Câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là nói về thói quen sinh hoạt của người Việt xưa khi mà nông nghiệp chưa được cơ giới hóa, nông dân làm việc cực nhọc, sau tết nhiều người tạm gác chuyện đồng áng để tham gia hội hè, được xem là dịp để giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, việc “ăn chơi” ở đây cơ bản chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chứ không bày vẽ quá mức như một số nơi bây giờ.

Sự thay đổi của cuộc sống đã làm vạn vật thay đổi, điều cần là chúng ta phải biết chọn lọc. Có những thứ là mỹ tục, nhưng sau đó trở thành hủ tục cũng là chuyện rất bình thường. Không nên cho rằng ông bà xưa đã làm thế, sao nay lại đi ngược lại thứ mà ông bà đã phải mất bao thời gian, vốn sống để đúc kết. Có đi vào ca dao, vào sách sử, nhưng không còn phù hợp, thì cũng phải thay đổi, đó mới là thức thời, mới là hiểu biết.

Bây giờ cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, tháng Giêng không còn là tháng để nghỉ ngơi lấy lại sức lao động như xưa nữa. Để kịp thời vụ, đáp ứng các đơn hàng, người lao động có thể phải làm việc xuyên tết. Mùng 4 tết nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã vào việc thực sự và duy trì mạch lao động ấy cả năm. Tháng Giêng mới trong thời đại mới phải là tháng Giêng của sự khởi đầu với không khí hăng say để lấy may cho cả năm. Không nên mượn lý do “đang là tháng Giêng mà” để lãng phí thời gian, sa đà vào việc ăn chơi, phung phí.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]